KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 04.03 Kính Thánh Casimir
Cho dù thuộc gia đình vương tộc và phải tham gia vào các vấn đề của đất nước do cha trao phó, nhưng Casimir vẫn là con người cầu nguyện, sám hối và khiết tịnh. Việc tôn thờ bí tích Thánh Thể, chiêm ngắm cuộc khổ nạn lôi kéo ngài luôn mãi; đồng thời ngài cũng yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện cùng Mẹ.

Thánh Ca-xi-mia (Casimir), hoàng tử của Ba Lan, được mừng vào ngày 4 tháng 3, kỷ niệm ngày qua đời của thánh nhân, lúc được 25 tuổi. Vị thánh này có giá trị biểu trưng cho hai đất nước đã chọn ngài làm thánh quan thầy: Ba Lan và Lituanie.

Casimir được sinh ra trong một gia đình vương tộc của Ba Lan và được mẹ giáo dục theo đức tin Kitô giáo. Vào thời niên thiếu, thánh nhân đã có lòng nhân từ và tinh thần sám hối; ngài được chọn làm vua xứ Hungarie thay cho nhà độc tài Mathias Corvin, bị triều đình đuổi đi; với tuổi 13, ngài không chấp nhận vương quốc biến thành đội quân. Nhưng sau khi hoà giải người Hungarie với vị vua của mình, ngài thoái vị, chỉ chấp nhận tham gia triều chính Ba Lan như một thủ trưởng tại Radom, trong khi cha ngài là Casimir IV đang ở Lituanie. Trong cơ hội này, ngài nêu gương cẩn mật và đạo đức. Vào năm 1483, ngài làm Phó Thủ tướng ở Vilnius vùng Lituanie, nhưng sau đó ngài trở về Grodno, ngã bệnh lao phổi và qua đời ngày 04.03.1488, vừa được 25 tuổi.

Đức Giáo Hoàng Léo phong thánh cho ngài vào năm 1521, dựa theo lòng yêu kính của dân chúng. Người ta gán cho lời cầu bầu của ngài trong việc giải phóng thành Polok, bị người Nga bao vây vào năm 1518. Ngày nay, xứ Lituanie vẫn tôn kính di hài của ngài trong nhà nguyện tại Lâu đài Vilnius.

“Phục vụ Thiên Chúa là cai trị...” Lời nguyện nhập lễ nhắc nhở chúng ta như thế. Cho dù thuộc gia đình vương tộc và phải tham gia vào các vấn đề của đất nước do cha trao phó, nhưng Casimir vẫn là con người cầu nguyện, sám hối và khiết tịnh.

Việc tôn thờ bí tích Thánh Thể, chiêm ngắm cuộc khổ nạn lôi kéo ngài luôn mãi; đồng thời ngài cũng yêu mến Đức Mẹ và cầu nguyện cùng Mẹ.

Tình yêu Thiên Chúa làm cho ông hoàng trẻ tuổi này rất nhạy cảm trước nổi khổ của dân chúng; vì thế ngài được tiếng là “cha và là kẻ bảo vệ kẻ nghèo và bất hạnh”. Đối với những người phê phán ngài về cách hoạt động không thích hợp với một ông hoàng, ngài trả lời: “Có gì vinh dự cho bằng phục vụ Chúa Kitô trong các chi thể đau khổ của Người ?”

Khi mở quan tài thánh nhân vào năm 1604, người ta tìm thấy dưới đầu thánh nhân có một tờ giấy viết lời kinh dâng lên Đức Maria, có lẽ của thánh Bênađô, mà ngài đọc và cầu nguyện hằng ngày: “Omni die dic Mariae...Mỗi ngày hãy nói với Đức Maria...” Ngài gọi Đức Trinh Nữ Maria là “Bà Mẹ tốt lành”.

Phụng Vụ Giờ Kinh trích một đoạn Hạnh thánh Casimir do một người cùng thời viết. Chúng ta có thể đọc:

“Ngài là một hoàng tử, miêu duệ một gia đình quí tộc, nhưng không bao giờ kiêu ngạo trong lời nói cũng như trong giao tiếp với bất cứ người nào; đó là một con người khiêm tốn và yếu đuối nhất.”

“Ngài luôn muốn có mặt trong số những kẻ dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, vì chính những kẻ này mới có được Nước Trời, hơn là hiện diện giữa hàng trí thức và quyền lực của thế giới.”

“Ngài sống khiết tịnh cho đến cuối đời. Đó là điều mọi người xác nhận, ngay cả những người hầu và thư ký cũng đều nói như thế.”

Enzo Lodi (TGP Hà Nội)