Lịch Sử Phong Trào

Theo Nhật ký Thánh Faustina cho biết rằng vào ngày 22. 2.1931 Chúa Giêsu hiện ra với nữ tu Faustina, người Ba Lan, thuộc dòng Đức Mẹ Nhân Lành và truyền cho chị hãy vẽ một bức hình theo như mẫu mà Chúa đã cho chị nhìn thấy với hàng chữ: Lạy Chúa Giêsu Con Tín Thác Nơi Chúa.

Chúa Giêsu nói với chị rằng: Cha ước mong bức hình này được tôn kính, trước là trong nhà nguyện của các con và sau đó là khắp thế giới. Ba năm sau (2.1.1934), với sự giúp đỡ của Cha Sopocko linh hướng của Thánh Faustina, bức hình đã được vẽ và được hoàn tất 6 tháng sau đó. Lần đầu tiên bức hình được tôn kính công khai tại đền thờ Đức Mẹ Nhân Lành ở Ostra Brama từ ngày 26 - 28 tháng 4 năm 1935. Vào ngày 4.4.1937 do sự yêu cầu của Chúa Giêsu trong thị kiến của Sơ Faustina, Cha Sopocko treo bức hình tại nhà thờ Thánh Micae ở Vilnius nơi Cha đang làm Cha Xứ. Vào năm 1948, sau khi nhà cầm quyền cộng sản đóng cửa nhà thờ Thánh Micae bức ảnh được dời đến nhà thờ Chúa Thánh Thần ở Nowa Ruda và được treo ở đó hơn 30 năm.

Ngày nay, bức hình này được tôn kính tại Thánh Đường Lòng Chúa Thương Xót tại Vinius, Ba Lan. Với bức hình này Chúa Giêsu hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Bức hình này được nói đến như là bức hình Lòng Chúa Thương Xót. Linh đạo Lòng Chúa Thương Xót bao gồm những lời cầu nguyện đặc biệt: chuổi Kinh Lòng Chúa Thương Xót được xem như là phương tiện cho con người của thời đại để cầu xin ơn Chúa. Thêm vào đó linh đạo của Lòng Chúa Thương Xót cũng thúc ép chúng ta hãy thực hiện những việc làm tốt biểu lộ lòng thương xót. Linh đạo này hoàn toàn hài hoà với tinh thần của Tám Mối Phúc Thật, phúc cho những người có lòng thương xót vì họ có lòng xót thương (Mt 5:7). Sứ điệp quan trọng của Lòng Chúa Thương Xót là Tín Thác. Tín thác vào lòng thương xót của Chúa, tín thác trong sự Hiện Hữu hằng sống của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể; và quyết tâm tuân phục Thánh ý. Lòng thương xót của Chúa dành cho tất cả mọi người bởi vì linh hồn nào càng khốn nạn, càng có quyền hơn trên lòng thương xót của Chúa.

Bức hình Lòng Chúa Thương Xót chiếm một vị trí đặc biệt trong tâm hồn của thánh Faustina đến nỗi ngay từ dòng chữ đầu tiên của nhật ký Ngài viết:

Ôi Tình Yêu Hằng Hữu, Chúa truyền vẽ bức hình của Chúa và tỏ cho chúng con nguồn mạch lòng thương xót khôn dò, Chúa chúc lành cho bất cứ ai đến với những luồng sáng của Chúa. Một linh hồn đen đủi cũng được trở thành trắng như tuyết.

Việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót bắt đầu vào ngày 7. 3.1947 trong nhà nguyện của các Sơ. Thánh Faustina qua đời ngày 5.10.1938 khi được 33 tuổi. Năm 1993, Ngài được phong Chân Phước và vào ngày 30.4 năm Thánh 2000 được Tôn Phong Hiển Thánh. Trong Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Thánh Faustina. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II công bố Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai trong tuần Bát Nhật Phục Sinh có một ý nghĩa và lý do đặc biệt: Thánh Lễ này phục hồi lại truyền thống phụng vụ cổ xưa được phản ảnh qua lời dạy của Thánh Augustinô rằng: những ngày trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh là những ngày của lòng thương xót và tha thứ. Để cử hành Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Thánh Faustina mời gọi mọi người đọc Chuổi Kinh Thương Xót và làm Tuần Cửu Nhật bắt đầu từ thứ Sáu Tuần Thánh cho đến Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Điều kiện để được ơn tha thứ và những hình phạt phải Rước Lễ, đọc Chuổi Kinh Thương Xót, tôn kính bức hình Lòng Chúa Thương Xót, đi đàng Thánh Giá, xưng tội, và tham dự Thánh Lễ để gặp gỡ Chúa Giêsu với sự Tín Thác trong sự hiện diện sống động của Người trong Bí Tích Thánh Thể.