KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 21.08 Kính Thánh Giáo Hoàng Piô X
Sau khi đăng quang Giáo Hoàng, Đức Pi-ô X vẫn sống với tư cách là một con người khiêm tốn và giản dị: Ngài tránh tối đa việc sử dụng cách xưng hô “Ta”, và chỉ miễn cưỡng sử dụng nó khi nghi thức chính thức của Tòa Thánh đòi phải sử dụng cách xưng hô đó. Ngài tỏ ra bất đắc dĩ khi để cho người ta hôn lên nhẫn Giám Mục của mình.

Thánh Pi-ô X Giáo Hoàng với tên gọi trong giấy khai sinh là Giuseppe Melchiore Sarto. Ngài sinh vào ngày mồng 02 tháng 06 năm 1835 tại Riese, thuộc miền Treviso, Italia, trong một gia đình không mấy khá giả. Cha Ngài là một nông dân vùng núi và là người đưa thư.

Vào năm 15 tuổi, tức năm 1850, Sarto gia nhập Chủng Viện tại Padua. Và vào ngày 18 tháng 09 năm 1858, sau khi hoàn tất chương trình Triết Học và Thần Học tại Chủng Viện nêu trên, Thầy Sarto đã được lãnh tác vụ Linh mục khi mới 23 tuổi. Sau gần một chục năm làm Cha phó tại Giáo xứ Tombolo – một Giáo xứ trung bình với 1.400 tín hữu -, vào năm 1867, Cha Sarto được bổ nhiệm làm Cha Xứ của một Giáo xứ lớn hơn, với 3.000 tín hữu, tức Giáo xứ Salzano. Trong khi làm Cha Xứ tại đây, Ngài đã biên soạn một cuốn Giáo Lý theo hình thức hỏi đáp, với 570 câu hỏi và câu trả lời. Vào năm 1875, Đức Giám mục Giáo phận đã bổ nhiệm Cha Sarto làm Kinh Sĩ của nhà thờ Chính Tòa Treviso.

Sau đó Ngài được bổ nhiệm làm quản lý của Tòa Giám Mục cũng như làm linh hướng cho Đại Chủng Viện của Giáo phận. Bên cạnh đó, Cha Sarto cũng còn được bổ nhiệm làm giáo viên của trường trung học cũng như làm tư vấn viên của tòa án Giáo phận. Vào năm 1884, Cha Sarto được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII bổ nhiệm làm Giám Mục của Giáo phận Mantura. Vào đầu năm 1893 Ngài lại được Đức Lê-ô XIII bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Venedig. Và vào ngày 12 tháng 06 cùng năm, Ngài đã được Đức Lê-ô XIII nâng lên bậc Hồng Y với Nhà Thờ Tước Hiệu là San Bernardo alle Terme. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau đó Ngài mới có thể thi hành chức vụ của mình, vì chính phủ Ý đã chậm trễ trong việc chấp thuận việc bổ nhiệm này.

Vào ngày 20 tháng 07 năm 1903, sau 25 năm lãnh đạo Giáo hội, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã từ trần. Vì thế, Mật Viện Hồng Y Bầu Giáo Hoàng đã được triệu tập, và vào ngày mồng 01 tháng 08 năm 1903, Mật Viện này đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 62 Hồng Y, trong đó có Đức Hồng Y Sarto. Sau ba ngày với 6 cuộc bỏ phiếu, các Đức Hồng Y vẫn không bầu ra được vị Tân Giáo Hoàng. Tuy nhiên, trong 6 lần bỏ phiếu đó, càng ngày Đức Hồng Y Sarto càng nhận được nhiều phiếu hơn, dù rằng Ngài đã chính thức yêu cầu mọi người đừng dồn phiếu cho mình.

Sau cùng, vào ngày mồng 04 tháng 08 năm 1903, Mật Viện Hồng Y đã đạt được một sự nhất trí lớn: Trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 7, Đức Hồng Y Sarto đã nhận được 50 phiếu bầu và đắc cử Giáo Hoàng. Vị tân Giáo Hoàng chọn cho mình tước hiệu Pi-ô X. Lễ Đăng Quang của Ngài diễn ra gần một tuần sau đó, tức vào ngày mồng 09 tháng 08 tại Đền Thờ Thánh Phê-rô. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ (có lẽ từ thời Đức Coelestin V), một vị Hồng Y không hề có một chút kinh nghiệm gì về ngoại giao cũng như về công việc của Giáo Triều đã được bầu làm Giáo Hoàng. Tuy nhiên, vị Tân Giáo Hoàng lại có rất nhiều kinh nghiệm về mục vụ.

