KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đau Khổ của chúng ta có một vai trò quan trọng trong sự Chiến Thắng của Chúa.
Câu hỏi: Thưa cha, con luôn thắc mắc đâu là ý nghĩa mà thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Colosê rằng ngài bù đắp những gì còn thiếu nơi nỗi quẫn bách của Đức Kitô. Bởi vì con tin là Chúa hoàn tất mọi việc khi còn ở trần gian?

 
Trả lời: Trước tiên, chúng ta cần đọc nguyên văn câu nói của thánh Phaolô đã được ám chỉ trong câu hỏi: Nay tôi vui sướng trong các nỗi đau khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu vì Thân mình Ngài, tức là Hội thánh (Col. 1.24).

Chắc chắn Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi việc, không có gì thiếu sót để bù đắp thêm vào sự đau khổ mà Người phải chịu vì giáo hội. Sự đau khổ này đủ để cứu chuộc tất cả nhân loại thuộc mọi thời đại. Điều này được ám chỉ trong lời nói cuối cùng của Người trên thánh giá: Mọi sự đã hoàn tất (Jn 19:30). Như vậy thì đâu là ý nghĩa khi thánh Phaolô nói rằng ngài bù đắp những gì còn thiếu trong nỗi quẩn bách của Chúa Giêsu?

Để dễ hiểu, chúng ta cần phân biệt giữa cứu chuộc khách quan và cứu chuộc chủ quan. Cứu chuộc khách quan được thực hiện bởi Chúa Giêsu để chuộc tội cho nhân loại qua việc khổ nạn và chết trên Thánh giá.

Cứu chuộc khách quan đã được hoàn thành đầy đủ trên núi Canvê. Trong ý nghĩa này, chúng ta nói rằng nhân loại được cứu chuộc nhờ cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng mọi cá nhân sẽ được cứu chuộc và lên thiên đàng. Cứu chuộc chủ quan là việc gắn liền các giá trị Thương Khó của Chúa Kitô với các linh hồn của mọi thời đại.

Công việc này vẫn đang tiến hành và sẽ kết thúc vào ngày tận thế. Nếu không có nó, một cá nhân không thể vào thiên đàng. Đây là lý do ý nghĩa của câu nói của thánh Phaolô “những gì còn thiếu nơi các nổi quẩn bách Đức Kitô.”

Thánh Anphongxô Liguori chú giải như sau: Phải chăng sự thương khó của Chúa không hoàn toàn cứu độ chúng ta? Thưa rằng việc này đã hoàn tất và không còn có gì để được làm thêm, nó hoàn toàn đầy đủ để cứu độ mọi người. Tuy nhiên, vì giá trị của sự thương khó được gắn liền vào chúng ta, theo thánh Thôma Aquina (Sth 3,49,3), chúng ta cần họp tác (cứu chuộc chủ quan) bằng cách kiên nhẫn chấp nhận những thử thách Chúa gởi đến cho chúng ta, để trở nên giống Chúa Giêsu, Đầu nhiệm thể (Thoughts on the Passion, no.10).

Thánh Phaolô áp dụng chân lý này cho chính ngài. Ngài tìm cách bước theo Chúa Giêsu bằng cách nhận lấy Thánh giá để tiếp tục công việc mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II viết rằng chia sẻ sự đau khổ của Chúa Kitô mang lại cho một cá nhân “một sự chắc chắn rằng trong chiều kích tâm linh công việc cứu chuộc mà cá nhân đó đang phục vụ, giống như Chúa Giêsu, ơn cứu chuộc của anh chị em dành cho người đó…đây là những đau khổ, hơn bất cứ điều gì khác, dẫn đến ân sủng biến đổi các linh hồn. Đau khổ, hơn mọi điều khác, làm cho lịch sử nhân loại hiện diện trong sức mạnh của Ơn Cứu Chuộc (Salvifici doloris, 27).

Một cách khác để nhìn thấy khía cạnh này là Chúa Giêsu có thể được hiểu trong cả thân thể thể lý và thân thể mầu nhiệm của Giáo hội mà Người là đầu. Đầu nhiệm thể đã đau khổ để cứu chuộc chúng ta nhưng hiện nay điều này tuỳ vào chúng ta, là chi thể của thân thể của Người, chia sẻ trong sự đau khổ để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ. Chúng ta cũng có thể dâng hiến sự đau khổ của mình cho người khác, để họ cũng được biến đổi và bắt đầu tiến trình làm việc cho ơn cứu độ của chính họ.

Thánh Augustinô nói “Anh chị em, thành viên của thân thể Chúa Kitô, đau khổ để được góp phần vào sự đau khổ của anh chị em cho toàn thể sự đau khổ của Chúa Kitô, đấng chịu đau khổ trong đầu nhiệm thể và đau khổ trong các chi thể của Người, chính là chúng ta” (Enarr. in Ps 62:4). Ở đây “đau khổ của Chúa Kitô” là những đau khổ của các chi thể của thân thể mầu nhiệm của Người phải trải qua cho đến ngày tận thế.

Trong ý nghĩa này, thánh Phaolô nhìn xiềng xích tù ngục của Người và nhìn đau khổ của chính ngài như là cách mà ngài có thể truyền đạt những đau khổ của Chúa Kitô cho các linh hồn của người khác và nhờ đó mang lại việc hoàn tất đối với sự thương khó trong một cách thức ngoại tại.

Đây là cách chúng ta có thể hiểu lời của thánh Phaolô “Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Ðức Kitô phải chịu vì Thân mình Ngài, tức là Hội thánh” (Col. 1.24).

 

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết