KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đâu Là Cử Chỉ Nói Lên Tin Mừng Là Cao Điềm Của Phụng Vụ Lời Chúa?
Câu hỏi: Thưa cha, cao điểm của các bài đọc là Tin Mừng. Cha có thể cho chúng con biết vị trí đặc biệt của tin mừng trong thánh lễ như thế nào?

 

Trả lời

Tin Mừng

Trong khi toàn bộ kinh thánh được linh ứng, Công đồng Vatican II dạy rằng các sách Phúc Âm có một “chỗ đứng đặc biệt…bởi vì chúng là nguồn chính của chúng ta về cuộc sống và những lời dạy bảo của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Độ chúng ta” (1). Thánh lễ phản ảnh tính ưu việt này. Để ý đến cách mà phụng vụ thực hiện, chúng ta sẽ thấy sự tôn kính đặc biệt khi đọc Phúc Âm. Cụ thể khi đọc Phúc âm, các linh mục, phó tế và giáo dân làm những cử chỉ mà họ không bao giờ làm khi các bài đọc khác được đọc.

Những cử chỉ đó là:

Đứng: Đầu tiên, người dân đứng lên để chào đón Chúa Giêsu, Đấng chuẩn bị được công bố trong bài Tin Mừng. Đứng là cử chỉ tôn kính của người Do Thái cổ xưa khi Ezra viên kỷ lục, đọc Sách Luật của Chúa (Neh 8:5). Cho nên đang lúc chuẩn bị để nghe Chúa Giêsu nói cho chúng ta trong Tin mừng, thật là thích hợp để chúng ta chào đón Người theo cách này để biểu lộ sự sùng kính và sự sẵn sàng của chúng ta khi lắng nghe tiếng Chúa.

Alleluia: mọi người thưa Alleluia. Lời xưng hô này, theo nghĩa Do Thái, là một sự biểu lộ của vui mừng. Lời xưng hô này không được dùng trong mùa chay. Lời xưng hô được tìm thấy vào đầu hoặc cuối của nhiều thánh vịnh (Tv 104-106,; 111-113; 115-117; 146-150). Theo thị kiến của thánh Gioan trong sách Khải Huyền, nó được dùng bởi các thiên thần trên thiên đàng để ca tụng Thiên Chúa vì công cuộc cứu độ của Người và công bố việc ngự đến của Chúa Giêsu cho nhân loại trong buổi tiệc cưới Con Chiên (Kh 19:1-9). Vì thế lời xưng hô này thật thích hợp để chào đón Chúa Giêsu Đấng sẽ đến với chúng ta trong Tin mừng.

Cung nghinh Phúc Âm: Trong khi hát Alleluia, phó tế hoặc linh mục bắt đầu đến bàn thánh, nhận quyển Kinh Thánh, đi đến bục giảng để công bố. Những em giúp lễ mang nến và hương theo Sách Phúc âm trong cuộc rước này, nhắm nhấn mạnh tính nghiêm trọng của những gì sắp xảy ra. Trong khi hát kinh Alleluia, linh mục chủ tế bỏ hương, nếu có xông hương. Điều quan trọng cần lưu ý, linh mục chỉ bỏ hương đang lúc xướng Allelluia chứ không phải lúc đang đọc bài đọc hai lúc mà tất cả mọi người phải lắng nghe tiếng Chúa.

Nếu chủ tế là giám mục, thì linh mục hoặc phó tế phải đến cúi mình trước vị giám mục chủ tế để xin chúc lành. Sau khi đọc Phúc Âm, người đọc phải mang phúc âm đến để đức cha chủ tế hôn.

Nếu người đọc Tin Mừng là phó tế thì đến cúi mình trước linh mục xin phép lành, đọc nhỏ tiếng rằng: Xin cha chúc lành cho con. Linh mục chủ tế đọc nhỏ tiếng rằng: Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy xứng đáng công bố Tin Mừng của Chúa: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Phó tế làm dấu thánh giá và thưa Amen.

Nếu không có phó thế, linh mục đến cúi mình trước bàn thờ thinh lặng cầu nguyện với những lời như sau: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa. Lời nguyện này nhắc lại cách mà môi miệng của tiên tri Isaiah cần phải được thanh tẩy trước khi ngài công bố lời Chúa cho dân Do Thái. Khi thiên thần chạm vào miệng của ngài với cục than đang cháy, tội của Isaiah được tha thứ và ngài được gọi để bắt đầu sứ vụ tiên tri của ngài.

Dấu Thánh Giá: Sau lời chào Chúa ở cùng anh chị em, linh mục hoặc phó tế công bố tin mừng – Khi tuyên bố Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh… các ngài làm dấu thánh giá từ trên trán, đến miệng, ngực và trên sách phúc âm. Giáo dân cũng làm ba dấu thánh giá như thế trên người của họ, đây là nghi thức mà chúng ta thánh hoá những tư tưởng, lời nói, việc làm của mình đối với thiên Chúa, cầu xin rằng Lời của Chúa trong tin mừng luôn ở trong tâm trí, miệng lưỡi, và tâm hồn chúng ta.

Sau khi công bố tin mừng, linh mục hoặc phó tế hôn sách phúc âm mà họ đang đọc. Nếu là giám mục, chủ tế, linh mục hoặc phó tế đọc Phúc âm phải mang Phúc âm đó đến để ngài hôn.

Gặp gỡ Chúa Kitô. Tất cả những nghi thức – đứng, xướng Alleluia, cung nghinh Phúc Âm, đèn cầy, xông hương, và dấu thánh giá – nói rằng chúng ta đang bước đến một thời điểm quan trọng nhất của thánh lễ. Và rằng cao điểm cuối cùng là khi Tin mừng được công bố. Những bài đọc Tin Mừng không chỉ đơn giản là những câu chuyện của quá khứ, một bản ghi chép về những tưởng nhớ về Chúa Giêsu. Vì tin mừng được tác động bởi Thiên Chúa, do đó Tin Mừng là chính lời Chúa nói về cuộc sống của Chúa Kitô. Như Giáo Hội dạy, khi Kinh Thánh được đọc trong nhà thờ, chính Chúa nói cho dân Người, và Chúa Kitô, hiện diện trong chính lời của Người, đang công bố tin mừng (2).

Công bố Tin Mừng vì thế, làm cho cuộc sống của Chúa Kitô hiện diện với chúng ta trong một cách thức sâu xa. Chúng ta không phải là những khán giả đang đứng trong hàng ghế nghe về những gì Chúa đã một lần nói và làm trong quá khứ tại Palestine. Chúng ta không lắng nghe về một bản tường trình về Chúa Giêsu hoặc một bài giảng thuyết về một nhân vật nổi tiếng của thế kỷ thứ nhất. Chúa Kitô nói một cách cá nhân cho mỗi người chúng ta qua những lời được linh ứng trong Tin Mừng. Chúng ta không chỉ nghe về Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy ăn năn thống hối và theo Người, nhưng chúng ta nghe chính Chúa Giêsu nói với chúng ta hãy ăn năn thống hối vì nước trời đã gần đến (Mt 4:17). Chúng ta không chỉ nghe về Chúa Giêsu tha thứ người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình. Nhưng chúng ta nghe Chúa nói với chúng ta hãy hối lỗi về tội lỗi mà chúng ta đã phạm, Ta cũng không lên án bà, hãy đi và đừng phạm tội nữa (Jn 8:11).

 

LM FX Nguyễn Văn Tuyết

[1] Dei Verbum, no. 18.

[2] General Instruction of the Roman Missal, no 29.