KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ấn Tín Toà Giải Tội là gì?
Câu hỏi: Trong ít ngày qua, hai chính phủ tiểu bang Nam Úc và Lãnh Thổ Thủ Đô ACT đã mở rộng việc bắt buộc các linh mục phải báo cáo khi nghe xưng tội. Theo con biết thì vì bảo vệ ấn tín toà giải tội, linh mục không được phép làm điều này. Xin Cha cho chúng con biết thêm về ấn tín toà giải tội. Nói cách khác, nếu một người vào xưng tội thì liệu linh mục có phải đến báo cho cảnh sát về tội mà hồi nhân vừa mới xưng với cha hay không? Tại sao?

Trả lời: Chắc chắn là không vì nếu làm như vậy vị linh mục đó sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. Chúng ta gọi là ấn tín toà giải tội. Với ấn tín này, các linh mục không được xử dụng bất cứ những sự hiểu biết nào trong toà giải tội để làm việc gì cả. Qua Bộ Giáo luật năm 1983, Ðiều 984 quy định: Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm; do đó, tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được tiết lộ về hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì. Điều luật này cũng Tuyệt đối cấm chỉ cha giải tội không được xử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân, cho dù không có nguy cơ tiết lộ." Tại Hoa Kỳ có một vụ kiện khá nổi tiếng liên quan đến việc này.

Vào ngày 22.4.1996, cha Timothy Mockaitis giải tội cho anh Conan Wayne Hale là một tù nhân. Lần giải tội đó, cả linh mục giải tội và người xưng tội không ngờ đã bị ghi âm. Trước khi biến cố này xảy ra, cha cũng không thể ngờ là biến cố này lại tạo ra một nố luật lệ được dùng để chứng minh rằng vi phạm ấn tín tòa giải tội cũng là vi phạm điều khoản tự do thực hành tôn giáo được Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm.

Chính cha Mockatis đã đưa vấn đề này ra kiện trước pháp luật để ngăn cản việc tiết lộ nội dung buổi xưng tội. Cha cũng đòi được hưởng quyền dân sự trong việc bảo vệ sự tư riêng, không những cho Giáo Hội, mà còn cho cả hối nhân nữa. Cha cũng phản kháng về phương diện luân lý và đạo đức, cho rằng hành vi chính quyền cố tình xâm phạm này là một hành động không thể biện minh được.

Tính toàn vẹn của cả Hiến Pháp lẫn việc giải thích rõ rệt của Giáo Luật và truyền thống lâu đời của Giáo Hội về tính tối mật của ấn tòa giải tội đều được trình bày đầy đủ trong vụ kiện. Đây là lần đầu tiên, một cố gắng đã được đưa ra trước tòa án để xác định nguyên tắc rằng: vi phạm ấn tín tòa giải tội cũng là vi phạm Tu Chính Án Thứ Nhất.

Cha Mockaitis cho biết luật pháp Hoa Kỳ vốn bảo vệ nguyên tắc có thể gọi là đặc quyền linh mục và hối nhân giống như đặc quyền luật sư và khách hàng. Cả hai đặc quyền này đều dựa vào dân luật hay luật cổ truyền. Các nhà chức trách dân sự biết đây là một bí tích của Giáo Hội nhưng họ đã bí mật ghi âm nó điều này có nghĩa họ đã vượt quá lằn ranh giữa các giá trị của Giáo Hội và nhà nước.

Theo cha, tại Oregon cho đến năm 1996, nếu một bên, trong trường hợp này là linh mục hay hối nhân, muốn tiết lộ một tin tức gì đó, thì bên kia không có quyền phản đối, mặc dù rất muốn để duy trì đặc quyền. Tuy nhiên điều khác nhau trong trường hợp này là cả hối nhân lẫn cha Mockaitis trong tư cách cha giải tội, đều không biết gì tới việc ghi âm. Bởi thế, ngay từ đầu, rõ ràng đặc quyền linh mục và hối nhân đã bị vi phạm.

Một điều đáng ghi nhận là vì vụ kiện này, khoảng hai năm sau, tiểu bang Oregon lại lặp lại đặc quyền linh mục và hối nhân để bảo vệ các linh mục nào hay bất cứ thành phần nào của hàng giáo sĩ muốn đòi quyền miễn nhiễm khỏi phải ra làm chứng công khai nếu linh mục ấy hay tổ chức tôn giáo của ngài muốn bảo toàn sự riêng tư.

Trả lời câu hỏi liệu có tiền lệ nào trong đó ấn tòa giải tội đã bị vi phạm chưa, cha Mockaitis cho hay: tại Hoa kỳ, chưa có biến cố nào được mô tả là “ấn tín” đã được nêu ra trước một tòa án dân sự. Cha không tin việc nghe lén các câu truyện giữa linh mục và các hối nhân sẽ gia tăng trong tương lai. Tuy nhiên, việc tiết lộ sự thật và các giới hạn mà luật pháp cho phép giữa thẩm quyền dân sự và hàng giáo sĩ đang bị đẩy xuống mức càng ngày càng hạn hẹp. Trong nhiều trường hợp, đã vượt quá lòng kính trọng nghề nghiệp và càng ngày càng đạt tới mức quá xâm phạm và bất kính.

Về lý do tại sao lại có ấn tòa giải tội trong khi ngày xưa các hối nhân xưng tội công khai, cha Mockaitis cho rằng ấn tòa giải tội được biện minh một cách đầy đủ nhất qua việc bảo vệ toàn vẹn tính của bí tích hòa giải cũng như sự an toàn và lòng tôn trọng đối với hối nhân. Dù trong các thế kỷ đầu của lịch sử Kitô Giáo, chúng ta vốn có việc nghe hối nhân công khai nhìn nhận các tội lỗi của mình và làm việc đền tội trước mặt mọi người, nhưng vẫn có người e ngại về đời tư của mình bị phao đồn, bàn tán. Bởi thế mới có ấn tín tòa giải tội để bảo đảm rằng bất cứ điều gì được trao đổi giữa linh mục và hối nhân mãi mãi phải được giữ bí mật. Tin tưởng vào điều đó, hối nhân sẽ hoàn toàn tin tưởng nói hết và nói trung thực về những chiến đấu gay go của họ đối với tội lỗi. Ấn tín tạo ra một môi trường mà trong đó, hối nhân sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa nhân từ.

Có người cho rằng vì công ích, tại sao lại không tiết lộ bí mật ở tòa giải tội? Há các linh mục đã không khích lệ các phạm nhân tự cung khai với cảnh sát coi đó như một việc đền tội đó sao?

Cha Mockaitis hỏi lại: ích lợi nào lớn hơn ích lợi nào? Ích lợi phần hồn của hối nhân hay chứng cớ để buộc tội một cá nhân? Theo cha, dù sự an toàn của các công dân là điều chủ yếu đối với công ích, nhưng thử hỏi ngoài việc xâm phạm tới niềm tin cậy thánh thiêng vốn có trong bí tích há lại không có những cách nào khác vừa hợp đạo đức vừa hợp pháp để tìm ra bằng chứng hay sao? Nếu là những người không phải Công giáo, chính quyền phải làm gì để tìm ra sự thật bởi vì họ không có bí tích hoà giải? Như vậy phải chăng vấn đề ở đây không phải là vấn đề tìm ra sự thật nhưng là cố tình để phá đổ bí tích của một tôn giáo?


Các nhà chấp pháp từng khai triển ra vô số cách thức để tìm bằng chứng để kết tội hay thanh minh cho một cá nhân, đâu cần phải dùng việc nghe lén cuộc đàm thoại giữa linh mục và hối nhân như là một phương pháp điều tra. Về việc đền tội, mục đích của đền tội là đền bù các thiệt hại do tội gây ra, nên hối nhân có thể nhận thấy việc tự thú với nhà cầm quyền là một cách thích hợp để được tha thứ. Nhưng nếu một cá nhân đến với bí tích một cách có chuẩn bị và thành thực tìm kiếm hòa giải, thì linh mục buộc phải tiến hành bổn phận với tư cách mục tử linh hồn, chứ không với tư cách cảnh sát.  Thêm vào đó khuyên hối nhân tự thú với cảnh sát khác xa với việc đem điều hối nhân nói với linh mục trong bí tích giải tội tường trình cho cảnh sát. Hối nhân nói hay không là quyền tự do của họ. Lúc ấy không còn là việc của bí tích nữa.

Cha Mockaitis cho rằng truyền thông cũng hiểu điều đó, nên vụ việc này được họ theo dõi khá nhiều. Người thiện chí biết rằng đây không phải chỉ là vấn đề riêng cho người Công Giáo, hay cho bí tích mà thôi, mà đúng hơn là vấn đề bảo vệ hiến pháp về lâu về dài.

ĐTGM Coleridge, tổng giáo phận Brisbane, và là chủ tịch hội đồng giám mục Úc nhận định về vấn đề bảo vệ trẻ em, Ấn Tín Toà Cáo Giải nên được nhìn một cách khác “bởi vì người đến toà cáo giải không xưng tội với linh mục mà xưng tội với Chúa, linh mục chỉ là người trung gian”.

Lập trường này đã được Hội Đồng Giám Mục Úc khẳng định giữa lúc nghị viện Lãnh Thổ Thủ Đô ACT vừa thông qua dự luật đòi các linh mục phải vượt trên Ấn Tín Toà Cáo Giải để khai báo các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, nếu không sẽ bị coi là phạm pháp.

ĐTGM Mark Coleridge mô tả đạo luật mới là “quá sớm và thiếu cân nhắc” và xem ra chỉ có mục đích trừng phạt giáo hội công giáo mà “không cứu xét nghiêm chỉnh những hệ luỵ của quyết định này”.

Ngài nhấn mạnh “đạo luật mới không hiểu thực tế xảy ra giữa linh mục và người lãnh nhận bí tích”.

Đồng quan niệm đó, ĐTGM Anthony Fisher, TGP Sydney cho rằng trong khi tất cả chúng ta đều đồng ý là sự an toàn của trẻ em (và giới trẻ) có một tầm quan trọng lớn lao, thế nhưng việc tước bỏ đặc quyền giữa linh mục và tội nhân về mặt luật pháp và đòi phải báo cáo nội dụng xưng tội sẽ không có tác dụng đối với sự an toàn của trẻ thơ cũng như sẽ làm cho trẻ em bớt an toàn hơn. Ngài đưa ra lý do rằng

Thứ nhất, bởi vì những kẻ gây ra tội ác tầy đình này rất ít khi tìm đến toà cáo giải và nếu việc bắt buộc phải báo cáo nội dung xưng tội được áp dụng thì hầu như chắc chắc họ sẽ không đi xưng tội. Do đó sẽ không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của trẻ em.

Thứ hai, bởi vì bất cứ thủ phạm nào có ý định xưng tội, thì hầu như chắc chắn họ sẽ làm điều đó một cách ẩn danh, như vậy sẽ không thể có chuyện bắt buộc phải báo cáo. Và như thế trẻ em cũng không được an toàn hơn.

Thứ ba, khi sự tin tưởng đặt để trên sự bảo mật tuyêt đối nơi toà cáo giải bị suy yếu, thì bất cứ cơ hội nào để thủ phạm phải đối diện với tội ác của mình qua toà cáo giải sẽ bị mất và bất cứ cơ hội nào mà quyền lực của linh mục trong vai trò người giải tội có ảnh hưởng trên tội nhân về sự nghiêm trọng trong hành động của họ, trách nhiệm tự báo cáo cho giới hữu trách và tìm đến các chuyên gia để được giúp đỡ cũng sẽ mất, từ đó trẻ em sẽ mất an toàn hơn.

Thứ tư, khi sự tin tưởng đặt để trên sự bảo mật tuyêt đối nơi toà cáo giải bị suy yếu, thì bất cứ một cơ may nào mà nạn nhân có thể đề cập đến điều đó nơi toà cáo giải cho một linh mục sẽ bị giảm thiểu nghiêm trọng, bất cứ một cơ may nào mà quyền lực của linh mục trong vai trò người giải tội có ảnh hưởng trên nạn nhân về nhu cầu cần báo cáo cho người lớn có trách nhiệm (bên ngoài toà cáo giải) thì sự an toàn cũng sẽ bị mất. Trẻ em cũng sẽ không được an toàn hơn.

Điều nghịch lý là trong khi những kẻ tìm cách loại bỏ đặc quyền nơi toà cáo giải với hy vọng rằng trẻ em sẽ được an toàn hơn, thế nhưng ảnh hưởng thực tế là trẻ em sẽ bớt sự an toàn. Qua việc huỷ bỏ Ấn Tín Toà Cáo Giải, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội hiếm có để hướng dẫn can phạm hoặc nạn nhân đến giới hữu trách và những nơi giúp đỡ.

Theo truyền thống của Đạo Công Giáo, các linh mục được đòi hỏi sẵn sàng chịu trừng phạt thậm chí chịu tử đạo hơn là vi phạm Ấn Tín Toà Cáo Giải. Giáo dân cũng mong chờ điều này nơi các linh mục.

Nước Úc phân định một cách đúng đắn và rõ ràng giữa “Giáo Hội” và “Nhà Nước”. Tuy nhiên qua việc đòi các linh mục phải huỷ bỏ Ấn Tín Toà Cáo giải, Chính phủ đã xâm phạm vào lãnh vực “thánh thiêng”. Việc không công nhận đặc quyền nơi Toà Cáo Giải sẽ đi ngược lại với những quy tắc có từ lâu. Việc ép buộc các linh mục vi phạm Ấn Tín Toà Cáo Giải là bắt buộc họ phải hành động đi ngược lại với những nguyên lý căn bản của niềm tin.

 

 LM FX Nguyễn VănTuyết