KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đâu là Ý Nghĩa của Việc Bẻ Bánh và Bỏ Một Miếng Nhỏ Vào Rượu?
Câu hỏi: Thưa cha trước khi rước lễ con thấy linh mục chủ tế cầm Mình Thánh Chúa bẻ ra và bỏ vào một miếng nhỏ vào chén rượu. Cha có thể cho chúng con biết ý nghĩa và đâu là truyền thống của nghi thức này? Cảm ơn cha.

Bẻ Bánh, Bỏ bánh và rượu và Lạy Chiên thiên Chúa.

Phần này của thánh lễ bao gồm ba nghi thức mà chúng ta gọi là nghi thức bẻ bánh, hoà bánh vào rượu và đọc lời nguyện Lạy Chiên Thiên Chúa. Lúc này linh mục bẻ Mình Thánh Chúa trong một hành động biểu tượng được biết đến như là Bẻ Bánh đánh dấu một nghi thức ngay lúc khởi đầu của bữa tiệc mà trong đó vị chủ nhà cầm lấy bánh, đọc chúc tụng, và bẻ bánh và chia sẻ cho những người đang hiện diện. Sự diễn tả này có một ý nghĩa quan trọng đối với các Kitô hữu tiên khởi những người đã liên kết việc này với Bí tích thánh thể.

Các sách Tin Mừng tường trình bốn lần về việc chính Chúa Giêsu đã bẻ bánh. Hai lần đầu là lúc Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều (Mt 14:19; 15:36; Mk 6:41; 8:6; Lk 9:16).Tin mừng thánh Mathêu đặc biệt cho chúng ta thấy cách mà phép lạ này ám chỉ đến Bí Tích Thánh Thể. Trước khi cho đám đông ăn, Chúa cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra, và đưa cho các tông đồ phân phát cho đám đông (Mt 14:19).

Thánh Mathêu sau này dùng cùng bốn động từ này khi tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly. Đây là lần thứ ba Chúa bẻ bánh (Mt 26:26; Mk 14:22; lk 22:19; 1 Cor 11:24). Chúa cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Hãy cầm lấy bánh mà ăn, này là mình Ta (Mt 26:26). Với những động từ nối kết này, thánh Mathêu nhấn mạnh cách mà việc hoá bánh ra nhiều miêu tả trước về phép lạ vĩ đại hơn của Bí Tích Thánh Thể.

Trong quá khứ, Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho đám đông ăn. Trong bí tích thánh thể, Người cống hiến bánh siêu nhiên, Bánh Sự Sống của Thánh Thể, để nuôi dưỡng cho một số người đông hơn, toàn thể Kitô hữu trên toàn thế giới và trong nhiều thời đại.

Trường hợp thứ tư là lúc Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emau. Đầu tiên họ không nhận ra Người đang cùng đi với họ là Chúa Giêsu, nhưng họ nhận ra Chúa khi Người cầm bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ (Lk 24:30).

Bẻ bánh trong thời kỳ giáo hội tiên khởi.

Sách Tông Đồ Công Vụ diễn tả cách mà Giáo Hội tiên khởi tụ họp lại để bẻ bánh – Từ ngữ bẻ bánh đã trở bên quen thuộc liên quan đến Bí tích Thánh Thể trong các sách Tin Mừng và trong các thư của thánh Phaolô.

Một thời gian khá lâu trước khi các nhà thờ và vương cung thánh đường được xây dựng. Các Kitô hữu đầu tiên tại Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa bằng việc tụ họp tại các đền thờ và tại các gia đình của họ để bẻ bánh (CVTĐ 2:46).

Tương tự như vậy, sách Công Vụ Tông dồ cũng tường thuật rằng trong thời gian đó và tại những vùng đất cách xa Giêrusalem, các Kitô hữu theo thánh Phaolô tại Troas cũng tụ họp với ngài vào ngày đầu tiên của tuần lễ “để bẻ bánh” (CVTĐ 20:7, 11).

Việc tụ họp để bẻ bánh quan trọng đến nổi, sách Công Vụ Tông Đồ cho biết đây là một trong bốn đặc tính chính yếu của cuộc sống các Kitô hữu tiên khởi như sau: Họ chuyên cần với giáo huấn của các tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện (CVTĐ 2:42). Thánh Phaolô không chỉ dùng sự biểu tượng của việc bẻ bánh để diễn tả Bí Tích Thánh Thể. Ngài cũng nhận ra biểu tượng phong phú trong nghi thức của việc nhiều người tham dự cùng một tấm bánh. Theo thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, điều này điểm tới một sự kết hiệp sâu xa mà các Kitô hữu chia sẻ khi cùng tham dự vào Một Thân Thể Chúa Kitô: Chén chúc tụng ta (cầm lên mà) đội ơn, lại không phải là thông phần Máu Ðức Kitô sao? Bánh ta bẻ, lại không phải là thông phần Thân mình Ðức Kitô sao? Vì chưng chỉ có một bánh, nên ta tuy là nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy ta cùng chia phần một Bánh (1 Cor 10:16-17).

Vì thế, khi linh mục bẻ bánh trong Bí Tích Thánh Thể trong thánh lễ, Nghi thức này gợi lại cho chúng ta về truyền thống bẻ bánh vĩ đại - từ những người Do Thái trong Cựu Ước, việc làm của Chúa Giêsu, đến các Tông đồ và giáo hội tiên khởi, cho đến ngày nay.

Hoà Bánh vào Rượu.

Sau khi bẻ bánh, linh mục bỏ một mảnh nhỏ của bánh vào chén rượu trong khi âm thầm đọc rằng Xin cho việc hoà Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con mà chúng con sắp lãnh đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Nghi thức này có một thời được dùng để diễn tả sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Tại Rôma, Đức thánh cha, ngày xưa, đã gởi một mảnh nhỏ của bánh thánh đến các linh mục tại Rôma để các ngài bỏ vào chén rượu của họ như là dấu chỉ của sự hiệp nhất với giám mục Rôma, tức là Đức Thánh Cha.

Một số người diễn dịch nghi thức này như là biểu tượng tái lập lại sự sống lại của Chúa Kitô. Cái nhìn này, có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 8 tại Syria, việc tách rời việc truyền phép bánh và rượu trong thánh lễ biểu tượng cho việc tách rời Máu và Thân Thể của Chúa trong sự chết của Người, và nghi thức hoà bánh vào rượu diễn tả sự kết hiệp giữa máu và thân xác Chúa Kitô trong sự sống lại của Người.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết