KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Điều Gì Có và Không Có Trong Kinh Thánh?
Câu hỏi: Thưa cha, khi nói chuyện với những người bạn Tin Lành về những vấn đề đức tin, họ không chấp nhận bất cứ điều gì nếu không tìm thấy trong Kinh Thánh. Thí dụ như vấn đề Luyện ngục. Làm sao con có thể trả lời cho họ về điều này?

Trả lời:

Bạn của cô, cũng như hầu hết những theo Tin Lành, đều tin rằng tất cả sự thật bắt nguồn từ Kinh Thánh, và rằng nếu một điều gì đó không có trong Kinh Thánh, thì điều đó không đúng và không được tin. Họ tin rằng tất cả những gì chúng ta tin thì Chúa đã mạc khải trong Kinh thánh. Đối với họ, chỉ có Kinh Thánh mới là nguồn của chân lý. Vì thế để biết điều gì là chân lý chúng ta không cần dựa theo truyền thống hoặc giáo huấn của Giáo hội. Như vậy làm sao để trả lời cho họ?

Có nhiều cách để chứng minh cho họ về vấn đề chân lý không chỉ được mạc khải trong Kinh Thánh mà thôi mà còn trong tông truyền hay giáo huấn của giáo hội, tuy nhiên chúng ta phải luôn bàn thảo những vấn đề này một cách lễ phép và tế nhị bằng lý luận, chứ không kích động. Trên hết phải hiểu rằng những người bạn tin lành của chúng ta là những người tốt và họ cũng xác tín những gì họ đã học giống như chúng ta xác tín những gì chúng ta hiểu về giáo lý của mình.

Để trả lời trước hết chúng ta khởi đầu từ chính Kinh Thánh mà người Tin Lành chấp nhận. Từ Kinh Thánh, chúng ta có thể đưa ra hai câu Lời Chúa cho thấy chúng ta không chỉ vào Kinh Thánh nhưng còn tông truyền nữa. Thứ nhất, thánh Gioan nói: Còn lắm điều khác, Ðức Yêsu đã làm, nếu viết lại từng điều, thì thiết tưởng thế gian không đủ chỗ mà chứa sách viết ra (Jn 21:25). Và trong một đoạn khác thánh Gioan cho biết: Và Ðức Yêsu đã làm trước mặt các môn đồ của Ngài nhiều dấu khác lạ nữa, không viết lại trong sách này (Jn 20:30). Từ hai câu Lời Chúa này, chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu còn nói và làm nhiều việc khác bên cạnh những gì đã được viết trong Tân Ước. Nói cách khác, không phải mọi điều Chúa dạy đều được ghi chép trong Kinh Thánh.  

Về việc cho là Luyện Ngục không được nói rõ ràng trong Kinh Thánh, mặc dầu chúng ta có thể đưa ra nhiều câu kinh thánh ám chỉ về điều này. Chúa Giêsu khi nói với các tông đồ về sự quan trọng của cầu nguyện và dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn các tín hữu đã ra đi, Chúa không giải thích gì thêm có lẽ bởi vì đây là phong tục của người Do Thái thời đó, như sách Maccabê nói: Họ đã quay đầu khẩn nguyện, xin cho tội phạm được hoàn toàn tẩy xóa. Còn vị anh hùng Yuđa, thì ra lời khuyên nhủ đạo quân giữ mình sạch tội, một khi họ đã thấy nhãn tiền sự đã xảy ra bởi tội những người đã thiệt mạng. Ðoạn ông quyên tiền nơi mỗi người và đã gởi về Yêrusalem lối hai ngàn quan tiền để dâng lễ tế đền tội: Ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quí, bởi nghĩ đến sự sống lại; vì nếu ông không trông rằng những người bị thiệt mạng ấy sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết là việc dư thừa và ngớ ngẩn; còn nếu ông nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ cách đạo đức, thì quả là ý nghĩ lành thánh và đạo đức; do đó ông đã xin dâng lễ tế xá tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi (2 Mac 12:42-45). Thánh Isidore thành Seville, cho biết về sự phổ biến là tập quán cầu nguyện cho người qua đời của người thời xưa như sau: việc cống hiến hy lễ cho sự an nghỉ của các tín hữu qua đời là một tập quán được gìn giữ cả thế giới. Vì thế chúng ta tin rằng đây là một tập quán được dạy bởi các tông đồ. Nếu các thánh tông đồ dạy điều này, nghĩa là các ngài học được từ Chúa Giêsu.

Sứ điệp thứ hai đến từ thánh Phaolô, cũng cho thấy không chỉ có Kinh Thánh nhưng còn có giáo hội. Thánh Phaolô cho biết nền tảng của sự thật là Giáo hội tông truyền qua những lời như sau: Tôi viết cho anh các điều này, tuy vẫn trông rằng kíp đây tôi sẽ đến nơi anh. Nhưng nếu tôi trì hoãn, thì (tôi viết thế) để anh biết phải cư xử làm sao trong Nhà của Thiên Chúa, tức là Hội thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột chống và tường móng cho sự thật (1 Tim 3:14-15).

Dầu trong bất cứ trường họp nào nếu người nào muốn duy trì niềm tin rằng chỉ có Kinh Thánh là nguồn duy nhất của mọi chân lý, thì họ phải đưa ra một bản văn Kinh Thánh chứng minh điều đó.

Còn một điều quan trọng nữa rằng, Giáo hội, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, là người quyết định bản văn nào là lời chúa được linh ứng và được bao gồm trong kinh thánh. Tiến trình này đã mất nhiều thế kỷ. Nếu không có giáo hội công giáo có lẽ chúng ta không thể có quyển Kinh Thánh.

Thêm vào đó, Giáo hội luôn dựa vào những tác phẩm của các thánh giáo phụ như thánh Augustino, thánh Jerome, thánh Gioan Chrysotom là những nhà chuyên môn đưa ra sự giải thích xác thực của Kinh Thánh. Kinh thánh chỉ có thể được hiểu chính xác và diễn giải theo truyền thống sống động của Giáo hội.

Thí dụ, theo truyền thống này chúng ta luôn hiểu Lời Chúa nói bất cứ ai bỏ vợ và cưới người đàn bà khác là phạm tội ngoại tình là ám chỉ đến việc cấm ly dị và tái hôn. Hầu hết các giáo hội tin lành cho phép ly dị và tái hôn. Ai là người đúng trong vấn đề này?. Tương tự chúng ta cũng có thể nói về niềm tin về sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nói thật rõ trong đền thờ ở Capernaum rằng Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết. Bánh này là bánh bởi trời xuống; không phải như cha ông các ngươi đã ăn và đã chết; kẻ ăn bánh này sẽ sống đời đời (Jn 6:51-58); và được thánh Phaolô lập lại cho nên kẻ ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, tất sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa. Vậy thì người ta hãy tự hạch xét chính mình, rồi như vậy mới ăn Bánh ấy và uống Chén ấy. Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình (1 Cor 11:27-29).

Những điều này cho thấy rõ ràng, nếu chỉ dựa vào Kinh thánh thì chưa đủ. Chúng ta cần truyền thống sống động của Giáo hội để bảo quản và diễn giải Kinh Thánh theo ý của Chúa Giêsu.

LM FX Nguyễn Văn Tuyết