Sau khi đăng quang Giáo Hoàng, Đức Pi-ô X vẫn sống với tư cách là một con người khiêm tốn và giản dị: Ngài tránh tối đa việc sử dụng cách xưng hô “Ta”, và chỉ miễn cưỡng sử dụng nó khi nghi thức chính thức của Tòa Thánh đòi phải sử dụng cách xưng hô đó. Ngài tỏ ra bất đắc dĩ khi để cho người ta hôn lên nhẫn Giám Mục của mình. Ngài sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai, cũng như sẵn sàng tổ chức các cuộc hội kiến chung tại quảng trường Damasus của Tòa Thánh. Ngài rất quảng đại và thân thiện, nhưng vẫn ý thức một cách đầy đủ về chức vụ của mình.

Không bao lâu lên làm Giáo Hoàng, Đức Pi-ô X đã được dân chúng toàn nước Ý mến yêu cách đặc biệt. Và có lẽ ngay sau khi đăng quang Giáo hoàng, Ngài đã bắt tay vào soạn thảo bức Thông Điệp đầu tay, vì chỉ không đầy hai tháng sau, tức ngày mồng 04 tháng 10 năm 1903, Ngài đã cho công bố Thông Điệp Omnia instaurare in Christo (Canh tân mọi sự trong Chúa Ki-tô). Ngài cũng đã nhanh chóng bắt tay vào việc cải tổ Giáo Triều. Ngài khuyến khích lòng tôn sùng Thánh Thể, khuyên mọi người thường xuyên rước Lễ, cho phép các em nhỏ được phép xưng tội và rước Lễ lần đầu sớm hơn, thúc đẩy việc đào tạo các Linh mục cũng như phát triển Thánh Nhạc. Ngài cũng khuyến khích việc cải tổ Phụng Vụ, và lần đầu tiên trong Lịch sử Giáo hội, ra lệnh soạn thảo một bộ Giáo Luật hoàn toàn mới. Và bộ Giáo Luật này đã được hoàn tất và công bố vào năm 1917 dưới thời Đức Bê-nê-đíc-tô XV.

Tuy nhiên, trong lãnh vực ngoại giao quốc tế, Đức Pi-ô X không thu được bao nhiêu thành công. Vào năm 1905, Ngài đã rơi vào một cuộc xung đột nặng nề với chính phủ Pháp, vì Ngài đã không tán thành việc phân tách giữa Giáo hội và nhà nước đang được thực hiện cách kiên định tại Pháp. Đồng thời, xu hướng hiện đại của Thần Học Pháp cũng là điểm công kích chính của chiến dịch được thực hiện với tất cả sự mãnh liệt nhằm chống lại cơn cám dỗ mà Đức Pi-ô X gọi là chủ nghĩa Tân Thời, nhằm đặt giáo huấn của Giáo hội bên dưới kiến thức khoa học trong suy tư Thần Học.

Chương trình mà Đức Pi-ô X đặt ra cho Giáo hội trong thế kỷ XX vẫn luôn là một mô hình đáng noi theo đối với những người kế vị Ngài. Đức Pi-ô X đã theo đuổi mục tiêu nhắm tới một sự ảnh hưởng phổ quát, đặc biệt là về mặt xã hội của tôn giáo đích thực. Để đạt được mục tiêu đó, người kế vị của Ngài và cũng là người rất tôn kính Ngài – Đức Gio-an XXIII – đã chọn đi theo phương pháp Aggiornamento (tức phương pháp cập nhật từng ngày).

Sau 11 năm trên ngôi Giáo Hoàng, Đức Pi-ô X đã từ giã cõi đời vào ngày 20 tháng 08 năm 1914. Ngài được các tín hữu vô cùng kính mến ngay từ khi còn sinh thời. Và sau khi qua đời, Ngài lại càng được kính mến nhiều hơn bởi các tín hữu. Đức Pi-ô XII, người kế vị thứ 3 của Ngài, cũng là một trong những người rất tôn kính Đức Pi-ô X. Vào ngày mồng 03 tháng 06 năm 1951, đích thân Đức Pi-ô XII đã  tôn phong vị tiền nhiệm không trực tiếp của Ngài lên bậc Chân Phúc. Rồi ba năm sau đó, tức ngày 29 tháng 05 năm 1954, cũng chính Đức Pi-ô XII đã tôn phong Đức Pi-ô X lên bậc Hiển Thánh. Thánh Pi-ô X Giáo Hoàng là một trong năm vị Giáo hoàng của toàn bộ ngàn năm thứ hai trong lịch sử Giáo hội được phong Thánh, và là vị Giáo Hoàng được phong thánh đầu tiên kể từ hồi Đức Pi-ô V.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist