KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
15/7: Kính thánh Bônaventura, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thánh Bonaventura giải thích rằng muốn đạt tới Thiên Chúa, khoa sư phạm tình yêu phải dựa trên triết lý và thần học. Muốn nên trọn hảo, hãy học hỏi nơi ân sủng chứ không phải nơi kiến thức.

1. Tiểu sử

Thánh Bônaventura qua đời trong Dòng Phanxicô ngày 15 tháng Bảy năm 1274, lúc 53 tuổi. Được phong thánh năm 1482, Ngài được tuyên bố là “tiến sĩ thiên thần” (docteur séraphique) năm 1588. Tên thật của Ngài là Gioan, nhưng người ta quen gọi Ngài là Bônaventura, vì theo một giai thoại, Thánh Phanxicô Assisi vừa trông thấy Ngài, đã buộc miệng la lên: "O bona ventura !”.

Thánh Bônaventura sinh năm 1221, tại Bagnorea gần Viterbe nước Ý. Nhập dòng Phanxicô, Bônaventura sang Paris học triết và thần học. Là đồ đệ của Alexandre de Halès, vị “tiến sĩ không thể phủ nhận”, Ngài cũng đã trở thành ‘đại sư’ năm 1253 và xuất bản một cuốn Sách về Các Châm Ngôn của Pierre Lombard.

Dòng Phanxicô năm mươi năm sau ngày thành lập có gần 20.000 tu sĩ và đã nhận được từ Thánh Bônaventura một khuôn khổ tổ chức vững chắc dung hòa các xu hướng trái chiều đã bộc lộ nơi các tu huynh. Được chọn làm bề trên tổng quyền dòng Phanxicô từ năm 1257 đến năm 1274, Thánh Bônaventura có ảnh hưởng lớn lao trên toàn dòng đến nỗi người ta xem Ngài như Đấng sáng lập thứ hai; tại tổng công hội ở Narbonne năm 1260, Ngài công bố bản Hiến Pháp của Dòng.

Vừa khước từ chức tổng giám mục, Ngài buộc phải chấp nhận tước hồng y giám mục Albano. Sau đó với tư cách sứ thần, Ngài được sai sang dự Công đồng chung ở Lyon. Công đồng được triệu tập nhằm mục đích hiệp nhất hai Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh. Ngài vui mừng thấy sự đoàn kết được thực hiện tại Lyon ngày 28 tháng Sáu năm 1274, nhưng chỉ chóng vánh, vì mười bảy ngày sau, Ngài qua đời trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày kính nhớ này đã nhấn mạnh đến “sự phong phú trong giáo huấn” của Thánh Bônaventura và “đức ái nồng nhiệt” của Ngài. Quả thế Ngài từng là một nhà thần học thâm thúy, đã xây dựng một sự tổng hợp về khoa học dưới ánh sáng Phúc Âm. Châm ngôn của Ngài là: “Vinh quang và danh dự chỉ dâng lên Thiên Chúa”.

Là đồ đệ của Thánh Augustinô và Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Bônaventura trước tiên là một nhà thần bí. Trong cuốn Đường Tâm Hồn Hướng về Chúa, Ngài giải thích rằng khoa sư phạm của tình yêu muốn đạt tới Thiên Chúa, phải dựa trên triết lý và thần học, Ngài tuyên bố: “Trên chặng đường này, nếu muốn nên trọn hảo ..., hãy học hỏi nơi ân sủng chứ không phải nơi kiến thức, học hỏi sự hứng khởi sâu xa nơi cõi lòng chứ không phải nơi trí tuệ, nghe tiếng rên rỉ của lời cầu nguyện chứ không phải niềm đam mê đọc sách; hãy học hỏi Đấng Phu Quân chứ không phải học hỏi nơi giáo sư...”.

Các tác phẩm khác của Thánh Bônaventura, như cuốn Cây Trường Sinh hoặc Năm Đại Lễ của Hài Nhi Giêsu - vốn tạo nhiều thích thú ở thời Trung Cổ - đã dựa trên học thuyết cao siêu đặt ước vọng trên trí tuệ.

Ở Paris, năm 1269, Ngài viết cuốn Biện Minh cho Người Nghèo, nhằm chống lại những kẻ phản bác tinh thần khó nghèo của thánh Phan Sinh và năm 1273, Ngài có một loạt các bài thuyết trình về Hexanméron nhằm chống lại thuyết Averoes La Tinh vốn chủ trương xây dựng nền triết lý thành môn học độc lập với Thánh Kinh.

Cuốn Tiểu sử Thánh Phanxicô do Ngài viết nhằm thúc đẩy sự thống nhất nơi các tu sĩ Phan Sinh, cho chúng ta thấy tinh thần hòa giải của vị “tiến sĩ thiên thần” chủ ý hòa hợp các khuynh hướng khác nhau nơi các môn đệ Thánh Phanxicô, quan tâm đến việc trung thành với tinh thần hơn với chữ viết của Đấng sáng lập Dòng.

Trong cuốn Divina Comedia, Dante đặt Thánh Bônaventura trong số các vị thánh Thiên Đình (XII, 127), vì Ngài đã coi trọng tinh thần hơn vật chất.

Enzo Lodi