KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 09.06 Kính Thánh Ephrem Phó Tế
Thánh Ephrem là một vị Đại Thánh. Đức Giám Mục của Ngài đã rất lấy làm cảm phục trước sự đạo đức và sự thông minh của Ngài, và đã muốn phong chức Linh mục cho Ngài. Nhưng Thánh Nhân đã coi mình là bất xứng, và vì Ngài đã không biết cách phải chạy trốn trước niềm mong muốn của Đức Giám Mục Giáo phận như thế nào, nên Ngài đã giả bộ hóa điên, và nhờ thế, Ngài đã suốt đời làm Phó Tế.

Vào ngày mồng 09 tháng 06, Giáo hội Công giáo cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh (Ephrem có nghĩa là sự phong nhiêu kép). Thánh Nhân là một con người hết sức vĩ đại nhưng lại sống một cuộc sống vô cùng khiêm nhu. Sau đây là một số chi tiết liên quan đến Thánh Ephrem.

1.Tiểu sử:

Thánh Ephrem sinh năm 306 tại Nisibe, một thành phố nằm ở khu vực biên giới giữa đế quốc Persia và đế quốc Byzantin hồi đó (tức Iran và Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay). Các sử gia vẫn còn đang tranh luận với nhau về niềm tin tôn giáo của cha mẹ Ngài. Nhiều sử gia cho rằng, thân mẫu của Ngài là một nữ Ki-tô hữu, sinh ra tại Amid (tức Diar Bekir, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay). Còn thân phụ của Ngài thì sinh ra tại Nisibe, và là một tư tế của ngoại giáo. Khi đã cao niên, Thân phụ của Thánh Nhân mới đón nhận Đức Tin Ki-tô giáo. Và cùng với người bạn đời của mình, ông đã được đón nhận hồng phúc Tử Đạo dưới thời hoàng đế Schabur II của Persia.

Một số nhà chuyên chép sử các Thánh nói rằng, Thánh Ephrem đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy vào lúc khoảng 18 tuổi. Ngài đã bị thân phụ tống cổ ra khỏi nhà vì Ngài tỏ ra coi thường những thực hành tôn giáo phù phép của người ngoại giáo. Người thanh niên trẻ đã tìm được nơi ẩn trú bên Thánh Gia-cô-bê, Giám Mục của Nisibe. Vị Giám Mục đã cảm thấy rất ấn tượng về lòng đạo đức và về trí thông minh vượt trội của Ephrem, và đã nhận người thanh niên này vào trường của mình. Ở đó, Ephrem đã tỏa sáng nhờ đức hạnh cao vời và nhờ vào những thành công to lớn trong học tập của mình. Sau đó, Thánh Gia-cô-bê đã đặt Ephrem vào trong chức vụ của Ngài: Ngài bổ nhiệm Ephrem làm giáo sư, và làm hiệu trưởng của trường học rất nổi tiếng do Ngài sáng lập. Và rồi, Thánh Nhân đã phong chức Phó Tế cho Ephrem. 

Theo một số sử gia, Thánh Gia-cô-bê còn đặt Ephrem làm thư ký riêng của Ngài để cùng mình tham dự Công Đồng Nicea năm 325. Và theo một số truyền thuyết, Ephrem đã có một cuộc gặp gỡ với Thánh Basilio Cả, Giám mục của Cesarea (329-379), và Ngài đã tiếp tục con đường của mình tới tận Ai-cập, và ở đó, Ngài đã có được kinh nghiệm về đời sống Ẩn Sĩ.

Sau khi Thánh Gia-cô-bê qua đời, Ephrem vẫn tiếp tục làm hiệu trưởng của trường học do Giáo Phận quản lý, dưới thời ba vị Giám mục khác: Babo (338-349), Walgache (349-361) và Áp-ra-ham (361).

Khi hoàng đế Jovian giao Nisibe lại cho vua Persia vào năm 359, Ephrem đã rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình để đi tới Edessa (tức thành phố Urfa của Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay). Tất cả các giáo viên của trường Nisibe và phần lớn những người nổi tiếng khác cũng đều đi theo Ngài. Tại Edessa, Ngài đã lập nên một ngôi trường rất nổi tiếng và đã dậy học ở đó cho tới những năm cuối cùng của đời Ngài. Thánh Ephrem đã qua đời vào ngày mồng 09 tháng 06 năm 373. Sau này, một Đan Viện đã được kiến thiết ngay trên phần mộ của Ngài. Khi người Kurd xâm lược Edessa vào năm 1145, các hiệp sĩ của Thập Tự Quân đã mang hài cốt và những Thánh Tích khác của Ngài về Rô-ma.

2. Thánh Nhân:

Thánh Ephrem là một vị Đại Thánh. Đức Giám Mục của Ngài đã rất lấy làm cảm phục trước sự đạo đức và sự thông minh của Ngài, và đã muốn phong chức Linh mục cho Ngài. Nhưng Thánh Nhân đã coi mình là bất xứng, và vì Ngài đã không biết cách phải chạy trốn trước niềm mong muốn của Đức Giám Mục Giáo phận như thế nào, nên Ngài đã giả bộ hóa điên, và nhờ thế, Ngài đã suốt đời làm Phó Tế.

Ngài sống trong một hang động tại Edessa. Ban ngày Ngài đi dậy học và đặt mình trong sự phục vụ tha nhân, còn đêm về thì Ngài dành thời gian để cầu nguyện và nghiên cứu Kinh Thánh. Một người sống cùng thời với Ngài là Thánh Grê-gô-ri-ô thành Nyssê (355-394), đã để lại cho chúng ta một bức chân dung sau đây về Thánh Ephrem: “Thánh Ephrem là một người sống theo gương mẫu của các Tông Đồ đầu tiên; Ngài trở thành mẫu gương của tất cả mọi Đan Sĩ và Ẩn Sĩ. Ngài sống nhưng không hề có tiền túi, cũng chẳng hề có đồ dư. Ngài không có vàng cũng chẳng có bạc. Lương thực của Ngài là bánh lúa mạch và rau xanh; đồ uống của Ngài chỉ là nước lã hoặc nước đun sôi. Thân xác của Ngài giống như một bộ xương làm bằng đất sét“. Dẫu rằng Ngài đã gỡ mình ra khỏi thế gian, nhưng Ngài lại sống trong sự phục vụ những người đau khổ trên thế gian này. Theo gương mẫu của Thầy mình trong đời sống Ẩn Sĩ, Ngài đã liên kết đời sống hoạt động với đời sống chiêm niệm. Một trận bệnh dịch đáng sợ đã bất ngờ tấn công thành phố Edessa. Ngay lập tức Thánh Ephrem đã rời bỏ nơi cô tịch và sách vở của Ngài để đi chăm sóc các bệnh nhân, an ủi những người phiền muộn và kêu gọi mọi người giúp đỡ cũng như bố thí cho họ.

Ngay trước lúc Ngài qua đời, Thánh Ephrem đã xin các học trò và những người bạn của Ngài cầu nguyện cho mình, cũng như xin họ hãy chôn cất mình một cách ngay tức khắc và đừng tổ chức nghi lễ rình rang dưới bất cứ hình thức nào. Ngài cũng xin họ hãy chỉ vận cho thi hài Ngài một chiếc áo duy nhất của người Đan Sĩ, đừng đặt thi hài Ngài dưới một bàn thờ, vì Ngài thấy mình là một tội nhân, nhưng hãy chôn cất Ngài ở nghĩa địa dành cho những người ngoại kiều, vì Ngài cũng là một ngoại kiều như họ.

3.Tiến Sĩ Hội Thánh:

Trong một Thánh Thy của mình, Thánh Ephrem đã kể lại rằng, khi Ngài còn rất nhỏ, Ngài đã nhìn thấy một hình dạng trong đêm, mà theo Ngài, nó giống như một cây nho đang phát triển; các nhánh của nó có rất nhiều chùm, và trông nó có vẻ như thế khi nó phủ lên toàn bộ khu đất. Nhiều đàn chim kéo đến và thưởng thức những trái nho, mà những trái nho ấy càng ngày lại càng mọc thêm ra nhiều, cho tới khi đàn chim mổ hết sạch. Đó là một giấc mơ hay là một thị kiến? Có lẽ các tác phẩm của Thánh Ephrem được ví giống như những gì liên quan đến con số của chúng: đó là một đại dương mà  người ta hầu như không thể nhận ra được bờ của nó. Urtez Urban, một Linh mục uyên bác Dòng Tên, người am tường cách đặc biệt về văn chương Syria, đã không ngần ngại viết như sau: “Chúng ta đừng coi chứng từ của sử gia Sosimus là cường điệu. Ông này viết rằng, Thánh Ephrem đã sáng tác khoảng ba triệu câu thơ“. Còn Photius, Thượng Phụ Giáo Chủ của Constantinopoli (858-886) thì nói: Bên cạnh những Thánh Thy và những bài Thánh Ca, Thánh Ephrem còn để lại hơn một ngàn bài diễn văn và bài giảng.

Vào ngày mồng 05 tháng 10 năm 1920, trong Tông Sắc tôn phong Thánh Ephrem lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh, Đức Bê-nê-đíc-tô XV (+1922) đã viết rằng: “Thánh Ephrem chính là vị Ngôn Sứ vĩ đại của dân tộc Syria, là triều thiên của đất nước vùng Aram này, là mặt trời của các ngôi trường, là Thầy của các vị thầy, là đầu của các nhà giáo, là hoàng tử của các thi sĩ, là giếng trào của khoa học, là chiếc búa đối với những kẻ lạc giáo, là mẫu gương của các Ẩn Sĩ, là mỏ ngọc, là cột trụ của Giáo hội, là triết gia của Thiên Chúa, là cây hạc cầm của Chúa Thánh Thần…“

Không những thế, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XV còn bổ sung thêm vào cho những tước hiệu lấp lánh kể trên một tước hiệu khác mà nó là triều thiên của tất cả những tước hiệu đó. Ngài viết: “Sẽ thật là vô cùng hạnh phúc đối với chúng ta khi bổ sung thêm vào cho triều thiên của Thánh Ephrem Ẩn Sĩ một bông huệ mới… Theo lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm vui khi chúng ta tặng thưởng cho thánh Ephrem tước hiệu„ Tiến Sĩ Hội Thánh“.

Ở đây cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong số rất nhiều các Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh, chỉ có một mình Thánh Ephrem là Phó Tế. Vì sự khiêm nhượng, nên Ngài đã giữ chức vụ Phó Tế cho đến suốt đời.

4.Thần Học Gia:

Thánh Ephrem đã sáng tác 56 Thánh Thy để chống lại những người theo tà thuyết, 87 Thánh Thy về Đức Tin, 4 Thánh Thy chống lại hoàng đế Julian và những người chối đạo, 15 Thánh Thy về Thiên Đàng, một thiên khảo luận về Chúa Giê-su Ki-tô, một thiên khảo luận về Lời Tựa của Tin Mừng theo Thánh Gio-an, 52 Thánh Thy về mầu nhiệm Chúa Ki-tô và về Đức Trinh Nữ Maria, 52 Thánh Thy về Giáo hội, 2 Thánh Thy về tính tự cao tự đại của thế gian, một Thánh Thy về thư gửi các Ẩn Sĩ tại Edessa, nhiều thiên khảo luận về bài giảng của Ngôn Sứ Giô-na tại Ninive và về lòng thống hối.

5.Sử gia và chuyên viên Phụng Vụ:

Thánh Ephrem đã sáng tác 16 Thánh Thy về cuộc Giáng Sinh của Chúa Ki-tô và về cuộc Hiển Linh của Ngài, 8 Thánh Thy về Mùa Chay và về sự Phục Sinh, 21 Thánh Thy về bánh Không Men, 12 Thánh Thy về các vị Thánh Tử Đạo và về những người công khai tuyên xưng Đức Tin, 15 Thánh Thy theo bảng chữ cái ABC về vị Thầy của Ngài trong đời sống Ẩn Sỹ, đó là thánh Abraham Al Kaydouni, 24 Thánh Thy về Thánh Julian, một Thánh Thy về anh em nhà Macabê, một thiên khảo luận về cơn mưa, 77 Thánh Thy «De Nisibena» về những cuộc khởi nghĩa của người Nisibe (Thổ-nhĩ-kỳ) chống lại đế quốc Persia (Iran) và người kế vị Thánh Gia-cô-bê Giám mục thành Nisibe.

6.Nhà bút chiến và hộ giáo:

Trước Thánh Ephrem, một nhà thơ tên là Bardeisan (154-222) đã lôi kéo nhiều người nhờ vào những khúc ca hời hợt và có tính tà giáo của mình. Để chống lại nhà thơ này, Thánh Ephrem đã biến những ca khúc của chính ông ta thành những vũ khí, bằng cách là: Thánh Nhân giữ lại những vần điệu của Bardeisan, nhưng thay đổi từ ngữ. Ngài thành lập một Ca Đoàn với những chàng trai và cô gái trẻ để phổ biến Học Thuyết lành mạnh cách tốt hơn. Sáng kiến đầy can đảm này đã lan rộng khắp cả Đông Phương lẫn Tây Phương. Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XV đã nói về sáng kiến đó như sau: “Chúng ta có thể khẳng định được rằng, các Ca Đoàn và các ca điệu trong Phụng Vụ đều có nguồn gốc từ Thánh Ephrem. Thánh Gio-an Kim Khẩu (+407)„ đã vay mượn“ những ca điệu đó cũng như đã du nhập chúng vào Constantinopoli; Thánh Ambrôsiô (+337) đã đưa chúng về Mi-lan; và từ Mi-lan, các ca điệu của Thánh Ephrem đã lan rộng trên toàn nước Ý. Dưới Triều Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô Cả (+604), những điệu nhạc đó đã đạt tới cao điểm của chúng. Theo các chuyên gia, công lao chính của Thánh Ephrem là tạo ra nghệ thuật Thánh Nhạc, mà sau đó, nghệ thuật này đã được các Giáo Phụ, cả Hy-lạp lẫn La-tinh „nhận làm con“…

7.Nhà thơ và ca sĩ của Đức Trinh Nữ Maria:

Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XV nói về Thánh Ephrem rằng: “Không ai, kể cả những người hùng biện nhất của nhân loại, có thể miêu tả về Tình Yêu bừng cháy của Mẹ Thiên Chúa như cách mà Thánh Ephrem đã mô tả.“ Rất sớm, trước tất cả các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ Hội Thánh và các Công Đồng, trong một cuộc đối thoại với Chúa Giê-su, Thánh Nhân nói rằng: “Ôi Chúa Giê-su và Thân Mẫu của Chúa, cả Chúa và Mẹ đều có sự mỹ miều cao nhất; nơi Chúa không hề có bất cứ tì vết nào, và nơi Thân Mẫu của Chúa cũng không một chút tì vết.“ Thánh Nhân còn viết về đức Khiết Trinh trọn đời của Mẹ Thiên Chúa như sau: “Đức Maria đã sinh ra Đấng Emmanuel, Chúa Giê-su, và sau cuộc sinh nở đó, Mẹ đã không sinh bất cứ người con nào khác.“ Thánh Nhân đã ca ngợi tư cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria với một giọng hùng vang sánh ngang tiếng sét: “Từ nơi huyệt mộ, xương cốt con thét to lên rằng, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa“.

8. Các ngày cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem của các Giáo hội:

Giáo hội Công giáo cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào ngày Thánh Nhân qua đời, tức mồng 09 tháng 06. Nhưng trước đây Giáo hội cử hành Lễ Kính Ngài vào ngày mồng 01 tháng 02.

Giáo hội Tin lành cử hành ngày tưởng nhớ Thánh Ephrem cũng vào ngày mồng 09 tháng 06.

Giáo hội Anh giáo cử hành ngày kính Thánh Ephrem cũng vào ngày mồng 09 tháng 06.

Các Giáo hội Chính Thống cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào ngày 28 tháng Giêng, tức ngày di dời Thánh Tích của Ngài từ Thổ Nhĩ Kỳ về Rô-ma.

Giáo hội Armenia cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem cũng vào ngày 28 tháng Giêng.

Giáo hội Coptit cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào ngày mồng 02 tháng Giêng và vào ngày mồng 9 tháng 07.

Còn Giáo hội Chính thống Syria thì cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào các ngày sau: Mồng 01 tháng Giêng; mồng 1 tháng 02; 19 tháng 02; 20 tháng 02; thứ Bảy đầu tiên của Mùa Chay; mồng 09 tháng 06; 15 tháng 06; 18 tháng 06 và ngày mồng 09 tháng 07.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – (tổng hợp và biên dịch)