KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 17.01 Kính Thánh An-tôn Cả
Hương thơm thánh thiện toát ra từ đời sống khổ hạnh của Thầy Antôn đã tỏa bay khắp chốn, nên có rất nhiều người đã tìm đến với Thầy. Vì vẫn muốn tiếp tục sống sự thanh vắng cách hoàn toàn, nên Thầy An-tôn lại trốn lên một ngọn núi khác. để sống trong sự thanh vắng hoàn toàn.

Thánh An-tôn Cả Tổ Phụ các Đan Sinh sinh vào khoảng năm 250 tại Come, tức Qiman el Arus, Ai-cập ngày nay. Ngài là con trai cả của một gia đình Ki-tô giáo rất giầu có, sở hữu nhiều điền thổ. Khi lên 18 tuổi, An-tôn mất cả cha lẫn mẹ, vì thế anh đã tiếp quản tất cả mọi tài sản do cha mẹ anh để lại. Và anh cũng đảm nhận luôn trách nhiệm nuôi nấng cô em gái độc nhất của mình.

Một ngày kia khi anh đến tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, anh đã nghe được Lời Chúa như đang nói với chính anh rằng: “Nếu con muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán hết mọi tài sản mà con đang có, lấy tiền phát cho người nghèo, rồi con sẽ có được một kho tàng trên trời. Và hãy đi theo Thầy!” (Mt 19,21). Anh cũng nghe thấy như Chúa đang nói với chính anh rằng: “Đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào cũng có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Những lời trên của Chúa Giê-su đã biến đổi cuộc đời của chàng trai An-tôn giầu có. Anh liền lập tức chạy về nhà và gọi người đến bán cho họ tất cả những gì anh đang sở hữu. Anh lấy tiền phân phát hết cho người nghèo, chỉ dành lại một phần nhỏ cho cô em gái. Anh trao cô em gái này cho các Trinh Nữ sống đời khổ hạnh nuôi nấng và giáo dục, còn bản thân anh thì đi vào rừng và sống ở đó với tư cách là một Ẩn Sĩ trong sự nghèo khó triệt để. 

Thời gian An-tôn bước vào đời sống Ẩn Sĩ được xác định là vào khoảng năm 275. Trước tiên, anh đến sống tại một khu rừng gần quê nhà. Trong khu rừng đó cũng đang có sẵn sự hiện diện của một số Ẩn Sĩ khác. Nhưng sau đó, có lẽ do anh thấy rằng, đời sống tại khu rừng này chưa thực sự thanh vắng, vì thỉnh thoảng vẫn còn có vài bóng người, cụ thể là bóng các Ẩn Sĩ sống đời khổ hạnh ở đó, nên An-tôn đã quyết định rời bỏ khu rừng vừa nêu để đến sống tại một khu vừng sâu hơn, hoàn toàn thanh vắng và không một bóng người.

Tuy nhiên, chỉ một ít thời gian sau thì cũng đã có người khám phá ra nơi sống ẩn dật của Thầy An-tôn. Hương thơm thánh thiện toát ra từ đời sống khổ hạnh của Thầy đã tỏa bay khắp chốn và phát tán cách rộng rãi, nên rất nhiều người đã tìm đến với Thầy. Vì vẫn muốn tiếp tục sống sự thanh vắng cách hoàn toàn, nên Thầy An-tôn lại trốn lên một ngọn núi khác, cụ thể là ngọn núi nằm bên kia sông Nils. Tại đó, Thầy tiếp tục sống sự thanh vắng cách hoàn toàn giữa sa mạc. Theo tương truyền, trong lúc sống tại đây, Thầy đã trải qua nhiều cuộc chiến với ma quỷ, bởi chúng thường xuyên đến thách đố Thầy.

Hai chục năm sau lại có người phát hiện ra nơi ở mới của Thầy An-tôn. Lúc này, xét về khía cạnh bên ngoài thì xem ra Thầy không có mấy thay đổi, nhưng bên trong thì An-tôn đã hoàn toàn đổi thay. Thầy đã tiết lộ cho một vài người biết về những mầu nhiệm sâu thẳm mà Thầy được trải qua. Nhưng do bị gây ồn ào bởi dòng người kéo đến mỗi ngày một đông, Thầy An-tôn lại rời bỏ nơi đó và một mình đi lên núi Colzim, thuộc vùng Zafarana, ngay trên bờ biển Đỏ. Tuy vậy cũng vẫn có ngươi tìm đến được với Thầy. Một trong những người nổi tiếng nhất đã từng tìm đến với Thánh An-tôn vào thời gian này, đó là Thánh Athanasiô Thượng Phụ Giáo Phụ Alexandria. Chính vị Giám mục này đã mời Thánh An-tôn về với Giáo phận của mình.

Vào năm 311, Thầy An-tôn đã đi tới Alexandria để động viên các Ki-tô hữu lúc đó đang bị bách hại bởi hoàng đế Maximinus. Thầy dấn thân bảo vệ người nghèo và các tù nhân. Thầy thường xuyên giữ mối liên lạc với hoàng đế Constantin qua thư từ. Trong nhiều bức thư gửi cho hoàng đế kế vị Constantin, Thánh An-tôn đã khuyên răn vị này tránh xa tầm ảnh hưởng của chủ thuyết Ariô.

Nói về Thánh An-tôn người ta không thể không nói tới những con heo mà chúng là biểu tượng cho những cơn cám dỗ rất nổi tiếng của Ngài: Theo tương truyền, ma quỷ đã hiện ra với Ngài nhiều lần với hình dáng của một hay nhiều phụ nữ đẹp. Trong nhiều trường hợp khác nhau, Thánh An-tôn đã bị gây tổn thương với những vết cào, những vết cắn, hay với những vết húc v.v…   

Sau khi rời Alexandria để trở về lại với đời sống Ẩn Sĩ, Thánh An-tôn càng trở nên nổi tiếng hơn nữa vì đời sống thánh thiện của Ngài. Rất nhiều người tìm đến với Ngài để xin lời khuyên bảo, để được tư vấn, để xin được chữa lành bệnh tật. Nhiều Giáo sĩ và các nhà khổ hạnh khác cũng muốn đến để xin được thụ huấn từ Ngài. Càng ngày càng có nhiều môn đệ quy tụ chung quanh Ngài, và vì thế Ngài phải dựng lên cho họ những căn lều nhỏ để trú ngụ cũng như phải dựng lên rất nhiều những căn chòi khác cho các Ẩn Sĩ.

Và như thế, Thánh An-tôn là người đã có mặt trong buổi rạng Đông của đời sống Đan Tu, và được coi là Tổ Phụ của giới Đan Sinh cả bên Đông lẫn bên Tây. Hình thức Đan Tu theo tinh thần Thánh An-tôn đặt nền tảng trên sự khổ hạnh và sự ẩn dật, và do đó khác hẳn với lối sống Đan Tu theo Tu Luật Thánh Biển Đức.

Tuy nhiên, Thánh An-tôn đã không viết Tu Luật cho Dòng mang tên Ngài, tức Dòng do các môn sinh của Ngài thành lập. Một người bạn thân của Thánh An-tôn là Thánh Athanasiô Giám mục thành Alexandria đã đảm nhận việc viết Tu Luật cho Dòng Thánh An-tôn. Vào khoảng năm 360, chính vị Giám mục này đã đích thân biên soạn cuốn Hạnh Tích Thánh An-tôn. Nhờ vào cuốn Hạnh Tích vừa nêu mà danh tiếng của Thánh An-tôn đã vượt ra xa bên ngoài lãnh thổ Ai-cập.

Vào năm 337, theo thỉnh cầu của các Linh mục địa phương cũng như theo thỉnh nguyện của Đức Thượng phụ Giáo Chủ Athanasiô, Thánh An-tôn lại đi tới Alexandria một lần nữa để thuyết phục các tín đồ của giáo phái Ariô trở về với Giáo hội.

Theo tương truyền, khi đã 90 tuổi, vì một giấc mơ, Thánh An-tôn đã lên đường tìm đến với Thánh Phao-lô Ẩn Sĩ thành Theben lúc đó đã 110 tuổi. Một con chó sói đã dẫn Ngài xuyên qua sa mạc để đến với Thánh Phao-lô Ẩn Sĩ. Trước khi Thánh An-tôn đến, ngày nào một con quạ cũng mang đến cho Thánh Phao-lô một chiếc bánh mỳ. Tuy nhiên, từ khi có Thánh An-tôn bên cạnh Thánh Phao-lô, thì ngày nào con quạ đó cũng mang đến cho các Ngài hai chiếc bánh thay vì một chiếc như trước kia. Khi Thánh Phao-lô qua đời, Thánh An-tôn cũng được báo mộng bởi một gương mặt: Ngài thấy vị Ẩn Sĩ trưởng thượng thiếp đi trong lúc đang cầu nguyện. Thế là Thánh An-tôn liền cấp tốc lên đường để an táng Thánh Phao-lô. Hai con sư tử đã giúp Thánh An-tôn trong việc đào huyệt để chôn cất vị Thánh Ẩn Sĩ. Thực hiện xong việc an táng, Thánh An-tôn đã lấy chiếc áo choàng được dệt bằng cỏ rơm của Thánh Phao-lô, và mang theo mình như là vật kỷ niệm.

Dù sống trong thanh vắng và ẩn dật, nhưng Thánh An-tôn không hề nhút nhát và cũng chẳng hề xa cách với thực tế cuộc sống. Hai lần xuất hiện của Ngài tại Alexandria là bằng chứng cho thấy điều đó.

Theo tương truyền, Thánh An-tôn đã được Chúa rước về lúc Ngài 105 tuổi. Đích thân Ngài đã báo trước cho các môn sinh biết giờ lâm tử của mình. Ngài qua đời vào ngày 17 tháng 01 năm 356 tại núi Colzim thuộc vùng Zafarana, Ai-cập. Khi các môn đệ an táng Thánh Nhân, họ đã nhìn thấy các Thiên Thần đến đứng chung quanh Ngài. Trong số các lá thư được công bố là do Thánh An-tôn viết, có ít nhất bảy lá được cho là thực sự của Ngài, và các lá thư này được viết bằng tiếng La-tinh nói về sự thống hối chân thực.

Thánh An-tôn đã được các tín hữu tôn kính ngay từ hồi thế kỷ thứ V. Vào năm 561, sau khi người ta khám phá ra ngôi mộ được cho là của Ngài, các Thánh Tích của Thánh An-tôn đã được chuyển tới Alexandria. Và vào năm 635, sau khi Ai-cập bị người Hồi giáo xâm lược, các Thánh Cốt của Thánh An-tôn lại được chuyển tới Constantinopoli, tức Istanbul, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Sau đó, vào khoảng năm 1000, một phần lớn các Thánh Cốt của Thánh An-tôn được chuyển tới miền Nam nước Pháp, cụ thể là được đưa vào trong nhà thờ của Đan Viện St-Didier-de-la-Tour. Vào năm 1491, các Thánh Tích của Thánh An-tôn tại Đan Viện nêu trên lại được chuyển tới nhà thờ St-Julien tại Arles, cũng tại Pháp. Vào năm 1944, Nhà thờ St-Julien đã bị tàn phá bởi những trận dội bom của quân đội Đức Quốc Xã, vì thế các Thánh Tích của Thánh An-tôn đã được chuyển từ đó vào sang nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận Arles. Trước đó, vào năm 1074, một phần các Thánh Tích của Thánh An-tôn cũng đã được chuyển tới Dauphiné, Pháp Quốc. Nhưng vào năm 1089, những Thánh Tích đó đã được chuyển tới La-Motte-aux-Bois. Tại đây, một Đan Viện của Dòng Thánh An-tôn đã được thành lập.

Kể từ thế kỷ thứ XI, thông qua các Thánh Tích của mình, Thánh An-tôn đã nhận được một sự tôn kính đặc biệt tại Phương Tây. Vào năm 1065, một Huynh Đoàn đã được thành lập tại La-Motte-aux-Bois – tức St-Antoine-l'Abbaye ngày nay – để chăm lo cho những người hành hương, với tư cách là hiệp hội của các Hiệp Sĩ, họ coi Thánh An-tôn như là mẫu gương nguyên thủy của họ, vì Ngài xuất thân từ một gia đình thượng lưu và đã chiến đấu chống lại ma quỷ. Hai thể kỷ sau đó, hiệp hội này phát triển thành một Dòng Tu, và cụ thể đó là Dòng Giáo Sĩ Thánh An-tôn.

Thánh An-tôn được tôn kính cách đặc biệt bởi các Giáo hội cả bên Đông lẫn bên Tây. Ngài được coi là Tổ Phụ của giới Đan Sinh của cả Đông Phương lẫn Tây Phương. Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh An-tôn Cả vào ngày 17 tháng 01 với bậc Lễ nhớ buộc, tức Lễ bậc III.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist