KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đâu là ý nghĩa của việc làm Dấu Thánh Giá trước khi cử hành thánh lễ?
Dấu Thánh Giá không chỉ là cách để bắt đầu cầu nguyện, nhưng chính nó là một lời cầu nguyện với ý nghĩa rằng nó tuôn đổ muôn hồng ân xuống trên cuộc sống của chúng ta.

Tóm tắt: Đầu lễ chúng ta mời Chúa buớc vào cuộc sống chúng ta. Chúng ta long trọng kêu tên Chúa, khẩn cầu sự hiện diện quyền năng của Người. Chúng ta thánh hoá một giờ đó cho Chúa và rằng mọi việc chúng ta làm trong thánh lễ, là để vinh danh Người. Tất cả những gì chúng ta làm, suy nghĩ, ước muốn, cầu nguyện, không phải là làm cho chính mình nhưng “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Thêm vào đó, giống như dân Do Thái xưa đã cầu khẩn Danh Chúa khi họ thờ phượng Người, chúng ta cũng kính cẩn gọi tên Chúa, xin Người giúp đỡ khi chúng ta chuẩn bị bước vào mầu nhiệm thánh của bí tích thánh thể.

Giải thích: Để hiểu rõ hơn về việc làm dấu thánh giá chúng ta cần hiểu thêm về truyền thống của dấu thánh giá trong thánh kinh.

Dấu Thánh Giá không chỉ là cách để bắt đầu cầu nguyện nhưng chính nó là một lời cầu nguyện với ý nghĩa rằng nó tuôn đổ muôn hồng ân xuống trên cuộc sống chúng ta.

Bất cứ khi nào làm dấu Thánh Giá –trong thánh lễ hoặc trong những việc sùng kính cá nhân – chúng ta bước vào một truyền thống thánh thiêng có từ những thế kỷ đầu của Giáo hội, khi mà nghi thức này được hiểu như là nguồn sức mạnh và là sự bảo vệ của Thiên Chúa. Khi làm dấu thánh giá chúng ta cầu khẩn sự hiện diện của Chúa và mời Người chúc lành, trợ giúp, và gìn giữ chúng ta khỏi những điều tai ương. Vì thế không có gì phải ngạc nhiên khi thấy các Kitô hữu tiên khởi rất thường làm Dấu Thánh Giá, ước muốn để rút ra sức mạnh đang ở đó.

Thần học gia Tertullian (A.D. 160 -225) đã diễn tả việc thực hành phổ thông này như sau: Trong tất cả những việc làm hàng ngày từ việc đi đứng, ngủ nghỉ…chúng ta đánh dấu trên trán bằng dấu Thánh Giá.

Một số Kitô hữu tiên khởi xem Dấu Thánh Giá như là tuyến đầu giúp họ chống lại cám dỗ, bảo vệ họ khỏi mọi sự dữ, và ngay cả việc này cũng làm cho ma quỷ phải kinh hãi. Thánh Gioan Chrysostom (A.D. 347 – 407) cổ võ Dân Chúa hãy luôn tìm đến sức mạnh của Chúa được tìm thấy trong Dấu Thánh Giá. Ngài nói “Đừng bao giờ ra khỏi nhà mà không làm dấu thánh giá. Nó sẽ là cây gậy, một loại vũ khí, một khán đài vững chắc. Không ai dám tấn công bạn ngay cả ma quỉ khi nhìn thấy bạn được che chở bởi một loại áo giáp kiên cố như thế. Hãy để dấu này dạy rằng bạn là một quân nhân, sẵn sàng chiến đấu chống lại ma quỷ, và sẵn sàng chiến đấu cho triều thiên công chính. Bạn có biết về những gì mà thánh giá đang làm hay không? Nó đánh bại sự chết, hủy diệt tội lỗi, làm khô cạn hoả ngục, truất phế Satan, và tái thiết lập vũ trụ. Liệu bạn có còn nghi ngờ về sức mạnh của Thánh giá hay không?”

Thế nhưng điều gì đã khiến cho những kitô hữu tiên khởi này nhìn thấy và chúng ta thường bỏ quên? Tại sao họ lại quá thiết tha làm dấu thánh giá tại những thời điểm quan trọng trong cuộc sống của họ trong khi chúng ta đôi khi làm nghi thức này chỉ vì thói quen và đôi khi ngay cả xem đó như một thói quen? Suy tư này sẽ khảo sát một cách tỉ mỉ nguồn gốc kinh thánh của dấu Thánh Giá. Hiểu rõ hơn về dấu thánh giá chúng ta sẽ được chuẩn bị tốt hơn để nhận lấy tài sản tâm linh mỗi khi làm dấu đặc biệt tại lúc khởi đầu Thánh lễ.

Dấu Thánh Giá của Ezekiel.

Có hai việc chính của dấu thánh giá: Làm dấu thánh giá và lời chúng ta đọc trong khi làm việc này. Trước nhất chúng ta xem về Dấu Thánh Giá.

Nghi thức làm Dấu Thánh Giá có nguồn gốc từ Thánh kinh. Một vài thánh giáo phụ cho rằng làm dấu thánh giá đã được biểu lộ trong sách tiên tri Ezekiel khi mà dấu chữ thập được vẽ trên trán như là dấu hiệu bảo vệ của Chúa và cũng để phân biệt người công chính với người tội lỗi. Tiên tri Ezekiel chứng kiến nhiều nhà lãnh đạo tại Giêrusalen thờ mặt trời và ngẫu tượng trong đền thờ Thiên Chúa (Ez 8). Do sự bất trung với giao ước này. Tiên tri Ezekiel cho biết thành phố sẽ bị trừng phạt và người dân sẽ bị đưa đi lưu đày.

Tuy nhiên vì không phải tất cả những người ở Giêrusalem đều phạm tội. Tại đó cũng có một số người công chính luôn trung thành với Thiên Chúa. Để phân biệt họ với những người tội lỗi. Họ được đánh dấu chữ thập (X) trên trán như là dấu hiệu bảo vệ của Thiên Chúa (Ez 9:4-6). Giống như máu được gạch trên cữa để bảo vệ dân Do Thái từ sự trừng phạt mà Chúa dành cho dân Ai Cập vào dịp Lễ Vượt Qua lần thứ nhất, dấu chữ thập trên trán của tiên tri Ezekiel ( Ex 9) cũng có ý nghĩa tương tự.

Rút ra từ sách tiên tri Ezekiel, sách Khải Huyền miêu tả các thánh trên thiên đàng như là những người có dấu ấn được ghi trên trán (Rv 7:3). Giống như Ezekiel, dấu ấn này chia cách người công chính ra khỏi những người tội lỗi và họ được bảo vệ trong ngày phán xét (Rv 9:4).

Vì thế không có gì phải ngạc nhiên rằng các Kitô hữu tiên khởi xem dấu chữ thập của tiên tri Ezekiel như là một sự biểu tượng của dấu thánh giá. Họ tin rằng người công chính được bảo vệ bởi dấu chữ thập vào thời Ezekiel thế nào thì các tín hữu cũng được bảo vệ bởi Thánh giá Chúa Kitô được kẽ trên thân thể họ như vậy.

Theo cái nhìn Kinh thánh, mỗi lần làm dấu thánh giá, chúng ta làm hai việc: (1) biểu lộ ước muốn để tránh những mô thức hư hỏng của thế giới trong thời đại chúng ta được biểu hiệu bởi sự tham lam, ích kỷ, khó khăn trong hôn nhân…việc làm dấu thánh giá là một biểu lộ xác tín để sống theo tiêu chuẩn của Chúa Kitô chứ không phải của thế gian. Trong khi thế gian xem tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, quyền lực là những điều quan trọng của một cuộc sống tốt đẹp, Kitô hữu tìm kiếm sự hạnh phúc cao cả và đích thực đuợc tìm thấy chỉ trong tình yêu thánh hiến của Chúa Kitô trên đồi Can Vê – được biểu trưng bởi dấu Thánh Giá.

Thứ hai, khi làm dấu Thánh Giá, chúng ta cầu xin Chúa bảo vệ cuộc sống chúng ta. Chúng ta cầu xin Người gìn giữ chúng ta ra khỏi mọi sự dữ. Rất nhiều Kitô hữu trong những thế kỷ qua đã hướng về dấu thánh giá như là sức mạnh để chống lại cám dỗ. Nhiều người làm việc này để tìm kiếm sự trợ giúp của Chúa giữa những đau khổ và thử thách. Nhiều cha mẹ làm dấu thánh giá trên trán con cái để xin Chúa chúc lành và bảo vệ chúng, đặc biệt trước khi chúng đi ngủ.

Thánh Cyril thành Giêrusalem đưa ra hai khía cạnh của dấu thánh giá – khía cạnh phân biệt và bảo vệ - gọi dấu thánh giá như là “phù hiệu của tín hữu” và khía cạnh thứ hai là ‘sự khủng bố đối với ma quỉ.” Ngài nói:

“Hãy để thánh giá, như là dấu ấn của chúng ta, được làm một cách rõ nét với những ngón tay của chúng ta trên trán và trong mọi dịp; trên bánh chúng ta ăn, trên ly chúng ta uống; khi về nhà hay khi ra khỏi nhà; trước khi ngủ; khi nằm và khi thức dậy; khi đang đi trên đường và khi dừng lại. Nó là một sự che chở vững chắc… bởi vì nó là một hồng ân đến từ Thiên Chúa, một phù hiệu của tín hữu, và là một sự khủng bố đối với ma quỉ…Vi khi ma quỉ nhìn thấy Thánh Giá, chúng được nhắc đến Đấng Chịu Đóng Đinh; chúng sợ Người là Đấng đã dập tan những con rồng.”

Chúng ta vừa đi qua ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Giờ đây chúng ta bước vào việc tìm hiểu ý nghĩa của những bản kinh và những lời thưa đáp trong thánh lễ dựa trên nền tảng Kinh Thánh.

Sức mạnh Về Tên Của Chúa.

Khi làm dấu thánh giá, chúng ta đọc Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần là chúng ta kêu tên Chúa. Trong Kinh Thánh, kêu tên Chúa là biểu hiện của sự thờ phượng, thường liên kết với việc cầu nguyện và hi tế. Nó là một nghi thức cổ xưa được tìm thấy trong các nghi thức xa xưa trong thời cựu ước. Tổ phụ Abraham cầu khẩn danh Chúa khi dựng bàn thờ Thiên Chúa và thánh hiến đất hứa cho Người (St 12:8; 13:4; 21:33). Isaac cầu khẩn danh Chúa khi xây bàn thờ tại Beersheba (St 26:25).

Trong Kinh Thánh, tên không chỉ là quy ước để chỉ đến một cá nhân nhưng còn đại diện một cách bí ẩn đặc tính và quyền lực của cá nhân đó. Vì thế, gọi tên Chúa có nghĩa là cầu khẩn sự hiện diện và quyền năng của Người. Đây là lý do mà những người Do Thái cổ xưa thuờng kêu tên Chúa, không chỉ để ca ngợi (Tv 148:13) và tạ ơn (Tv 80:18;105:1), nhưng còn để tìm kiếm sự trợ giúp của Người (Tv 54:1;124:8). Tương tự như vậy bất cứ khi nào chúng ta kêu tên Chúa là chúng ta cầu khẩn sự hiện diện và sự trợ giúp của Người trong những cuộc chiến mà chúng ta đang đối diện mỗi ngày bởi vì ý thức rằng “Ơn phù trợ của chúng ta ở nơi Danh Chúa, là đấng tạo thành trời đất” (Tv 124:8).

Điều này cho chúng ta hiểu thêm về dấu thánh giá trong thánh lễ. Đầu lễ chúng ta mời Chúa buớc vào cuộc sống chúng ta. Chúng ta long trọng kêu tên Chúa, khẩn cầu sự hiện diện quyền năng của Người. Chúng ta thánh hoá một giờ đó cho Chúa và rằng mọi việc chúng ta làm trong thánh lễ, là để vinh danh Người. Tất cả những gì chúng ta làm, suy nghĩ, ước muốn, cầu nguyện, không phải là làm cho chính mình nhưng “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Thêm vào đó, giống như dân Do Thái xưa đã cầu khẩn Danh Chúa khi họ thờ phượng Người, chúng ta cũng kính cẩn gọi tên Chúa, xin Người giúp đỡ khi chúng ta chuẩn bị bước vào mầu nhiệm thánh của bí tích thánh thể.

Trong Tân ước, tên Chúa Giêsu được mạc khải ngang hàng với sự thánh thiêng và quyền năng của danh thánh Chúa. Thánh Phaolô miêu tả điều này như là “tên trên mọi tên” (Phil 2:9). Ngài nói tên này có sức mạnh quy tụ tất cả mọi thứ vào Chúa Kitô: hầu trước danh hiệu của Ðức Yêsu, mọi gối đều phải quì xuống bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Yêsu Kitô Là Chúa, để làm vinh quang cho Chúa Cha (Phil 2:10-11).

Trong các sách Tân Ước đều đưa ra điểm này. Nhân danh Chúa Giêsu, người bệnh được chữa lành (Mk 16:17-18; CVTĐ 3:6), người tội lỗi tìm thấy lòng thương xót (Lk 24:47; CVTĐ 10:43) và ma quỷ bị đánh ngã (Lk 10:17). Chính Chúa Giêsu dạy rằng Người sẽ đáp trả với những ai kêu tên Người: Những gì các ngươi kêu cầu nhân danh ta, ta sẽ thực hiện (Jn 14:13; 15:16; 16:23, 26-27). Hơn nữa, các môn đệ nếu tụ họp nhân danh Chúa sẽ nhận được sự chúc lành về sự hiện diện của Người ở giữa họ: vì ở đâu có hai ba người tụ họp lại vì danh ta, ở đó có ta (Mt 18:20). Đây là điều mà chúng ta làm khi bắt đầu thánh lễ: Chúng ta tụ họp nhân danh Chúa Giêsu. Chúng ta cầu khẩn để Người ngự giữa chúng ta trước khi chúng ta dâng lên Chúa các nhu cầu và ý nguyện của mình.

Làm Dấu Thánh Giá Một Cách Nghiêm Chỉnh.

Khi làm dấu thánh giá chúng ta không chỉ tập trung vào Chúa Con mà thôi nhưng còn Ba Ngôi cực thánh: Cha, Con và Thánh Thần vang vọng sứ vụ cao cả của Chúa cho các tông đồ: Hãy đi tận cùng thế giới và rao giảng tin mừng, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28:19). Đây là những lời được đọc khi chúng ta chịu phép rửa tội khi linh hồn chúng ta được tràn đầy cuộc sống thần linh của Chúa Ba Ngôi. Qua việc lập lại những lời này trong mọi thánh lễ, chúng ta nhận ra một sự thật sâu xa rằng chúng ta đang tiến đến Đấng Toàn Năng trong phụng vụ, không phải bởi công trạng của chúng ta nhưng bởi nhân đức của cuộc sống siêu nhiên mà Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta khi chúng ta được rửa tội. Chúng ta đến không chỉ trong danh của mình nhưng nhân danh của Chúa Ba Ngôi Đấng đang ngự trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cũng cầu nguyện rằng cuộc sống thần linh bên trong chúng ta sẽ trưởng thành. Khi làm dấu thánh giá, chúng ta cầu xin cho toàn thể cuộc sống chúng ta có thể được sống kết hợp mật thiết với Chúa.

Đây là lý do tại sao chúng ta phải làm dấu thánh giá với một sự tôn kính chứ không nên làm dấu một cách vội vã như Romano Guardi viết:

Khi chúng ta làm dấu, hãy làm với một thánh giá thật rõ nét. Thay vì một cử chỉ không có một ý nghĩa gì thì hãy làm một dấu thật lớn không vội vã từ trán đến ngực, từ vai này sang vai kia, cảm nhận một cách ý thức với sự hiểu biết rằng nó chiếm lấy toàn thể con người của mình, từ suy nghĩ, thái độ, thân xác và linh hồn của mình, những điều mình làm và không làm. Hãy để nó chiếm lấy toàn thể con người. Đang lúc làm dấu thánh giá hãy dành thời gian để suy nghĩ mình đang làm điều gì. Bằng việc làm dấu, thánh giá sẽ thánh hiến toàn thể con người với sức mạnh của Chúa Kitô, nhân danh Chúa Ba Ngôi.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết