KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
11/7 : Kính Thánh Biển Đức Viện Phụ
Dù sống trong cô tịch, nhưng hương thơm thánh thiện của Ngài lan tỏa khắp nơi và càng ngày càng lan rộng. Người ta coi Ngài là một vị Thánh, và nhiều người đã kéo đến để chiêm ngưỡng hay để xin làm môn sinh của Ngài.

Tiểu sử: Thánh Nhân sinh vào khoảng năm 480 trong một gia đình quý tộc tại Nursia, tức Norcia thuộc vùng Umbria, Italia ngày nay. Khi còn bé, Ngài được gửi tới Rô-ma để ăn học. Và trong thời gian này, người vú nuôi của Ngài luôn đồng hành với Ngài.

Theo tương truyền được Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng ghi lại, thì vào một ngày kia, người vú nuôi làm vỡ một cái rây sàng bột. Bà ta vô cùng sợ hãi, và đã mang sự việc đến trình cho Biển Đức. Thánh Nhân đã cầm lấy chiếc rây đó và cầu nguyện. Chỉ một ít phút sau, chiếc rây đã lành lặn trở lại, và người vú nuôi lại có thể tiếp tục sử dụng nó để sàng bột.

Bị kinh hoàng bởi lối sống xô bồ tại thành phố Rô-ma, Biển Đức đã quyết định gia nhập một cộng đoàn sống đời khổ hạnh tại Effide, tức Affile ngày nay, thuộc vùng núi Sabiner, cách Rô-ma không xa. Sau đó Ngài rời bỏ cộng đoàn này và chuyển đến sống tại một địa điểm hoang vu thuộc vùng núi Aniotal, gần Subiaco.

Tại đây, Ngài sống suốt 3 năm một cách hoàn toàn đơn độc trong một hang đá. Vì thế, sau này người ta đã gọi đó là hang Thánh Biển Đức. Ngày nào cũng vậy, một Đan Sĩ tên là Romanus, người của Đan Viện Vicovaro, nằm cách đó không xa, đều mang đến cho Biển Đức một ổ bánh mì. Trước cửa hang của Biển Đức có một chiếc dây thừng nối vào trong. Cuối đoạn dây thừng này có một chiếc chuông nhỏ. Vì thế, mỗi khi mang bánh tới, Thầy Romanus thường giật chuông và Biển Đức ra ngoài cửa hang để nhận bánh.

Trong thời gian sống tại đây, Biển Đức đã trải qua nhiều cơn cám dỗ, cũng như đã phải chịu đựng nhiều cuộc hành hạ của thần dữ. Ma quỷ thường hiện ra với Ngài dưới hình một con quạ đen hay với hình một cô gái đẹp. Để chống trả trước cơn cám dỗ, có lần Ngài đã phải cởi áo và lăn mình vào trong bụi gai. Dù sống trong cô tịch, nhưng hương thơm thánh thiện của Ngài vẫn lan tỏa khắp nơi và càng ngày càng lan rộng. Người ta coi Ngài là vị Thánh, và nhiều người đã kéo đến để chiêm ngưỡng hay để làm môn sinh của Ngài. Các Đan Sĩ của Đan Viện Vicovaro đã mời Ngài về sống trong Đan Viện của họ, và sau đó đã bầu Ngài làm Viện Phụ của họ.

Tuy nhiên, lối sống và cách áp dụng Tu Luật một cách nghiêm ngặt của Ngài đã khiến các Đan Sĩ ở đây khó chịu. Họ bực mình đến độ tìm đủ cách để đầu độc Ngài. Vào một ngày kia, họ đã mang đến cho Ngài một ly rượu nho đã bỏ thuốc độc vào trong. Ngài cầm lấy ly rượu này và làm dấu Thánh Giá trên nó. Tức thì ly rượu vỡ tung, và một con rắn độc từ trong đó bò ra. Thấy các Đan Sĩ của Vicovaro không chấp nhận mình nữa nên Thánh Biển Đức rời bỏ cộng đoàn này và quay trở về Subiaco.

Rất nhiều người đến với Ngài, và trở thành một đoàn môn sinh đông đảo. Thấy số môn sinh mỗi ngày một tăng, nên Thánh Biển Đức đã quyết định thành lập một Dòng mới và lấy Tu Luật của Thánh Pachomius làm rường cột cho cuộc sống của Dòng mình. Theo tương truyền, Ngài đã thành lập khoảng hơn một chục Đan Viện, và mỗi Đan Viện đều có 12 Đan Sĩ sống trong đó. Truyền thống 12 Đan Sĩ sống trong một Đan Viện vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Theo tương truyền, một ít năm sau đó, tức vào năm 529, cùng với một số Đan Sĩ, Thánh Biển Đức rút khỏi Subiaco, và đã tìm thấy nơi cư trú mới trên một ngọn núi tại Casium, mà trên đó vẫn còn một đền thờ ngoại giáo. Nơi này ngày nay được gọi là Montecassino. Danh tiếng của Ngài và sự bất ổn tại các thung lũng vì các mối đe dọa kéo dài của những kẻ man rợ đã khiến cho rất nhiều người kéo tới với Ngài, và vì thế, cộng đoàn của Thánh Nhân trở nên rất đông.

Thánh Biển Đức ra lệnh san bằng ngôi đền thờ ngoại giáo nói trên, và cho xây ngay trên đó một ngôi Thánh Đường để tôn kính Thánh Mác-ti-nô. Và sau đó, Ngài còn cho xây thêm một ngôi nguyện đường khác trên đỉnh núi Casium để tôn kính Thánh Gio-an.

Thánh Biển Đức có một cô em ruột tên là Cholastica. Người em này cũng theo gót chân Ngài trong đời sống Đan Tu, và đã cùng anh thành lập ra nhánh Biển Đức Nữ. Một lần kia Thánh Biển Đức đã đến thăm Đan Viện của em gái mình, và khi thấy đến giờ cần phải trở về Đan Viện, nên Thánh Nhân đã đứng lên ra về. Thấy vậy, Thánh Nữ Cholastica đã năn nỉ xin Ngài ở lại thêm một chút thời gian nữa, nhưng Thánh Biển Đức vẫn nhất quyết đi ra.

Vì thế Thánh Cholastica đã gục mặt xuống bàn và cầu nguyện. Bỗng chốc trời nổi sấm chớp đùng đùng và cơn giông ập đến, khiến Thánh Biển Đức không thể ra về. Thế là hai vị Thánh đã thức suốt đêm hôm đó để nói chuyện với nhau về đời sống thiêng liêng. Hôm sau, khi về đến Đan Viện của mình, Thánh Biển Đức đã nhìn thấy Thánh Cholastica dưới hình chim bồ câu bay về Thiên Đàng, và Thánh Nhân hiểu rằng, em gái mình đã lìa trần. Ngài liền sai anh em đến nhận thi hài của em mình để mang về an táng trong nhà thờ thuộc Đan Viện của Ngài tại Montecassino.

Theo tương truyền, vào năm 542 hoặc 546, vua Totila của người Got đã đến viếng thăm Thánh Biển Đức. Trong dịp này, Thánh Nhân đã tiên báo về cái chết của nhà vua. Và trong thực tế, vào năm 552, vua Totila đã nằm xuống tại Tagina, tức Gualdo Tadino ngày nay. Khi nghe tin người môn sinh của mình là Đan Sĩ Placidus bị ngã xuống hồ và bị chết đuối, Thánh Biển Đức đã sai người môn sinh khác là Đan Sĩ Maurus đi cứu.

Nhờ lời cầu nguyện của mình, Thánh Nhân đã làm cho Maurus có thể đi bộ trên mặt nước để đến cứu sống Thầy Plasidus. Theo tương truyền, Thánh Biển Đức qua đời vào năm 547, đúng vào ngày Ngài thành lập Dòng, tức ngày 21 tháng 03, trong lúc Ngài đang đứng cầu nguyện tại bàn thờ của Đan Viện, với đôi tay giơ lên. Các Đan Sĩ đã được chứng kiến cảnh các Thiên Thần trải thảm và thắp đầy nến sáng trên đường để rước Thánh Nhân về Thiên Đàng.

Tuy nhiên các nghiên cứu mới đây cho biết rằng, Thánh Nhân qua đời vào khoảng năm 560. Tại Việt nam: Ngày 10 tháng 11 năm 1936, cha Maur Massé, Đan Sĩ thuộc Đan Viện La Pierre Qui Vivre, Pháp, đã đến Việt Nam và lập Đan Viện đầu tiên tại Đà Lạt. Tuy nhiên Đan Viện này chỉ tồn tại cho đến năm 1954. Ngày mồng 10 tháng 06 năm 1940, hai Đan Sĩ của Đan Viện La Pierre Qui Vivre là cha Dom Romain Guillaume và cha Dom Corentin đã đến thành lập Đan Viện Thiên An, Huế. Sau đó, các Đan Sĩ của Đan Viện Thiên An tiếp tục thành lập thêm 3 Đan Viện khác nữa. Tất cả đều thuộc tỉnh dòng Pháp.

Vào Năm 1988, các Đan Viện ở Việt Nam đã tách khỏi tỉnh dòng Pháp, và lập thành tỉnh dòng Biển Đức Việt Nam, với Bề trên Giám tỉnh tiên khởi là cha Ta-đê-ô Phạm Quang Điện - Viện Phụ Đan Viện Thiên Bình.

Nhân sự Dòng Biển Đức tại Việt Nam hiện nay (th 03.2016) gồm: 52 Đan Sĩ khấn trọng, 80 khấn tạm, 28 tập sinh và 41 thỉnh sinh, với 4 Đan Viện nam, gồm:

1.Đan viện Thiên An, giáo phận Huế;

2. Đan viện Thiên Hoà, giáo phận Ban Mê Thuột;

3. Đan viện Thiên Bình, giáo phận Xuân Lộc;

4. Đan viện Thiên Phước, giáo phận TP. HCM.

Bên cạnh Dòng Biển Đức Nam, vào năm 1954, Đan Viện Nữ Biển Đức cũng đã được thành lập tại Việt Nam.

Hiện tại, Dòng Nữ Biển Đức Tại Viện nam có hai Đan Viện: Đan Viện Thủ Đức và Đan Viện Nam Lộc. Trước đó, vào ngày 15 tháng 08 năm 1918, Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1880-1933 - Linh mục thuộc hội Thừa Sai Paris) đã thành lập Dòng Đức Bà Việt Nam tại Quảng Trị. Dòng này lấy Luật Thánh Biển Đức làm kim chỉ nam cho đời sống của mình.

Vào ngày 24 tháng 05 năm 1934, Dòng Đức Bà Việt Nam đã được sáp nhập vào với Dòng Xi-tô thế giới, và được chính thức nâng lên bậc Hội Dòng vào ngày mồng 06 tháng 10 năm 1964, với tên gọi: Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Vào năm 2010, Hội Dòng này có khoảng trên 600 nhân sự sống trong 15 cộng đoàn đơn lập và Đan Viện tự trị lớn nhỏ, với 12 Đan Viện Nam:

1. Đan viện Phước Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu;

2. Đan viện Châu Sơn Đơn Dương tại tỉnh Lâm Đồng.

3. Đan viện Châu Sơn Nho Quan tại tỉnh Ninh Bình;

4. Đan viện Phước Lý tại Huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai;

5. Đan viện Chây Thuỷ tại tỉnh Bình Thuận; 6. Đan viện Fatima tại Thuỵ Sĩ;

7. Đan viện Phước Vĩnh tại Trà Vinh;

8. Đan viện Thiên Phước tại Bãi dâu - Vũng Tàu;

9. Đan viện An Phước tại Long thành tỉnh Đồng Nai;

10. Đan Viện Xitô Thánh Giuse (Hoa Kỳ);

11. Đan Viện Xitô Châu-sơn Sarcramento (Hoa Kỳ);

12. Đan Viện Châu-sơn Nothgottes (Đức Quốc);

và 3 Nữ Đan Viện:

1. Nữ Đan viện Vĩnh Phước tại Biên Hoà tỉnh Đồng nai;

2. Nữ Đan viện Phước Thiên ở Bãi Dâu Vũng Tàu;

3. Nữ Đan viện Phước Hải tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist