Suy niệm - Sống lời Chúa
Kinh Nghiệm Đấng Cứu Thế của Gioan Tẩy Giả
09-12-2016 5:23 pm
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 11,2-11) cho chúng ta biết rằng mặc dù Gioan Tẩy Giả được coi là người “cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ”. Tuy nhiên, ông cũng không thoát khỏi não trạng của những người Do Thái thời bấy giờ về Đấng Messiah. Theo họ, Đấng Messiah sẽ là Đấng đánh Nam dẹp Bắc. Đấng sẽ làm cho quân thù của Dân Do Thái nhục nhã. Đấng đem lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước họ.
Vì không biết chắc về căn tính Đức Giê-su, ông sai người đến với Đức Giê-su và họ hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi đó, Đức Giêsu nói với họ về những việc Người làm: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” Những lời này của Đức Giê-su ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia trong Cựu Ước về Đấng Cứu Thế (Is 61,1-2).
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan viết rằng “còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25). Nội dung căn bản của đức tin Kitô Giáo bao gồm Kinh Thánh, Truyền Thống, và Huấn Quyền. Do đó, sẽ thiếu sót nhiều nếu chúng ta không tìm hiểu, học hỏi về nội dung này. Chúng ta không chỉ chọn một vài câu Kinh Thánh và cho là đủ, mà cần tìm hiểu toàn bộ kho tàng nội dung đức tin Kitô Giáo. Chúng ta không thể hiểu Đức Giêsu cách cặn kẽ nếu chúng ta không có các sách Cựu Ước, không có các Sách Lịch Sử, các Sách Tiên Tri… Cũng sẽ thiếu thốn biết bao nếu chúng ta chỉ có 4 tác giả viết Tin Mừng mà không có các thư của Phaolô, Phêrô, Gioan, Giacôbê, Khải Huyền.
Những điều Đức Giê-su nói với môn đệ của Gioan Tẩy Giả cho chúng ta nhận thức rằng sự hiện diện của Đức Giê-su là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.
Tất cả chúng ta được mời gọi dọn đường cho Thiên Chúa đến với tâm hồn chúng ta cũng như tâm hồn của tất cả mọi người. Khi chúng ta có được kinh nghiệm về sự tha thứ của Thiên Chúa, về ơn cứu độ của Người, cũng là khi chúng ta có khả năng loan báo chương trình của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại cách hiệu quả nhất cho những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
Lm Đăng Đình Nên
Untitled Document