KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ai Được Phép Giảng Trong Thánh Lễ? Tại Sao?
Câu hỏi: Thưa cha, con thấy có nhiều nữ tu hay nhiều người giáo dân có kiến thức rất cao về thần học, ngay cả họ là những người có tài hùng biện rất giỏi, tại sao chúng ta không mời họ giảng lễ trong nhà thờ mà chỉ có linh mục, phó tế hoặc giám mục đang dâng lễ mới có thể giảng lễ được?

Trong những thời gian đầu của phụng vụ Kitô giáo, Lời Chúa được theo sau bởi một bài giảng để giải thích ý nghĩa về các bài đọc Kinh Thánh và đưa ra những áp dụng cụ thể cho cuộc sống.

Trong thời gian đầu này của Giáo hội, chỉ có giám mục mới được phép cử hành thánh lễ Chúa Nhật và giảng lễ. Việc giải thích kinh thánh không phải chỉ bắt đầu với giáo hội Công giáo nhưng có nguồn gốc từ phong tục cổ xưa của người Do Thái. Theo sách Erza, Sách luật không chỉ đọc cho dân chúng nghe nhưng các thầy Lêvi còn phải “giúp dân chúng hiểu lề luật "(Neh 8:7). Vì thế sau khi đọc họ còn phải giải thích ý nghĩa, để dân chúng hiểu (Neh 8:8). Các đền thờ Do thái giáo đều theo truyền thống thực hành này. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm việc này (Lk 4:18-30; Mk 1:21; Lk 4:15).

Bài giảng là một hướng dẫn quan trọng để giáo dân hiểu ý nghĩa của các bài đọc và áp dụng vào cuộc sống. Do sự quan trọng này mà công đồng Vatican II dạy rằng bài giảng phải giữ một địa vị cao trọng trong việc dạy dỗ tín hữu. (1) Thế nhưng ai là người được phép giảng lễ và tại sao?

Ai là người giảng lễ.

Chỉ có những người chịu chức thánh trong giáo hội mới có quyền giảng lễ. Những người này là phó tế, linh mục, hay giám mục. Điều này cũng giống như người đọc phúc âm trong thánh lễ.

Trong khi những bài đọc khác của Kinh Thánh có thể được đọc bởi giáo dân hay một tu sĩ, thì chỉ có phó tế, linh mục hoặc giám mục mới có quyền đọc Phúc Âm bởi vì họ là những người được chia sẻ thẩm quyền từ các thánh tông đồ (Mt 28:18-20). Bởi vì Tin mừng là trọng tâm của Kinh thánh, việc dành riêng những người có chức thánh đọc Phúc âm trong thánh lễ nhắc chúng ta rằng Tin mừng “phải được đọc và hiểu theo thầm quyền của đức tin tông truyền.”(2) Điều này giải thích lý do tại sao bài giảng cũng chỉ được giảng chỉ bởi những người có chức thánh.

Trong thực tế có thể một người giáo dân, một vị tu sĩ nào đó có khả năng ăn nói lưu loát hoặc kiến thức thần học cao hơn về một chủ đề thần học nào đó so với vị linh mục hoặc phó tế giảng lễ. Chắc chắn trong nhiều cách khác nhau họ có thể chia sẻ những khả năng đó với dân Chúa thế nhưng đây không phải là mục đích của bài giảng trong thánh lễ.

Trong khi một bài giảng lý tưởng phải rõ ràng, sâu sắc và gần gũi với thực tế nhưng nó không thuộc phải là vấn để của hùng biện. Driscoll, một nhà thần họ phụng vụ, ghi chú rằng bài giảng được trao cho một người có chức thánh có nghĩa rằng đó là một dấu chỉ hoặc một sự bảo đảm rằng bài giảng đang chuyển tải "đức tin tông truyền của Giáo hội chứ không chỉ đơn thuần là những tư tưởng riêng tư và những kinh nghiệm của cá nhân đó.”(3)

Mặc dầu dân Chúa, như là một tổng thể, làm chứng cho đức tin của Giáo hội, tuy nhiên đây là nhiệm vụ của một giám mục phải làm trong tư cách là đấng kế vị các thánh Tông Đồ trong việc truyền đạt đức tin tông truyền. Sự hiệp thông của ngài với Đức thánh cha và những vị giám mục khác trên toàn thế giới là một bằng chứng rõ ràng, và cụ thể đối với đức tin tông truyền. Các linh mục và phó tế, do hiệu quả của bí tích truyền chức, cũng chia sẻ trách nhiệm cụ thể này, do đó chỉ có họ mới có thể công bố tin mừng và giảng lễ.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết

Footnote:

 1. Dei Verbum, no. 24.

2. Jeremy Driscoll., What Happens at Mass, p.51.

3. Jeremy Driscoll, What Happens at Mass, p. 52