KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 19.01 Kính Thánh Agrixiô Giám Mục Thành Trier
Thánh Agrixiô đã thanh tẩy Giáo phận Trier của Ngài khỏi những vết ố nhơ của sự bất tín và vô thần, nhờ thế, trong nhiều thế kỷ, Giáo phận này đã không tái sa vào vòng kim tỏa của tà giáo. Để làm được như vậy, Ngài đã có một sự kiên nhẫn đặc biệt, cộng với sự nhiệt thành phi thường và sự khôn ngoan thiên bẩm.

Thánh Agrixiô sinh vào khoảng năm 260 tại Syria (có tài liệu nói tại Pháp). Trước tiên, Ngài được bầu làm Thượng Phụ Giáo Chủ của Antiochia, sau đó, theo đề nghị của Thánh Helena, Ngài đã được bổ nhiệm làm Giám mục của Trier, Đức Quốc. 

Theo tương truyền, trong một chuyến vi hành, Thánh Helena, hoàng thái hậu của hoàng đế Constantin, và là hoàng hậu Ki-tô hữu tiên khởi, đã lưu lại tại thành phố Trier, Đức Quốc trong một thời gian dài. Hồi đó, thành phố này là một trong những thành phố nổi tiếng và cổ kính nhất của Đức. Chứng kiến sức sống mãnh liệt của thế giới ngoại giáo và sự lay lắt của đời sống Ki-tô giáo tại Trier, Thánh Nữ đã tỏ ra vô cùng băn khoăn. Và mối băn khoăn lớn nhất đối với vị Nữ Hoàng thánh thiện lúc ấy là làm sao để đời sống Đức Tin Ki-tô giáo được phát triển hơn nữa tại thành phố này. 

Vì thế, bà đã không ngừng xin với Đức Giáo Hoàng Silvester hồi đó để Ngài cử một Giám mục đáng kính đến cho thành phố Trier, bởi đây là một thành phố rất quan trọng đến độ người ta quen gọi là Rô-ma đệ nhị. Mọi con mắt của Giáo Triều Rô-ma lúc ấy đều đổ dồn về Đức Giám mục Agrixiô, người đang làm Thượng Phụ Giáo Chủ của Antiochia và được coi là một trong những Hoàng Tử đáng kính cũng như được coi trọng nhất của Giáo hội thời ấy.

Mặc dầu toàn bộ tâm trí Ngài đều gắn vó với Giáo phận hiện tại của mình, nhưng vì vâng phục trước lời mời gọi của Đức Thánh Cha Silvester, nên Thánh Agrixiô đã mau chóng thu xếp mọi công việc và rời bỏ Giáo phận để về Rô-ma. Sau khi nhận được bài sai của Đức Giáo Hoàng, với tất cả sự khiêm nhượng, Ngài đã cấp tốc lên đường để đến đảm nhận Giáo phận mới tại Trier với muôn vàn những khó khăn trước mắt. Thông qua trung gian của nữ hoàng Helena, vị tân mục tử của Giáo phận Trier đã nhận được những Thánh Tích vô cùng quý báu, mà đích thân bà đã mang về từ Phương Đông, đó là hộp sọ của Thánh Matthias Tông Đồ, một chiếc đinh đã từng treo thân của chính Chúa Giê-su trên Thánh Giá, một con dao do chính Chúa Giê-su đã sử dụng trong Bữa Tiệc Ly, một chiếc răng của Thánh Phê-rô, một hộp sọ của Thánh Giáo Hoàng Cornelius và nhiều Thánh Tích quý giá khác. Sau khi Giáo phận Trier được đảm nhận bởi Thánh Agrixiô, thì đồng thời Giáo phận này cũng được Đức Giáo hoàng nâng lên thành Tổng Giáo phận.  

Dù Giáo phận Trier là một Giáo phận lớn, nhưng những hoạt động mục vụ của Thánh Agrixiô không chỉ gói gọn trong Giáo phận này, nhưng còn vượt ra xa bên ngoài ranh giới của nó. Và không chỉ hoạt động truyền giáo tại Đức, Thánh Nhân còn đến tận Bỉ, Luxembur và Pháp để rao giảng Tin Mừng nữa. Khi Thánh Agrixiô đi tới Bỉ và tới Moselle, Luxembur, Ngài đã chứng kiến cảnh điêu tàn của Ki-tô giáo ở đó, vì tại đó chỉ còn một vài nhóm Ki-tô hữu nhỏ nhoi và nằm rải rác, bởi dưới những trận bách hại kinh khủng của hoàng đế Diocletian và hoàng đế Maximian, đặc biệt là dưới sự bách hại của tổng trấn Rictiovarus, máu của các Ki-tô hữu tại những nơi trên đã chảy thành sông. Ngay tại Trier, hàng ngàn tín hữu cũng đã bị sát hại, còn toàn vùng Moselle thì được nhuộm đỏ với máu, đến độ những dòng sông tại đó đã bị ứ đọng bởi những đống thi thể. Nhiều chiếc giếng vừa sâu, vừa rộng, nhưng vẫn được chất đầy với xương cốt của các vị Tử Đạo. 

Chứng kiến cảnh bách hại đạo vô cùng tàn khốc như thế, Thánh Agrixiô đã không ngã lòng, nhưng đã làm tất cả để tái khôi phục đạo giáo của Chúa Giê-su Ki-tô.

Thánh Nhân đã phát hiện ra một cánh đồng phủ đầy cỏ dại và gai góc, bởi tại đó chỉ còn lại một số rất ít các Ki-tô hữu sống sót sau những cuộc bách hại đẫm máu. Vì thế, như một nông dân chăm chỉ nhất định không chịu nghỉ ngơi cho tới khi biến được khu đất hoang dã thành một khu vườn đầy màu mỡ, Đức Cha Agrixiô đã không chịu nghỉ ngơi cho tới khi diệt hết được mọi loài cỏ dại bất tín và vô thần đang mọc um tùm khắp nơi để có thể rắc gieo hạt giống Lời Chúa với kết quả tốt nhất trên những thửa vườn đã được dọn dẹp, tức trong những tâm hồn của những con người đã được Ngài cải hóa. Thiên Chúa đã không để cho người tôi trung của Ngài phải một mình chịu đựng cảnh vất vả cực nhọc. Ngài đã chúc lành cách đặc biệt cho những hoạt động của Thánh Agrixiô, nên công cuộc loan báo Tin Mừng của Ngài đã gặt hái được những thành quả ngoài sức tưởng tượng. 

Thánh Agrixiô đã coi Thánh Phê-rô Tông Đồ chính là mẫu gương của mình trong những hoạt động không biết mệt mỏi cho Triều Đại Thiên Chúa, đến độ Ngài muốn noi gương Thánh Phê-rô trong từng chi tiết, cho dẫu đó là sự Tử Đạo. Tuy nhiên, dù không bị chém đầu hay bị sát hại, nhưng niềm khát khao được Tử Đạo của Ngài cũng đã được thực hiện trong một cách thức nào đó, vì trong những hành trình truyền giáo của mình, Ngài luôn phải chịu đựng những truân chuyên vất vả, những nỗi khổ đau, và những lời miệt thị thuộc đủ cách đủ loại.

Một ngày nọ, một kẻ giúp việc bất tín đã cả gan ăn trộm chiếc Đinh Thánh. Khi người này vừa bỏ chiếc Đinh vào túi áo thì từ chiếc Đinh đó, một dòng máu đã tuôn ra, đến độ tất cả quần áo của kẻ ăn trộm đều bị nhuộm đỏ bởi máu. Với sự kinh hoàng, kẻ vô thần đã nhìn nhận phép lạ và công khai xưng thú tội lỗi của mình trước Đức Giám Mục Agrixiô và trước mặt dân chúng đang lũ lượt kéo tới mỗi ngày một đông vì họ nghe thấy hồi chuông bất thường vang lên. Kẻ bất lương đã thú nhận rằng mình đã ăn cắp chiếc Đinh, và moi chiếc Đinh của Chúa Ki-tô vẫn đang còn rỉ máu ra cho mọi người thấy. 

Một người phụ nữ bị quỷ ám tên là Winniberga, quê ở Regensburg, đã đi viếng nhiều nơi thánh để xin cho được giải thoát khỏi nhóm quỷ, nhưng vẫn không có kết quả. Tuy nhiên, khi người phụ nữ này tới Trier và khi nghi thức trừ tà được thực hiện tại đó, thì tên quỷ đã tuyên bố rằng, hắn không thể kháng cự lại được chiếc Đinh mà nó đã được dùng để đóng xuyên qua bàn chân phải của Đấng Cứu Thế. Và với một tiếng gầm khủng khiếp, hắn liền xuất ra khỏi người phụ nữ mà hắn đã hành hạ nhiều lần.

Thánh Agrixiô đã thanh tẩy Giáo phận Trier của Ngài khỏi những vết ố nhơ của sự bất tín và vô thần, nhờ thế, trong nhiều thế kỷ, Giáo phận này đã không tái sa vào vòng kim tỏa của tà giáo. Để làm được như vậy, Ngài đã có một sự kiên nhẫn đặc biệt, cộng với sự nhiệt thành phi thường và sự khôn ngoan thiên bẩm. Giống như một cây lớn đâm nhiều cành, nhiều nhánh, và mang đến nhiều hoa trái, công cuộc loan báo Tin Mừng do Thánh Agrixiô thực hiện cũng không chỉ được giới hạn trong Giáo phận của Ngài, nhưng còn vươn xa tới tận Bỉ, Pháp và một phần lớn nước Đức.

Thánh Agrixi ô đã biến quảng trường Thánh Helena Hoàng Hậu thành một Nhà Thờ của Tổng Giáo Phận, và đã cung hiến ngôi Thánh Đường này để tôn kính Thánh Phê-rô Tông Đồ. 

Khi Thánh Agrixiô cảm thấy thời gian dành cho mình nơi thế gian này đang dần co rút lại, theo thúc đẩy của ơn Chúa, Ngài đã bổ nhiệm một trong những môn sinh kỳ cựu nhất của Ngài là Maximinus làm người kế vị của chính Ngài trong chức Giám mục của Giáo phận Trier. Sau đó Ngài mời toàn dân đến, và với niềm vui lớn lao trào ra từ tận đáy lòng, Ngài công bố cho họ biết rằng, Thiên Thần Chúa vừa hiện ra với Ngài và thông báo cho Ngài biết, Thiên Chúa muốn triệu hồi Ngài ngay tức khắc. Thế rồi, Ngài đặt tay lên đầu Maximinus và tấn phong vị này làm Giám mục. Không lâu sau đó, Thánh Agrixiô đã từ giã cõi đời để về với Chúa, Đấng mà Ngài đã dành cả cuộc đời để mến yêu phụng sự, và từng phút từng giây, khát khao mong được gặp. Ngài lìa bỏ cõi thế vào ngày 13 tháng 01 năm 329 (có tài liệu nó năm 333 hoặc 335) ngay tại Tòa Giám Mục Trier, tức Giáo phận của Ngài.

Ngay khi còn sinh thời, thánh Agrixiô đã được các tín hữu vô cùng mến mộ, họ coi Ngài như là một vị Thánh sống. Vì thế, chẳng bao lâu sau khi Ngài qua đời, các tín hữu đã tổ chức tôn kính Ngài tại nhiều nơi với tư cách là một vị Thánh.

Trước đây, Giáo hội Công giáo mừng kính Thánh Agrixiô vào ngày 13 tháng 01 hàng năm, tức ngày qua đời của Ngài. Tuy nhiên, kể từ thời cải tổ Lịch Phụng Vụ tới nay, ngày mừng kính Thánh Agrixiô đã được chuyển sang ngày 19 tháng Giêng, với bậc Lễ nhớ tự do, tức Lễ bậc IV.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist