KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 16.09 Kính Thánh Co-nê-li-ô - Giáo hoàng và Thánh Sip-ri-a-nô - Giám mục, Tử đạo
Thánh Cyprien giám mục Carthage và thánh Corneille, giáo hoàng liên kết với nhau bằng một tình bạn chân thành cũng như cùng một tình yêu với Chúa và Giáo hội.

1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Lễ kính các thánh Corneille và thánh Cyprien được Giáo hội Roma cử hành từ thế kỷ IV, kỷ niệm việc tử đạo của thánh Cyprien bị xử trảm ở Carthage năm 258. Lễ được cử hành nơi hầm mộ thánh Corneille ở hang toại đạo Calixte. Nhưng khi lễ kính Thánh giá được đưa vào phương Tây ngày 14 tháng 9, lễ hai thánh Corneille và Cyprien chuyển xuống ngày 26 cùng tháng. Thánh Corneille chết trong khi bị lưu đày trước cuộc tử đạo thánh Cyprien mấy năm sau cũng được nhắc tới chung với thánh giám mục Carthage trong lễ qui Roma để ghi nhớ tình bạn giữa hai vị.

Thánh Corneille người Roma lên thay thế Đức giáo hoàng Fabien năm 251 sau một năm tòa giám mục Roma trống ngôi do cuộc bách hại của hoàng đế Decius, mà theo lời thánh Cyprien, là người “thà thấy một đối thủ nổi lên chống đối mình còn hơn thấy một giám mục của Chúa ở Roma”. Lên ngôi giáo hoàng, Đức Corneille đụng đầu với vấn đề quan trọng là hoà giải các Lapsi, tức là những Kitô hữu trong lúc cấm cách đã chẳng may chối đạo. Đức giáo hoàng muốn có thái độ khoan dung, thứ tha và tái nhập họ, nhưng một linh mục người Roma tên là Novatien tự xưng giám mục đối kháng, tố cáo Ngài là chiếu cố. Thái độ nghiêm khắc của Novatien bị Đức giáo hoàng kế án, trở thành nguồn gốc của giáo hội ly giáo Novatien có mặt tại Roma xứ Gaule, Tây Ban Nha, và mãi tới thế kỷ VII mới tan rã.

Trong cuộc chiến chống lại ly giáo Novatien, Đức giáo hoàng Corneille được sự hỗ trợ của Đức giám mục Cyprien ở Carthage, vì Đức giám mục Cyprien cũng vấp phải những khó khăn tương tự, do nhóm ly giáo nghiêm khắc Félicissime và Novatien. Thời Gallus bắt đầu bách hại đạo (251-253), Đức giáo hoàng Corneille bị đày đi Centumcoellae (phía Bắc Roma), ít lâu sau Ngài qua đời. Sau này thánh Cyprien nêu tên Ngài là tử đạo. Hài cốt Ngài vẫn được tôn kính nơi mộ Ngài trong hang toại đạo Calixte ở Roma.

Thascius Caecilius Cyprianus sinh đầu thế kỷ III ở Carthage, tại đây Ngài trở thành một nhà tu từ nổi tiếng. Do ảnh hưởng của linh mục Caecilius, Cyprien trở lại đạo vào khoảng hai mươi lăm tuổi, được rửa tội tháng 6 năm 245 hoặc 246. Ngài kể lại cuộc cải giáo của mình trong cuốn tiểu luận Gửi Donatus (246). Năm 249, Cyprien được chọn làm giám mục Carthage nhưng cuộc bách hại của Decius (cuối 249) buộc Ngài phải rời thành phố. Ngài viết nhiều thư nâng đỡ các Giáo hội bị bắt bớ. Trở về Carthage năm 251, Ngài cũng đụng đầu với vấn đề Lapsi như Đức giáo hoàng Corneille ở Roma bởi vì có nhiều giáo hữu đã chối đạo trong thời kỳ cấm cách. Hoàn toàn đồng ý với Đức giáo hoàng, Ngài chọn biện pháp nhân từ, vừa chống lại chủ trương quá rộng của một số người xưng đạo, vừa chống thái độ quá nghiêm khắc của một số người khác tập trung chung quanh Félicissime. Ông này bị kết án và bị vạ tuyệt thông do công đồng Carthage năm 251 mặc dầu các giám mục chống đối đã từng truyền chức linh mục, thậm chí cả chức giám mục cho Cyprien.

Nhiều thử thách khác nhanh chóng ập xuống Giáo hội châu Phi: Những cuộc tấn công đốt phá bắt giáo dân làm con tin, trận dịch hạch bị đổ tội cho các Kitô hữu là nguyên nhân. Thánh giám mục Carthage đã mở một cuộc lạc quyên để chuộc các tù binh và tổ chức những cuộc cứu trợ bất kể tôn giáo.

Từ năm 255, đối với thánh Cyprien và các giám mục châu Phi đã nãy sinh vấn đề thành sự của phép rửa do người lạc giáo cử hành. Đức giám mục Carthage và các giám mục châu Phi cho rằng thánh tẩy do người lạc giáo cử hành thì bất thành, ngược lại, Đức thánh giáo hoàng Etienne theo truyền thống Roma, công nhận việc đó. Tranh cãi giữa hai bên suýt đưa tới đổ bể, nhưng cái chết của Đức giáo hoàng Etienne vào năm 257 và cuộc tử đạo của thánh Cyprien năm 258 đã chấm dứt cuộc tranh luận suýt gây tác hại lớn.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày mừng đồng thời thánh Corneille và thánh Cyprien vừa là những chủ chăn tuyệt vời, vừa là những tử đạo anh hùng. Lời nguyện nhắc chúng ta cầu xin ơn biết “ân cần làm việc cho sự đoàn kết trong Giáo hội”. Bức thư thánh Cyprien gửi đến Đức giáo hoàng Corneille, được Phụng vụ giờ kinh ghi lại, có những dòng sau đây: “Chúng ta chỉ là một Giáo hội, tinh thần chúng ta hợp nhất, sự hợp nhất của chúng ta không thể phân rẽ; giám mục nào lại không vui trước vinh dự một giám mục khác như thể đó là vinh dự của riêng mình”. Theo giáo lý thánh Cyprien về sự hợp nhất của Giáo hội, chính giám mục là trung tâm của sự hiệp nhất đó. Giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong Giám mục; kẻ nào không cùng với giám mục, không ở trong Giáo hội. Sự hợp nhất ấy được biểu đạt và thực hiện trong Thánh thể. Sự thông hiệp của tất cả các giám mục về đức tin và hoà thuận, trong tình hiệp thông với Ngai tòa Roma, làm nên tính hợp nhất của Giáo hội phổ quát (xem tiểu luận về sự hợp nhất Giáo hội công giáo). Roma, Giáo hội của Phêrô, là dấu hiệu sự hợp nhất của các giám mục với nhau. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng giáo lý về Giáo hội của thánh Cyprien và về tính cách tối thượng của giám mục Roma không hoàn toàn mạch lạc và tỏ ra thiếu sót, nhưng đàng khác Ngài lại gọi Giáo hội Roma là Ecclesia principalis (Giáo hội chính) “từ đó phát xuất sự hợp nhất sacerdotale”; cần giữ hiệp thông với Giáo hội ấy, mặc nhiên công nhận Giáo hội ấy có quyền uy trên mọi Giáo hội và chạy đến với giáo hoàng khi cần thiết.

Lời nguyện trên lễ vật, lấy từ Sách lễ Paris năm 1738, cho ta xin ơn “vững bền trong nghịch cảnh” theo gương hai thánh Corneille và Cyprien đã can đảm trong khi bị bách hại. Thư số 57 của thánh Cyprien nhắc lại các phương tiện cần có trước khi “giao chiến”: “không ngừng chay tịnh, cảnh giác, cầu nguyện cùng với toàn dân. Bởi vì đó là những thứ khí giới trời ban để giúp ta đứng vững và can đảm trung kiên”.

Lời nguyện tạ lễ khuyên chúng ta trở nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngõ hầu làm chứng cho chân lý phúc âm.

Tháng 8 năm 257, khi Valérien tung ra một sắc chỉ bắt đạo mới, thánh Cyprien ban đầu bị đày đi Curubio, một thị trấn nhỏ ở Bắc Phi, nhưng chỉ một năm sau, được gọi về Carthage lại. Can đảm và sáng suốt, thánh nhân đã sẵn sàng cho cuộc tử đạo; Ngài viết: “Một giám mục thì nên xưng đạo tại nơi thành phố có Giáo hội mình, và để cho dân chúng của mình nhờ đến sự tuyên xưng ấy”. 

Biên bản phiên tòa xét xử và câu chuyện cuộc hành quyết Ngài được cuốn công vụ quan thái thú kể lại, còn lưu giữ đến thời chúng ta và Phụng vụ bài đọc có trích một đoạn: “Cuối cùng quan thái thú quyết định tuyên án: Ta truyền phạt Thascius Cyprianus phải bị chặt đầu? Cyprien liền nói : Deo gratias. Tạ ơn Chúa”.

Thánh Cyprien giám mục Carthage và thánh Corneille, giáo hoàng liên kết với nhau bằng một tình bạn chân thành cũng như cùng một tình yêu với Chúa và Giáo hội. Qua gương sáng, các Ngài kêu mời chúng ta làm việc để mọi người cùng có được Giáo hội làm mẹ, hầu cùng có Chúa làm cha: “Chúng ta hãy nhớ đến nhau, hãy chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn; mỗi người hãy cầu nguyện cho người khác; vì tình yêu hãy làm nhẹ những khổ cực lo lắng của nhau” (Thư thánh Cyprien gửi Đức giáo hoàng Corneille trong Phụng vụ bài đọc).

Giáo Phận Hà Nội