KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa có ý nghĩa gì?
Câu hỏi: Trước khi rước lễ chúng ta đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, thế nhưng đâu là ý nghĩa của kinh này, và taị sao phải đọc kinh này trước khi rước lễ? Cảm ơn cha.

Trả Lời: Kinh Lạy Chiên Thiên Chúa. Đang lúc linh mục làm nghi thức bẻ bánh và hoà bánh vào rượu thì các tín hữu dâng lời cầu nguyện được biết đến như là kinh Lạy Chiên Thiên Chúa.

Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian. Xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian. Xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh này là lời cầu nguyện đưa chúng ta lên toà của Thiên Chúa. Khi đọc kinh này chúng ta cùng tham dự với các thiên thần thờ phượng Chúa Giêsu như là Chiên chiến thắng trong phụng vụ thiên đàng mà thánh Gioan diễn tả trong sách Khải Huyền: Tôi cứ mãi nhìn, và tôi đã nghe tiếng các Thiên thần đông đảo vòng quanh ngai, bên các Sinh vật và các Lão công, và số họ là vạn vạn ngàn ngàn, và họ hoan hô cả tiếng: "Chiên Con đã chịu tế sát đáng lĩnh quyền năng, phú quí, khôn ngoan, dũng lực, danh dự, vinh quang, và chúc tụng! (Kh 5:11-12). Và tất cả tạo thành trên trời, dưới đất cũng tung hô: Kính bái Ðấng ngự trên ngai cùng Chiên Con chúc tụng, danh dự và vinh quang, cùng uy lực cho đến đời đời kiếp kiếp (Kh 5:13).

Thật là thích hợp để chúng ta thưa với Chúa Giêsu rằng: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian. Bởi vì Tin mừng mạc khải Chúa Giêsu là Chiên vượt qua mới Đấng được hiến tế vì tội lỗi chúng ta. Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua, Đấng đã được hiến tế (1 Cor 5:7). Sách Khải huyền cũng ám chỉ Chúa Giêsu là Chiên bị sát tế ( Kh 5:6, 12; 13:8), áo của các thánh được giặt sạch trong máu con chiên (Kh 7:14) và Chiên bị sát tế này ngay cả cũng chiến thắng Satan (Kh 12:11).

Tin mừng thánh Gioan, đặc biệt, nhấn mạnh việc Chúa Giêsu chết trên thánh giá phải được xem như là Chiên Vượt Qua sát tế nhân danh chúng ta. Khi Gioan tường thuật về việc người lính đưa chén giấm cho Chúa Giêsu nếm, ngài ghi chú rằng nó đã được đặt trên cành hương thảo. Thế nhưng tại sao thánh Gioan lại đưa ra một chi tiết thật nhỏ này?

Thưa rằng bởi vì hương thảo là loại cây được dùng trong Lễ vượt qua đầu tiên tại Ai cập. Lúc đó, Mosê ra lệnh cho các bô lão của Israel hiến tế chiên Vượt qua bằng cách lấy một cành hương thảo nhúng vào huyết trong chậu và phết lên trên mi cửa và hai thành cửa với máu con chiên (Xh 12:22).

Thánh Gioan ghi chú điều này để chúng ta có thể nhận ra cái chết của Chúa Giêsu như là hiến tế Vượt qua. Giống như cành hương thảo được dùng trong hiến tế Vượt qua đầu tiên thế nào thì nó cũng được dùng trên đồi Canvê với Chúa Giêsu, Chiên sát tế mới như vậy.

Trong một nối kết khác với Chiên Vượt Qua, tin mừng thánh Gioan cũng ghi chú rằng khi người lính gỡ Chúa Giêsu xuống từ thánh giá, họ không đánh dập ống chân Người như vẫn thường làm để bảo đảm rằng người đó đã thực sự chết (Jn 19:33). Thánh Gioan điểm ra điều này bởi vì chiên Vượt Qua là con chiên nguyên vẹn không bị gãy một chiếc xương nào (Xh 12:46). Như vậy, một lần nữa cái chết của Chúa Giêsu được diễn tả như là hy tế của chiên Vượt qua. Chiên vượt qua này chính là Chiên Thiên Chúa, đây đấng xóa tội trần gian. Mà chúng ta đọc trong kinh lạy Chiên Thiên Chúa. Những lời này trực tiếp đến từ miệng của Gioan Tẩy Giả. Gioan, người đầu tiên ám chỉ Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa (