KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đâu là ý nghĩa của việc Hoà nước vào Rượu, rửa tay của linh mục trong thánh lễ
Câu hỏi: Thưa cha trong thánh lễ con thấy linh mục chủ tế hoà nước vào rượu, sau đó ngài rửa tay trước khi đọc kinh nguyện thánh thể, Xin cha gỉải thích cho chúng con biết ý nghĩa của những cử chỉ này.

Trả lời: Mặc dầu là một việc làm thông thường trong thế giới Do Thái xưa kia để hoà rượu với một tí nước lã. Người Công giáo có một cái nhìn thần học sâu xa trong việc hoà nước vào rượu trong thánh lễ.

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa này chúng ta cần xem lại lời cầu nguyện đi kèm với nghi thức này khi linh mục vừa hoà nước vào rượu vừa đọc thầm: Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.

Theo diễn giải truyền thống về việc thực hành này, rượu biểu trưng cho thần tính của Chúa Kitô và nước biểu trưng cho nhân tính chúng ta.

Việc hoà nước và rượu hướng đến việc Nhập Thể: mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Nó cũng hướng đến lời gọi của chúng ta để chia sẻ cuộc sống thần tính của Thiên Chúa, để ”thông chia cùng một bản tính thần linh” (2 Phêrô 1:4) như thánh Phêrô dạy.

Khi bánh rược được đặt trên bàn thờ. Linh mục đọc lời nguyện trên bánh như sau: Lạy Chúa là Chúa cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.

Với rượu: Lạy Chúa là Chúa cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uông thiêng liêng cho chúng con.

Những từ ngữ trong lời cầu nguyện này có nguồn gốc từ truyền thống Do Thái được mô phỏng theo nghi thức ban phép lành của người Do Thái trên bánh và rượu tại các bữa ăn vào thời Chúa Giêsu.

Sau hai lời nguyện trên, lời cầu nguyện kế tiếp cũng làm rõ nghĩa hơn trong việc liên kết giữa của lễ và người dâng tiến lễ vật đó cho Thiên Chúa. Ngài đọc thầm: Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm nay được đẹp lòng Chúa.

Hy tế trong lời nguyện này không phải một vật gì đó được dâng lên Chúa, như bánh và rượu, nhưng là những người đang hiện diện trong thánh lễ: là lòng khiêm nhường thống hối của chúng ta. Lời nguyện này nối kết cuộc sống chúng ta với bánh và rượu được dùng để dâng lên Chúa Cha.

Sau đó linh mục rửa tay như là dấu hiệu cho một biến cố trọng đại sẽ xảy ra ngay sau đó. Việc rửa tay nhắc đến nghi thức mà các tư tế trong cựu ước luôn làm. Trước khi thi hành nhiệm vụ trong cung thánh, các tư tế và Lêvi phải rửa tay (Ex 29:4). Việc rửa tay biểu tượng cho việc thanh tẩy nội tâm được đòi hỏi trước để một người có thể đến gần sự hiện diện của Chúa trong cung thánh.

Với bối cảnh kinh thánh này, việc rửa tay của linh mục nói lên rằng ngài đang chuẩn bị bước vào nơi thánh thiêng nhất. Tại bàn thờ nơi mà bánh và rượu sẽ thành Mình và Máu Chúa Kitô, và Thiên Chúa sẽ ngự vào tâm hồn chúng ta khi chúng ta nhận lấy Người trong Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hoàn thành việc này qua bàn tay của linh mục.

Cộng đoàn tham dự thánh lễ ngồi thinh lặng nhìn linh mục chuẩn bị vai trò thiêng liêng của ngài. Và trong một cử chỉ cuối cùng, linh mục hướng về cộng đoàn, mời gọi họ cầu nguyện như sau: Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.

Lời mời gọi này có hai phần: Hy lễ của tôi và của anh chị em. Hy lễ của tôi ám chỉ đến hiến tế của Chúa Giêsu sẽ được thực hiện qua linh mục, đại diện Chúa Kitô. Và của anh chị em nhắm đến toàn thể giáo hội đang cống hiến chính mình trong sự hiệp thông với Chúa Kitô trong thánh lễ.

Lời thưa của cộng đoàn Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay Cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người đã nhìn nhận cách mà cả hai hiến tế - Của Chúa Kitô và của chính họ sẽ được kết hiệp và dâng lên Thiên Chúa Cha qua bàn tay của linh mục.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết