KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
23.09 Kính Thánh Piô Năm Dấu
Cha Piô nổi tiếng về lòng đạo đức, bác ái và chất lượng giảng dạy. Người ta đặc biệt nhớ đến lời khuyên này của Cha: "Hãy cầu nguyện, hy vọng và đừng lo lắng nữa!"

Cha Thánh Piô là một linh mục người Ý nổi tiếng đạo đức và bác ái; đặc biệt, Ngài đã mang 5 dấu thánh cách nhiệm mầu, không giải thích được. Cha Thánh Piô sinh ngày 25-5-1887 ở Pietrelcina, nước Ý, được đặt tên là Francesco Forgione. Cha mẹ ngài là nông dân có 7 người con, trong đó có 2 người con chết từ thuở bé.

Thời thơ ấu, cậu Francesco rất sùng đạo và được lớn lên trong bầu khí đạo đức của gia đình và giáo xứ. Từ nhỏ, Francisco đã có một khả năng đặc biệt: có thể nhìn thấy thiên thần hộ mệnh, và nói chuyện rất tự nhiên với Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Cha mẹ cậu rất nghèo, nên cậu phải ra đồng làm việc. Vì thế cậu không thể thường xuyên đến trường được. Cậu cũng hay đau yếu: viêm dạ dày khi lên 6 tuổi và bị sốt thương hàn lúc 10 tuổi.

Năm 1897, Francisco bày tỏ ý muốn trở thành một tu sĩ. Cha mẹ cậu đến hỏi thăm một dòng tu gần đó và được cho biết rằng cậu cần học cao hơn trước khi vào dòng. Cha mẹ Francisco quyết định thuê một gia sư dạy riêng cho cậu. Để trả chi phí, cha của Francesco đã đến Mỹ để tìm việc làm, và gửi tiền về nhà. Ở tuổi 15, Francisco vào tập viện Capuchin ở Morcone, lấy tên dòng là "Piô" để kính Đức Giáo Hoàng Piô I.

Vào tuổi 17, Thầy Piô mang rất nhiều bệnh và chỉ có thể ăn được sữa và pho mát. Thầy được gửi lên vùng núi dưỡng sức rồi sau đó được gửi về nhà với gia đình của mình. Vào lúc này, Thầy vẫn tiếp tục học để chuẩn bị làm linh mục. Có một lần trong lúc cầu nguyện, một tu sĩ bạn kinh ngạc nhìn thấy Pio cầu nguyện ngất trí và từ từ bay bổng lên. Thầy Piô chịu chức linh mục vào năm 1910, nhưng được phép ở nhà vì thiếu sức khỏe.

Năm 1915, thế chiến I bùng nổ, linh mục Piô được triệu tập đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, vì hay đau ốm, Cha thường được gửi về nhà. Cuối cùng, vào tháng 3 năm 1916, Cha bị giải ngũ vì sức khoẻ quá yếu.

Vào ngày 20-9-1916, đang khi giải tội, Cha Piô cảm thấy đau ở hai bàn tay và hai bàn chân. Cha nhận ra đấy là các dấu thánh - những vết thương của Chúa Kitô - xuất hiện trên bàn tay và bàn chân của mình. Rất đau đớn. Máu chảy ra. Các vết thương có mùi thơm của hoa hồng, và mặc dù máu vẫn chảy, vết thương không bao giờ bị nhiễm trùng.

Các bác sĩ - sau đó kiểm tra các dấu thánh - đã rất ngạc nhiên trước hình dạng tròn trịa của các vết thương này. Đến năm 1919, tiếng đồn về dấu thánh của Cha Piô đã lan rộng, cuốn hút nhiều người đến xem. Cha Piô trở nên nổi tiếng với nhiều hiện tượng siêu phàm như cầu nguyện đến ngất trí rồi từ từ bay lên, có khả năng thực hiện các phép lạ...

Sự nổi tiếng của Cha khiến Giáo Hội phải quan tâm và Vatican bắt đầu hạn chế các hoạt động của Cha để tránh những tụ họp đông đảo phiền toái. Chính Cha Piô cũng không thoải mái với sự nổi tiếng và sự quan tâm của dân chúng vì dấu thánh của mình.

Giáo Hội đã điều nghiên về các dấu thánh của Cha và kết luận rằng tình trạng của Cha không có chi là giả trá. Vào năm 1934, Vatican bắt đầu thay đổi thái độ đối với linh mục Piô: Cha đã có thể thi hành sứ vụ linh mục cách công khai trở lại.

Cha được phép giảng dạy và Đức Giáo Hoàng Piô XI đã khuyến khích dân chúng đến với Cha. Năm 1947, khi linh mục Karol Wojtyla đến thăm ngài, Cha Piô đã nói tiên tri rằng Karol Wojtyla sẽ được nâng lên địa vị cao nhất trong Giáo Hội. Cha Karol Wojtyla đã trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1978.

Cha Piô đã dựa vào sự nổi tiếng của mình để mở một bệnh viện ở San Giovanni Rotondo vào năm 1956. Xem xét những tranh cãi về linh mục Piô, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bác bỏ tất cả những nghi hoặc không hay về hành vi cũng như tính xác thực của dấu thánh nơi Cha Piô. Cha nổi tiếng về lòng đạo đức, bác ái và chất lượng giảng dạy.

Người ta đặc biệt nhớ đến lời khuyên này của Cha: "Hãy cầu nguyện, hy vọng và đừng lo lắng nữa!" Cha vẫn còn mang nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư - một căn bệnh đã được chữa lành một cách kỳ diệu chỉ sau hai lần điều trị. Còn các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh viêm khớp Cha mắc phải sau này, đã không thể nào khỏi được.

Cha Piô qua đời vào ngày 23-9-1968. Đám tang của Cha đã có sự tham dự của hơn 100.000 người. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho Cha Piô vào ngày 16-6-2002; lễ kính hằng năm vào ngày 23-9. Ngài được chọn làm Thánh bảo trợ của các tình nguyện viên dân phòng, bảo trợ thanh thiếu niên và làng Pietrelcina.

Nguồn: Catholic.org