KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ngày 24.08 Kính Thánh Batôlômêô, Tông Đồ.
Việc tôn kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô chỉ phổ biến trong thế ký thứ X, và từ đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi, đặc biệt là tại các quốc gia Tây Âu, chẳng hạn như Ý, Đức và Pháp. Từ đầu thế kỷ thứ XIII, Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã được giới họa sĩ và điêu khắc trình bày trong hình ảnh một vị Tông Đồ trên tay cầm một con dao và một cuốn sách.

Thánh Ba-tô-lô-mê-ô Tông Đồ sinh vào đầu thế thứ nhất tại Ca-na, Palestina. Ngài là một trong số 12 Tông Đồ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, Ngài chỉ được hai sach Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu và Mác-cô nhắc tới trong bản danh sách các Tông Đồ (xc. Mt 10,3; Mc 3,14-19). Từ thế kỷ thứ IX tại Đông Phương, và từ thế kỷ thứ XI tại Tây phương, Thánh Ba-tô-lô-mê-ô được nhiều chuyên viên Kinh Thánh đồng hóa với Nathanael, người xuất thân tại Galilea. Nếu Ba-tô-lô-mê-ô là Nathanael, thì theo Tin Mừng của Thánh Gio-an, ông đã được Phi-líp-phê dẫn tới với Chúa Giê-su (Ga 1,45-51). Và khi Chúa Giê-su vừa nhìn thấy Nathanael tiến về phía mình thì đã ngay lập tức nhận ra ông, và nói về ông rằng: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1,47). Nathanael đã tỏ ra bỡ ngỡ trước lời nhận xét của Chúa Giê-su về mình, và Chúa Giê-su giải thích cho ông biết rằng, trước khi Philiphê đến với ông, lúc ông đang còn ngồi dưới gốc cây vả, tức lúc ông đã đạt tới được mức độ cao của sự khôn ngoan tinh thần, thì Ngài đã biết đến ông rồi (Ga 1,48). 

Một số truyền thuyết lại cho rằng, Ba-tô-lô-mê-ô chính là chàng rể trong tiệc cưới tại Cana mà Tin Mừng theo Thánh Gio-an nói tới (xc. Ga 2,1-12). Với tư cách là Nathanael, thì Ba-tô-mê-ô còn được Tin Mừng theo Thánh Gio-an nêu đích danh trong cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh trên bờ hồ Gennesaret (xc. Ga 21,2). Tuy nhiên, trong bản danh sách các Tông Đồ thì cả Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu lẫn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô đều không nhắc tới tên Nathanael, nhưng thay vào đó là tên Ba-tô-lô-mê-ô, và ông được xếp đứng sau Philiphê và trước Tô-ma (Mt 10,3); sau Philiphê và trước Mát-thêu (Mc 3,18).

Theo tương truyền, Sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tức Lễ Ngũ Tuần, Ba-tô-lô-mê-ô đã đến loan báo Tin Mừng tại Persien, tức Iran ngày nay. Cũng có một số truyền thuyết cho rằng, Ngài đã đến tận Ấn-độ để hoạt động tông đồ, và ở đó, Ngài đã để lại một đoạn sách Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu bằng tiếng Hýp-ri. Truyền thống cũng chứng minh cho thấy Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã đến rao giảng Tin Mừng tại Ai-cập và tại Armenia, Ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân và nhiều người bị quỷ ám. Ngài đã được phúc Tử Đạo tại Armenia với việc bị lột da và bị đóng đinh ngược trên Thập Giá.

Tương truyền kể lại rằng, vào một ngày kia, Ba-tô-lô-mê-ô được người Armenia mời đến với vua Polymios của nước này. Sau khi Thánh Nhân chữa lành cho công chúa của vị vua vừa nêu khỏi quỷ ám, Ngài đã đến thăm nhà vua xuyên qua các cánh cửa đang được đóng kín. Thấy thế, nhà vua liền trở lại, và toàn thể hoàng gia đều cùng ông trở lại Ki-tô giáo. Vua Polymios đã ra lệnh dẹp bỏ tất cả mọi hình ảnh của các ngẫu tượng trong đền thờ, mà một thần dữ luôn ẩn mình trong đó. Tuy nhiên, theo lệnh của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, tên thần dữ này đã phải bỏ đi. Sau đó Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã làm cho vua Polymios được thấy tỏ tường những hình thù đen kịt, đen hơn cả bồ hóng, với những gương mặt hắc ám, những bộ râu đen ngòm và với những mái tóc cũng đen như bồ hóng, chúng đi đi lại lại dưới chân Ngài, nhưng đôi tay của chúng thì bị cột lại đàng sau lưng bằng những sợi xích cháy rừng rực. 

Thấy vậy, các tư tế của đền thờ liền bỏ trốn, họ đến với Astyages – người anh em thù địch của vua Polymios. Nghe báo cáo của các tư tế, Astyages đã sai một toán quân tinh nhuệ gồm cả ngàn lính tráng tới bắt Thánh Ba-tô-lô-mê-ô. Sau khi bắt được Thánh Nhân, đám lính đã mang Ngài đến trước Astyages. Biết được rằng, thần Baldach của mình cũng đã bị phá hủy bởi thánh Ba-tô-lô-mê-ô, nên Astyages đã ra lệnh dùng dùi cui để tra tấn Ngài, sau đó ra lệnh lột da Ngài lúc Ngài vẫn đang còn sống, và sau cùng ra lệnh đóng đinh ngược Ngài vào Thập giá với chiếc đầu cắm xuống đất. Sau khi Thánh Ba-tô-lô-mê-ô qua đời, các Ki-tô hữu đã đến nhận xác Ngài và mai táng cách long trọng. Còn Astyages và các viên tư tế của ông ta thì bị quỷ ám và chết ngay sau đó.

Thánh Hieronymus đã nhắc đến một cuốn Tin Mừng theo thánh Ba-tô-lô-mê-ô. Và Ngài cũng nhắc tới một sắc lệnh được cho ràng do Đức Giáo Hoàng Gelasius I biên soạn, về những tác phẩm Kinh Thánh được công nhận cũng như không được công nhận bởi Giáo hội. Sắc lệnh này đã liệt kê ra những tác phẩm tự cho là thuộc Quy Điển nhưng bị Giáo hội bác bỏ. Nhiều bản văn cổ khác nhau của Giáo hội Cốp-tít cũng được gán cho Thánh Ba-tô-lô-mê-ô là tác giả, trong đó có một cuốn nói về sự phục sinh của Chúa Ki-tô.

Truyền thống sau này còn cho biết về một chiếc quan tài mà trong đó có Thánh Cốt của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô cùng với Thánh Cốt của bốn vị Tử Đạo khác đã bị những người dân ngoại quăng xuống biển, nhưng đã dạt vào đảo Lipari của Sizilia, Italia.

Vào năm 831, sau khi người Ả-rập đã phá bỏ ngôi mộ của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô tại Lipari và xây lên một ngôi thánh đường tại đó, thì Ngài đã hiện ra với một Đan Sĩ và yêu cầu vị Đan Sĩ này hãy gom tất cả các Thánh Cốt của Ngài lại và mang chúng tới Benevento của Ý (nằm cách Rô-ma 239 km về hướng Đông Nam). Vị Đan Sĩ này đã làm theo, và vào năm 838, ông đã mang các Thánh Cốt của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô tới Benevento. Khi hoàng đế Friedrich II của Đức có ý định muốn phá hủy Benevento thì Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã hiện ra với ông ta và cảnh báo ông ta rằng, ông ta sẽ bị trừng phạt và sẽ phải chết ngay sau đó. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn cản được việc hoàng đế Friedrich II đánh cắp các Thánh Tích của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô và đưa chúng về Frankfurt (Đức Quốc).

Ngay từ thế kỷ thứ V, tại Albayrak của Armenia đã có một trung tâm hành hương thu hút rất nhiều người đến viếng. Các Thánh Tích được cho là của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, đã được bảo quản và tôn kính tại trung tâm hành hương này. Tại Dara, Mesopotamia cũng có một trung tâm hành hương tôn kính các Thánh Tích được cho là của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô.

Theo tương truyền, vào năm 580, một phần Thánh Cốt của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã được chuyển từ Anastasiopolis, tức Beypazari, Ankara, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay, về đảo Lipari của Ý. Và vào năm 838, vì cuộc xâm lăng của người Ả-rập, nên các Thánh Cốt của Ngài lại được chuyển từ đảo Lipari về Benevento. Sau đó, vào năm 983, Hoàng đế Otto II lại mang các Thánh Tích của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô từ Benevento về Rô-ma, nơi các Thánh Tích đó được tôn kính và bảo quản trong một ngôi Thánh Đường với tên gọi là S. Bartolomeo all'isola.

Tại Pháp, vào năm 1030, một Đan Viện Dòng Augustino tên là Creuse thuộc vùng Limoges, mà ngày nay gọi là Benevent-l'Abbaye (Đan Viện Benevent), đã nhận được một phần Thánh Tích của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô từ Benevento của Ý. Vào thế kỷ XI, Eduard der Bekenner đã mang các Thánh Tích của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô tới Canterbury, Anh Quốc. Vào năm 1238, hộp sọ của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã được hoàng đế Friedrich II mang về Nhà Thờ Chính Tòa Frankfurt. Nhà thờ này sau đó đã được đặt tên theo tên của Thánh Nhân, tức Nhà Thờ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô Tông Đồ. Ngay cả Đan Viện Andeschs cũng khoe rằng, họ đang sở hữu một phần Thánh Tích của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô.

Việc tôn kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô chỉ phổ biến trong thế ký thứ X, và từ đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi, đặc biệt là tại các quốc gia Tây Âu, chẳng hạn như Ý, Đức và Pháp. Từ đầu thế kỷ thứ XIII, Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đã được giới họa sĩ và điêu khắc trình bày trong hình ảnh một vị Tông Đồ trên tay cầm một con dao và một cuốn sách. Trong bức họa về Ngày Phán Xét Cuối Cùng của Michelangelos trong nguyện đường Sixtine của Tòa Thánh Vatican, khuôn mặt trên lớp da của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô đang được chính Ngài cầm trên tay, được coi là bức chân dung tự họa của chính họa sĩ Michelangelos.

Cả ba Giáo hội Công giáo, Anh giáo và Tin Lành đều mừng kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô vào ngày 24 tháng 08. Còn Giáo hội Chính Thống thì mừng Lễ Ngài vào ngày 11 tháng 06, và Giáo hội Armenia thì cử hành vào hai ngày trong năm: ngày mồng 09 tháng 04 và ngày 12 tháng 12.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist