KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đâu là Ý nghĩa bài đọc và đáp ca trong thánh lễ?
Câu hỏi: Thưa cha trong các thánh lễ Chúa Nhật thường có hai bài đọc và giữa bài đọc còn có đáp ca. Xin cha cho chúng con biết đâu là ý nghĩa và lý do khi chọn những bài đọc và đáp ca này và các bài đọc này có liên hệ gì đến bài Tin Mừng hay cuộc sống chúng ta?

Trả lời

Bài Đọc Một.

Chúng ta bắt đầu phần phụng vụ Lời Chúa với Bài đọc Một. Bài đọc Một thường lấy từ Cựu Ước, ngoại trừ mùa Phục Sinh mà theo truyền thống cổ xưa lại được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ. Mặc dầu Cựu Ước chờ đợi sự viên mãn mạc khải của Chúa trong Chúa Giêsu, được chấp nhận bởi giáo hội với sự tôn kính như là Giáo Huấn xác thực về Thiên Chúa. Trong cựu ước, “mầu nhiệm cứu độ hiện diện trong một cách ẩn mình.” (1) Thực sự, chúng ta không thể hiểu một cách đầy đủ về Chúa Giêsu và Tân ước nếu không biết câu chuyện về dân Do Thái trong Cựu Ước. Bởi vì tân ước được ví như chương sách cuối cùng của một quyển sách vĩ đại. Càng hiểu về câu chuyện của dân Do Thái trong cựu ước, chúng ta càng hiểu nhiều về câu chuyện của Chúa Giêsu và Nước của Người trong Tân Ước.

Việc bao gồm bài đọc Cựu ước trong thánh lễ giúp chúng ta bước vào câu chuyện của dân Do Thái và nhờ vậy nhận ra sự thống nhất của Kinh thánh một cách rõ ràng (2). Công đồng Vatican II dạy rằng Thiên Chúa Ðấng linh ứng và là tác giả các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước, đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước. Thực vậy, dù Ðức Kitô thiết lập Giao Ước Mới trong máu Ngài nhưng các sách Cựu Ước vẫn được sử dụng trọn vẹn trong sứ điệp Phúc Âm, đạt được và bày tỏ đầy đủ ý nghĩa trong Tân Ước. Ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước (3).

Những bài đọc này thường phù hợp với bài Tin Mừng của thánh lễ. Các bài đọc nhấn mạnh cách mà Cựu Ước hình dung về Chúa Giêsu và Giáo hội. Thí dụ các hình ảnh về Lễ Vượt qua được liên kết với bí tích Thánh Thể. Câu chuyện Xuất hành của dân Do Thái được liên kết với bí tích rửa tội. Cũng vậy, sự hài hoà của Kinh Thánh được vang lên trong phụng vụ lời Chúa.

Tạ ơn Chúa.

Cuối bài đọc, người đọc sách tung hô: Đó là lời Chúa. Lời tung hô này nhắc về cách mà chúng ta nghe lời Chúa nói với mình qua Kinh Thánh. Một nhà thần học nói rằng việc công bố phải được nghe với một sự ngạc nhiên đầy phấn khởi. Thật là khờ dại để xem đó như là việc đương nhiên phải có rằng Chúa phải nói giữa chúng ta. Khi biểu lộ sự ngạc nhiên phấn khởi của mình, chúng ta nói rằng chúng ta không xem đó như là một việc đương nhiên phải có bởi vì lời khẩn cầu phát xuất từ tận tâm hồn được biểu lộ với lời tung hô Tạ ơn Chúa (4).

Tạ ơn là thái độ của chúng ta vì sự thánh thiện và việc làm của Chúa trong lịch sử. Đây là khía cạnh bình thường của việc thờ phượng trong Kinh thánh từ thời Cựu ước (1 Chr 16:4; Ps 42:4;95:2) đến Tân Ước (Col 2:7; 4:2). Lời tung hô Tạ ơn Chúa được thánh Phaolô dùng để cảm tạ Chúa vì đã cứu ngài khỏi tội lỗi và sự chết (Rom 7:25; 1 Cor 15:57; 2 Cor 2:14).

Do bởi toàn thể Kinh thánh hướng về công việc cứu độ của Chúa Giêsu, cho nên thật thích hợp để chúng ta đáp lại lời công bố Kinh Thánh trong phụng vụ với cùng một thái độ tạ ơn mà thánh Phaolô đã dùng trong niềm vui tạ ơn vì sự chiến thắng của Chúa Kitô trên Thánh Giá.

Câu đáp Tạ ơn Chúa của chúng ta được tiếp nối với một sự thinh lặng biểu lộ sự sùng kính Thiên Chúa Đấng vừa nói với chúng ta.

Thinh lặng là một phần phụng vụ quan trọng trên thiên đàng như sách Khải Huyền diễn tả: Và khi Ngài mở ấn thứ bảy, thì trên trời đã có chừng nửa giờ thinh lặng (Rv 8:1), sự thinh lặng này cũng cho chúng ta thời gian để suy niệm về Lời mà chúng ta vừa nghe – để trở nên giống Mẹ Maria đấng “giữ tất cả những điều này và suy niệm trong lòng” (Lk 2:18).

Đáp Ca. Sau bài đọc một là đáp ca. Không phải lời nói tự phát của chúng ta nhưng từ Thánh Vịnh. Lời đáp ca rút từ thánh vịnh giúp tạo một bầu khí cầu nguyện hướng những suy tư của chúng ta về bài đọc mà chúng ta vừa nghe. Dùng thánh vịnh trong việc thờ phượng là một việc rất phổ thông trong truyền thống cổ xưa. Thánh Phaolô cổ võ những người theo ngài hãy hát thánh vịnh (Col 3:16).

Sách Thánh Vịnh gồm 150 bài vịnh ca được dùng cho việc sùng kính cá nhân và thờ phượng chung trong phụng vụ đền thờ. Trong đền thờ, những câu thánh vịnh thường được hát bởi hai nhóm khác nhau. Điều này được nhìn thấy một vài ám chỉ này trong chính sách thánh vịnh. Thí dụ một vài thánh vịnh bao gồm lời nói riêng: Israel hãy nói … (Ps 124:1; 129:1), có vẻ như lời mời gọi để cộng đoàn đáp trả.

Chúng ta thấy điều này trong Thánh Vịnh 136 khi bắt đầu với lời mời gọi “Hãy cảm tạ Yavê, vì Người tốt lành, và những câu tiếp theo với một câu mở như “Một mình Người, Ðấng làm ra những kỳ công vĩ đại,” hoặc “Ðấng đã dẫn đường cho dân Người trong sa mạc.” Và tại mỗi cuối câu với cùng một điệp ca được lập lại vì ơn Người miên man vạn đại! Những lời thưa đáp này điểm đến một loại đối thoại phụng vụ, với lời mở đầu được đọc bởi người chủ sự và đáp trả của dân chúng.

Sự thưa đáp này không chỉ được nhìn thấy trong đáp ca nhưng còn trong suốt thánh lễ như Chúa ở cùng anh chị em. Và ở cùng cha…Đó là lời Chúa. Tạ ơn Chúa!..hãy nâng tâm hồn lên…và nhiều lần trong kinh thánh. Khi Môisen, trong nghi lễ tại Sinai, công bố Lời Chúa, dân chúng đáp lại rằng "Tất cả những gì Yavê đã phán bảo, chúng tôi sẽ làm theo” (Xh 19:8). Khi Ezra đọc sách luật, dân chúng đáp lại Amen, Amen! (Neh 8:6).

Thánh Gioan thị kiến phụng vụ trên thiên đàng, ngài thấy hàng ngày thiên thần ca tụng Chúa với lời như sau: "Chiên Con đã chịu tế sát đáng lĩnh quyền năng, phú quí, khôn ngoan, dũng lực, danh dự, vinh quang, và chúc tụng!" Và mọi tạo vật tung hô: Kính bái Ðấng ngự trên ngai cùng Chiên Con, chúc tụng, danh dự và vinh quang, cùng uy lực cho đến đời đời kiếp kiếp. Và bốn Sinh vật đáp rằng: "Amen!" ( Kh 5:11-14).

Như vậy, một cách rõ ràng, việc xướng đáp trong phụng vụ thánh lễ thừa kế kiểu mẫu thờ phượng trên thiên đàng. Vì thế không có gì để ngạc nhiên rằng các Kitô hữu tiên khởi nhận lấy khuôn mẫu này và đưa vào việc thờ phượng.

Ít nhất vào đầu thế kỷ thứ ba, Thánh Vịnh được đọc trong thánh lễ và người dân đáp trả. Tất cả những sự phục vụ này được xem như căn bản của Đáp Ca hôm nay (5).

Sau đáp ca là bài đọc hai.

Bài đọc hai trích từ một trong các thư của các thánh tông đồ, hoặc sách Công Vụ Tông đồ hoặc sách Khải Huyền. Mặc dầu được chọn một cách độc lập từ Bài Đọc Một và Tin mừng, Bài Đọc Hai phản ảnh về mầu nhiệm của Chúa Kitô và công việc cứu độ của Người cũng như ý nghĩa của nó trên cuộc sống chúng ta.

Bài đọc hai thường đưa ra những bài học áp dụng thực tiển cho cuộc sống chúng ta trong Chúa Kitô và cổ võ chúng ta hãy mặc lấy Chúa Kitô và tránh xa tội lỗi.

Trích dẫn:

[1] Dei Verbum, no. 16.

[2] Apostolic Constitution Missale Romanum (April 3, 1969).

[3] Dei Verbum, no. 16.

[4] Jeremy Driscoll, What Happens at Mass, pp. 40-41.

[5] Hippolytus, Trad.Ad., 515; Tertullian, De or., c.27. Trích trong Charles Belmonte, Understanding the Mass, p. 87.

 

Lm Nguyễn Văn Tuyết