KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 11.01 Kính Thánh Thê-ô-đô Cả, Đan Sĩ
Sau một cuộc sống thánh thiện và hăng say chống lại lạc giáo nhất tính thuyết, Thánh Thê-ô-đô đã qua đời vào năm 529 tại Mar Dosi. Ngay khi còn sinh thời, dân chúng đã rất mến mộ Ngài và coi Ngài như một vị Thánh sống. Và rồi ngay sau khi Ngài qua đời, dân chúng lại càng dành cho Ngài niềm tôn kính hơn nữa.

Thánh Thê-ô-đô Cả, Đan Sĩ có tên theo tiếng La-tinh là Theodosius Magnus, và có tên theo tiếng Hy-lạp là Θεοδόσιος, nghĩa là Quà Tặng Của Thiên Chúa. Ngài sinh vào khoảng năm 424 tại làng Mogarissus, sau này được gọi là Marissa, thuộc vùng Cappadocia, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Cha của Ngài tên là Proaeresios và mẹ của Ngài tên là Eulogia, cả hai đều là những Ki-tô hữu đạo hạnh.

Sau khi kết thúc chương trình học vấn, Thê-ô-đô đã được bổ nhiệm làm giáo sư của một đại học. Tuy nhiên, Ngài đã sớm rời bỏ chức vụ giáo sư để đến sống với tư cách là một Đan Sĩ dưới sự hướng dẫn của các bậc Khổ Hạnh trong một Đan Viện ngay tại Giê-ru-sa-lem, gần tháp Đa-vít. Sau đó Ngài chuyển sang sống tại Đan Viện Cathisma, rồi Đan Viện Metopa, và sau cùng sống với tư cách là một Ẩn Sĩ trong sự khổ chế nghiêm khắc, đến độ chỉ dùng bữa mỗi tuần một lần. Ngài sống trong những hang động tại khu rừng núi Mar Dosi, và trong suốt ba mươi năm trời, Ngài không hề đụng tới một mẩu bánh mỳ, dù bánh mì là lương thực chính của người phương Tây.

Ngài đã biến những chiếc hang động thành những khu nhà nghỉ cho khách lữ hành, cho người hành khất, cho các bệnh nhân, cũng như cho những người tâm thần. Vì hương thơm thánh thiện nên Ngài đã lôi kéo được rất nhiều môn sinh. Khoảng 400 Đan Sĩ đã quy tụ lại chung quanh Ngài. Theo đề nghị của các Đan Sĩ này, Ngài đã thành lập một Đan Viện với bốn khu vực. Trong mỗi khu đều có một nhà thờ dành cho mỗi nhóm.

Trong lúc sinh thời, Thánh Thê-ô-đô đã rất thân thiết với Sabas Mar Saba. Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, chẳng hạn như đốt những cục than mà không cần lửa, đưa một cậu bé lên mặt đất khi cậu bị té xuống một chiếc giếng sâu, làm cho một em bé sống lại sau khi em đã chết lúc vừa mới chào đời, chữa lành cho một phụ nữ bị băng huyết, khiến trời mưa trong lúc hạn hán.v.v… Ngài đã tiên đoán về một trận động đất, và vì thế đã cứu được nhiều người Antiochia khỏi phải chết vì thảm họa thiên nhiên này. Ngài được ban ơn với tư cách là người duy nhất nhìn thấy những cuộc hiện ra của Thánh Ba-si-li-ô Cả trong nhà thờ.

Vào năm 494, Đức Thượng Phụ Salustius đã bổ nhiệm Thánh Thê-ô-đô làm Bề Trên Tổng Quyền của tất cả các Đan Viện nằm trên địa bàn chung quang Giê-ru-sa-lem. Cùng với Sabas Mar Saba, Thánh Thê-ô-đô đã chiến đấu chống lại lạc giáo nhất tính thuyết, và đã viết cho hoàng đế Anastasius I một đơn thỉnh cầu. Trong bức thư này, hai vị đã bày tỏ niềm lo lắng cho vùng đất đang bị bức tử.

Vào giữa thế kỷ thứ VI, hai môn sinh của Thánh Thê-ô-đô là Theodorus – Giám mục thành Petra -, và Simeon Metaphrastes đã biên soạn một bộ hạnh tích về Thánh Nhân. Đức Cha Theodorus nhấn mạnh rằng, những chiếc hang tại Mar Dosi đã từng là nơi qua đêm của ba nhà Chiêm Tinh sau khi các Ngài đã triều yết Hài Nhi Giê-su - Đức Vua của người Do-thái vừa giáng sinh -, và rời Giê-ru-sa-lem để về quê (Mt 2,12). Đan Viện của Thánh Thê-ô-đô do chính Ngài thiết lập vẫn còn tồn tại cho tới tận hôm nay trong khu vực mà các Ẩn Sĩ nguyên thủy đã từng sống. 

Sau một cuộc sống thánh thiện và hăng say chống lại lạc giáo nhất tính thuyết, Thánh Thê-ô-đô đã qua đời vào năm 529 tại Mar Dosi, nằm ở phía Nam Giê-ru-sa-lem. Ngay khi còn sinh thời, dân chúng đã rất mến mộ Ngài và coi Ngài như một vị Thánh sống. Và rồi ngay sau khi Ngài qua đời, dân chúng lại càng dành cho Ngài niềm tôn kính hơn nữa. Ngài được dân chúng gọi là Thánh Thê-ô-đô Cả, Đan Sĩ. Giáo hội Công giáo mừng kính Ngài vào ngày 11 tháng 01 với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ Bậc IV.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist