KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 13.07 Kính Thánh Henricô Hoàng Đế và Thánh Cunigunđê Hoàng Hậu
Thánh Henricô II Hoàng Đế và Thánh Cunigunđê Hoàng Hậu là những người có học vấn và rất đạo đức. Cả hai đều đã ủng hộ một cách rất tích cực cho việc cải tổ Giáo hội, và đã trở thành những chứng nhân nhờ vào một thái độ nhất quán đối với Giáo hội cũng như nhờ vào sự hăng say trong việc dâng cúng, và đã rất cố gắng trong việc xây dựng hòa bình.

Vào ngày 13 tháng 07, Giáo hội mừng kính hai vị Thánh: Thánh Henricô II Hoàng Đế và Thánh Cunigunđê Hoàng Hậu. Ngay từ thời sinh thời của mình, các Ngài đã là một cặp Hoàng Đế và Hoàng Hậu đặc biệt. Cả hai Ngài đều là những người có học vấn và rất đạo đức. Cả hai đều đã ủng hộ một cách rất tích cực cho việc cải tổ Giáo hội, và đã trở thành những chứng nhân nhờ vào một thái độ nhất quán đối với Giáo hội cũng như nhờ vào sự hăng say trong việc dâng cúng, và đã rất cố gắng trong việc xây dựng hòa bình.

1.Sự giáo dục dành cho Henricô:

Henricô (nguyên văn Đức Ngữ là Heinrich) sinh ngày mồng 06 tháng 05 năm 973(?) tại Regensbur, Đức Quốc, với tư cách là con trai Công Tước Heinrich của Bayern, thường được gọi là „Zänker – kẻ thích gây sự“. Trước tiên, Đức Giám Mục Abraham của Freising đã đích thân phụ trách việc giáo dục cho Henricô. Thân Mẫu của Ngài là bà Gisela cũng tham gia trong việc giáo dục Henricô. Sau đó, Henricô được gửi vào Chủng Viện Hidesheim, và được đào tạo cũng như được chuẩn bị để làm việc trong lĩnh vực tinh thần. Tuy nhiên, từ năm 985, thân phụ của Ngài đã đảm trách việc trực tiếp giáo dục Ngài. Trong thời gian này, Henricô thường xuyên lên hệ với Đức Giám Mục Wolfgang của Regensburg và với Đức Viện Phụ Romwold của Đan Viện St. Emmeran. Nhờ vậy, Ngài đã khá am hiểu về phong trào cải cách các Đan Viện do Đan Viện Cluny và Đan Viện Gorze khởi xướng, cũng như hiểu biết về sự canh tân đời sống của các Đan Viện, và sự độc lập của các Đan Viện đối với thế giới bên ngoài.

2.Cuộc hôn nhân giữa Henricô và Cunigunđê:

Vào khoàng năm 1000, Henricô đã lập gia đình với Cunigunđê (nguyên văn Đức ngữ là Kunigunde). Bà xuất thân từ một gia đình lớn tại Luxemburg, và đã nhận từ Henricô Bamberg một món quà cưới. Cuộc hôn nhân của hai vị đã không để lại mụn con nào, nhưng cuộc hôn nhân đó đã được khắc ghi một cách không ngừng và công khai bởi mối thiện cảm.

3.Con đường dẫn tới việc phong vương:

Con đường của Henricô từ chỗ làm Công Tước của Bayern tới chỗ trở thành hoàng đế là một con đường dài. Sau khi Hoàng Đế Ottos III băng hà, nhiều người, trong đó có cả Công Tước Henricô, đã được đề nghị để trở thành người kế vị. Những người được đề cử gồm: Công Tước Hermann II của Schwabne, Công Tước Dietrich I của Oberlothringen và Công Tước Salier Otto của Worm. Tất cả những người này đều được coi là có cơ hội ngang nhau. Tuy nhiên, Henricô đã chứng tỏ sự gan dạ của mình (đúng hơn phải nói là sự ranh mãnh), và sự gan dạ hay ranh mãnh này đã giúp Ngài có được quyền trượng của đế quốc: Ngài chờ đợi cho đám tang của vị Hoàng Đế vừa quá cố diễn ra tại Polling thuộc vùng Weilheim, sau đó chiếm lấy vương trượng và cây Giáo thánh của nguyên Hoàng Đế. 

Cây Giáo thánh có một tầm quan trọng đặc biệt đối với Henricô: Cụ nội của Ngài là vua Heinrich I đã nhận nó từ vua Burgundi. Trên cây Giáo này có đặt một chiếc đanh được cho là chiếc đanh do quân lính Rô-ma đã sử dụng để đóng đi Chúa Ki-tô vào Thập Giá. Ngoài ra, cây Giáo này còn phục hồi mối liên kết trực tiếp từ vương triều của ông nội Henricô với chính Henricô. Sau đó Henricô đã đi tới Mainz. Tại đây, vào ngày mồng 07 tháng 06 năm 1002, Ngài đã được tấn phong để trở thành Hoàng Đế, còn vợ Ngài là Cunigunđê thì được tấn phong vào ngày mồng 10 tháng 08 cùng năm tại Paderborn để trở thành Hoàng Hậu. Giờ đây, tình thế ban đầu sau lễ đăng quang của Henricô và Cunigunđê là rất tốt để đầy lùi các đối thủ sau cùng. Công Tước Hermann II của Schwaben là người cuối cùng chịu khuất phục.

4.Hoàng Đế Henricô thành lập Giáo phận Bamberg:

Kế hoach thiết lập một Giáo phận tại Bamberg có lẽ đã được Hoàng Đế Henricô ấp ủ từ rất lâu. Trong những cuộc đàm phán khó khăn, Hoàng Đế Henricô đã nhận được sự đồng ý của hai Đức Giám Mục Würzburg và Eichstätt. Cả em của Ngài là Đức Giám Mục Brun của Augsburger và hoàng Hậu Cunigunđê cũng đều đồng ý trao lại của hồi môn của họ để thành lập tân Giáo phận. Sau cùng, Đức Thánh Cha Gio-an XVIII đã chấp thuận và chuẩn y việc thành lập Giáo phận Bamberg. Sở dĩ Hoàng Đế Henricô quyết tâm thành lập cho được Giáo phận này là vì có nhiều lý do: trước tiên là vì vị Hoàng Đế này không có con cái, sau đó là vì Ngài muốn bảo đảm cho phần rỗi của linh hồn mình, cũng như vì muốn không bị lãng quên, bên cạnh đó còn vì Ngài muốn tái tổ chức khu vực Obermain và muốn thúc đẩy sứ vụ truyền giáo cho các dân tộc vùng Slawơ. 

Và cũng vì muốn không bị lãng quên bởi cuộc hôn nhân vô sinh, nên vào năm 1005, Hoàng Đế Henricô và Hoàng Hậu Cunigunđê đã ký kết một hiệp ước với các hoàng thân quan trọng. Theo đó, mỗi người tham gia ký kết đều có bổn phận cầu nguyện cho những kẻ đã qua đời, cũng như làm phúc bố thí và dâng Lễ cho những người đã khuất.

Vào năm 1007, việc thành lập Tân Giáo Phận được mở đầu với việc đặt chân móng cho Nhà Thờ Chính Tòa. Ngay trong ngày khởi công, ngôi Tân Thánh Đường đã nhận được rất nhiều tặng phẩm và sự hào phóng của Hoàng Đế và Hoàng hậu. Và việc dâng cúng này vẫn được tiếp tục thực hiện bởi hai vị trong những năm sau đó. Dân chúng tại các khu vực lân cận như Hallstadt, Forchheim, Fürth, Büchenbach, Herzogenaurach, Kärnten, Schwaben, Thüringen, Sachsen và Steiermark, khi nghe biết về sự hào phóng của nhà vua, cũng đã tích cực dâng cúng và đóng góp cho việc xây dựng Giáo phận mới.

5.Khôi phục vương quốc Franken:

Hoàng Đề Henricô theo đuổi mục tiêu khôi phục vương quốc Franken – nhưng rốt cuộc đã không nhận được sự trợ giúp của Giáo hội về việc này. Những vấn đề trong thời đại của Ngài là rất rõ ràng: Tại khu vực phía Đông, Công Tước Boleslaw Chrobry của Ba-lan đe dọa vùng biên giới trong gần suốt hai thập niên – và tại khu vực phía Tây và phía Nam cũng có mối đe dọa tương tự. Hình như Hoàng Hậu Cunigunđê cũng đã thường xuyên tư vấn cho chồng mình về những vấn đề liên quan tới chính sách và chính trị - cũng như trong việc đưa ra những quyết định tương tự. Trong cả hai cuộc hành quân của mình tới Ý vào năm 1004 và 1021, Hoàng Đế Henricô đều đã ủy thác cho Hoàng Hậu Cunigunđê việc nhiếp chính đế quốc.

6.Hoàng Đế Henricô và Hoàng Hậu Cunigunđê qua đời và được tôn kính:

Hoàng Đế Henricô băng hà vào ngày 13 tháng 07 năm 1024 tại Pfalz Grone thuộc vùng Göttingen, trước sự hiện diện của Hoàng Hậu Cunigunđê. Thi hài của Ngài được an táng trong Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo Phận Bamberg. Sáu tuần sau khi Hoàng Đế Henricô băng hà, Hoàng Hậu Cunigunđê đã lên cai trị đế quốc, trước khi triều đại được chuyển sang cho Konrad, người kế vị Hoàng Đế Henricô nhưng lớn tuổi hơn vị nguyên Hoàng Đế này. Không có nhiều tài liệu nói về cuộc sống sau đó của Hoàng Hậu Cunigunđê. Chỉ biết rằng, một năm sau khi Hoàng Đế Henricô băng hà, Hoàng Hậu Cunigunđê đã từ bỏ ngai vàng và gia nhập một Nữ Đan Viện tên là Kaufungen – một hành vi rất xa lạ đối với thời đại lúc đó. Đan Viện Kaufungen chính là Nữ Đan Viện do đích thân Hoàng Hậu Cunigunđê thành lập sau một thời gian dài bà phải nằm bệnh. Bà chết vào ngày mồng 03 tháng 03 năm 1033, và cũng được an táng trong nhà thờ Chính Tòa Bamberg.

Hoàng Đế Henricô được Giáo hội tôn phong Hiển Thánh vào năm 1146. Còn Hoàng Hậu Cunigunđê thì được tôn phong Hiển Thánh vào năm 1200.

Giáo hội mừng kính Thánh Henricô Hoàng Đế vào ngày 13 tháng 07, còn Thánh Cunigunđê Hoàng Hậu thì được mừng kính vào ngày mồng 03 tháng 03. Tuy nhiên, tại các quốc gia thuộc khối tiếng Đức, Giáo hội mừng kính cả hai vị Thánh trên vào cùng ngày 13 tháng 07.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist