KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đâu Là Ý Nghĩa Của Kinh Vinh Danh Trong Thánh Lễ?
Chúng ta hát kinh vinh danh vào đầu thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng – ngoại trừ mùa chay và mùa vọng – Ý nghĩa là trong mỗi thánh lễ, mầu nhiệm giáng sinh một lần nữa hiện diện.

Câu hỏi: Theo con biết Kinh Vinh Danh là phần cuối của nghi thức đầu lễ trước khi bắt đầu phần phụng vụ Lời Chúa. Xin cha cho chúng con biết ý nghĩa của Kinh Vinh Danh. Cảm ơn cha.

Tóm tắt: Câu mở đầu của Kinh Vinh Danh được lấy ra từ những lời ca ngợi của các thiên thần tại cánh đồng Bêlem, công bố cho các mục đồng về tin mừng Chúa giáng sinh: Vinh danh thiên chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm (Lk 2:14). Chúng ta hát kinh vinh danh vào đầu thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng – ngoại trừ mùa chay và mùa vọng – Ý nghĩa là trong mỗi thánh lễ, mầu nhiệm giáng sinh một lần nữa hiện diện.

Giải thích:  

Sau kinh thương xót cung điệu của phụng vụ giờ đây chuyển từ sám hối ăn năn sang vui mừng khi chúng ta xướng Kinh Vinh Danh. Câu mở đầu của Kinh Vinh Danh được lấy ra từ những lời ca ngợi của các thiên thần tại cánh đồng Bêlem, công bố cho các mục đồng về tin mừng Chúa giáng sinh: Vinh danh thiên chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm (Lk 2:14).

Chúng ta hát kinh vinh danh vào đầu thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng – ngoại trừ mùa chay và mùa vọng – Ý nghĩa là trong mỗi thánh lễ, mầu nhiệm giáng sinh một lần nữa hiện diện. Giống như Thiên Chúa tỏ hiện cho thế giới trong Hài Nhi Giêsu hơn 2000 qua, để ngài được hiện diện một cách bí tích trên bàn thờ trong mỗi thánh lễ. Vì thế chúng ta chuẩn bị chính mình để chào đón Chúa Giêsu bằng cách lập lại cùng lời ngợi khen mà các thiên thần đã dùng để đưa tin cho việc ngự đến của Chúa Giêsu tại Bêlem.

Truyền thống Kinh Thánh Moisaic.

Phần còn lại của kinh Vinh Danh tiếp tục được tô đậm với những lời lấy từ Thánh Kinh. Bất cứ kitô hữu nào cũng nhận ra ý nghĩa thánh kinh từ mỗi câu của kinh Vinh Danh. Khi hát kinh vinh danh chúng ta hiệp thông với các thánh trong suốt lịch sử cứu độ, ngay cả với các thiên thần và các thánh trên thiên đàng, trong lời tán tụng mà họ dành cho Thiên Chúa vì công việc cứu độ và vinh quang của Người.

Lời cầu nguyện tiếp theo là mô hình Chúa Ba Ngôi, bắt đầu với lời tán tụng Chúa Cha đấng được xưng tụng là Thiên Chúa, Là cha toàn năng, và là vua trên trời – Đây là hai danh hiệu thông dụng trong kinh thánh dành cho Thiên Chúa. Đấng được gọi là Thiên Chúa Tối Cao (St 17:1; Xh 6:3) hoặc Thiên Chúa Toàn Năng (Bar 3:1; 2 Cor 6:18) hay chỉ đơn giản là Đấng Toàn Năng (Tv 68:14; 91:1). Trong sách Khải huyền, thiên thần và các thánh ca tụng Người là Thiên Chúa Toàn Năng (Kh 4:8; 11:17; 15:3; 19:6).

Tương tự, Kinh Vinh Danh ca tụng Thiên Chúa như là vua trên trời, cũng ám chỉ đến sự toàn năng của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, Thiên chúa được diễn tả như là vua (Tv 98:6; 99:4; Is 43:15), Vua của Israel (Is 44:6). Vua vinh quang (Tv 24:7-10), và ngay cả Vua trên các chúa (Tv 95:3). Xưng hô Thiên Chúa là Vua trong Kinh Vinh Danh, chúng ta nhìn nhận Người như là Vua các vua và biểu lộ sự chấp nhận của chúng ta về vương quyền của người trong cuộc sống.

Chúa Cha đầu tiên.

Xưng hô Thiên Chúa là Đấng tối cao và Vua Trên Trời trong kinh Vinh Danh, chúng ta ca ngợi vì vương quyền toàn năng của Người bao phủ cả trên trời dưới thế. Khi xưng tụng Chúa là Đấng tối cao và là vua trên trời chúng ta không dừng lại ở chỗ chỉ để ý đến quyền năng và vương quyền của Chúa nhưng còn tiếp tục ca tụng Người như là Cha trên thiên đàng. Nếu Chúa chỉ là một vị vua đầy quyền năng chúng ta có thể có một ấn tượng rằng Người có thể giống như một nhà độc tài chuyên quyền độc đoán làm bất cứ điều gì Người thích. Nhưng Thiên Chúa còn được gọi là Cha toàn năng. Giống như mọi người cha hiền lành luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái. Chính sự hài hoà tuyệt hảo giữa quyền năng và tình yêu này mà Chúa luôn tìm kiếm những gì tốt nhất và cung cấp tất cả những nhu cầu cần thiết cho chúng ta- con cái của Người.

Một câu chuyện trong ba hồi.

Phần kế tiếp của Kinh Vinh Danh kể về câu chuyện của Chúa Kitô. Giống như ba hồi của một vỡ kịch, kinh Vinh Danh tổng hợp câu chuyện về việc cứu chuộc của Chúa Kitô từ (1) việc ngự đến, (2) chịu chết cho đến (3) sự sống lại vinh quang và lên trời.

Lạy con một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô.

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha.

Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con;

Chúa xoá tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.

Chúa ngự bên hữu Đức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.

Trong hồi một Chúa Giêsu được nói đến như là Con Đức Chúa Cha và Chúa Giêsu, là những tước hiệu được lập lại nhiều lần trong Tân ước (Jn 5:17; 10:30-38; 2 Cor 1:19; Col 1:13; Heb 1:1-2). Những tước hiệu này vang vọng trong phần mở đầu của Tin Mừng Thứ Tư tập trung chú ý về việc Nhập Thể - Con Thiên Chúa trở thành người phàm. Gioan bắt đầu tin mừng của ngài bằng cách phản ảnh Ngôi Lời hằng sống là Thiên Chúa, Đấng ở với Chúa Cha từ ban đầu và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (Jn 1:1-4).

Tại cao điểm của suy niệm này, thánh Gioan công bố rằng Ngôi lời vĩnh cửu này trở thành người và ở giữa chúng ta (Jn 1:14). Thiên Chúa của vũ trụ thực sự nhận lấy bản tính nhân loại! Thánh Gioan, một nhân chứng đối với cuộc sống của Chúa Giêsu, tiếp tục nói về Chúa Giêsu rằng Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật (Jn 1: 14).

Vì vậy khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trong kinh Vinh Danh, chúng ta nhìn nhận người không chỉ là một người Thầy, một Đấng Thiên Sai, một tiên tri được Chúa gởi đến nhưng là Con Thiên Chúa, Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng trở thành người phàm và ở giữa chúng ta.

Chiên Thiên Chúa và Vua Đấng tối cao.

Hồi hai của kinh Vinh Danh ám chỉ đến Chúa Giêsu như là Chiên Thiên Chúa hướng về sứ vụ cứu chuộc của Người. Điều này nhắc lại chủ đề về việc chiến thắng tội lỗi của Con Chiên và ma quỷ trong sách Khải Huyền (Kh 5:6-14; 12:11; 17:14) và việc thờ phượng Con Chiên bởi các thiên thần và các thánh trên thiên đàng (Kh 5:8, 12-13; 7:9-10; 14:1-3). Khi tuyên xưng chúa Giêsu với những danh hiệu này trong kinh Vinh Danh, chúng ta cùng thông hiệp thờ phượng Con Chiên như đã được mạc khải trong sách Khải huyền.

Kinh Vinh Danh cũng tuyên xưng Chúa Giêsu như là Chiên Thiên Chúa…Đấng xoá tội trần gian. Câu này lập lại những lời tiên tri của Gioan Tẩy Giả khi gặp Chúa Giêsu lần đầu (Jn 1:29). Những lời này mạc khải Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua mới, Đấng dâng mạng sống trên thánh giá vì tội lỗi chúng ta. Như chiên được hiến tế trong đêm Vượt qua đầu tiên tại Ai Cập để cứu dân Israel khỏi chết thế nào thì Chúa Giêsu, Chiên Vượt Qua mới, Đấng hiến tế trên đồi Can-vê để cứu toàn thể nhân loại từ sự chết bởi tội lỗi cũng vậy.

Cuối cùng hồi ba trong Kinh Vinh Danh dẫn chúng ta đến việc ca tụng Chúa Giêsu trong địa vị duy nhất về quyền năng của Người trên Thiên đàng – “Ngự bên hữu Đức Chúa Cha.” Lời ca tụng này gợi lại cho chúng ta tường thuật của tin mừng Máccô về việc Chúa lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha (Mk 16:19). Trong kinh thánh, tay hữu có ý nghĩa là vị trí của quyền lực (Tv 110:1; Dt 1:13). Trong Kinh Vinh Danh, chúng ta trở thành chứng nhân về vương quyền của Chúa Giêsu trên thiên đàng và dưới thế và vương quốc của Người sẽ không bao giờ cùng tận (Dn 7:14) Chúng ta khiêm nhường cầu xin Chúa nhận lấy lời chúng ta cầu xin và thương xót chúng con.

Để ý đến cách mà toàn thế sứ vụ của Chúa được tổng hợp trong phần này của Kinh Vinh Danh. Bắt đầu từ việc Nhập thể đến mầu nhiệm Vượt Qua, đến việc tôn vương của Người trên thiên đàng, chúng ta đi từ việc ca tụng Chúa Giêsu “Con Một” Chúa Cha Đấng trở thành người phàm và ở giữa chúng ta, thờ phượng Người như là Chiên Thiên Chúa đấng do sự hi sinh của Người đã xóa tội trần gian; Ca tụng chiến thắng khải hoàng trên tội lỗi và khi Người được ngồi bên hữu Chúa Cha. Thực sự tất cả những cao điểm của lịch sử cứu độ có thể nói đã được tóm lượt trong Kinh Vinh Danh.

Kinh Vinh Danh kết thúc với việc nhắc đến Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu được ca tụng với Chúa Thánh Thần, trong vinh quang đức Chúa Cha. Vì thể lời kinh cô đọng cực điểm với sự kính trọng dâng lên Chúa Ba Ngôi. Sau kinh Vinh Danh, linh mục mời mọi người cầu nguyện được gọi là Cầu nguyện nhập lễ. Lời cầu nguyện này tổng họp toàn bộ ý chỉ của thánh lễ và kết thúc nghi thức đầu lễ.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyêt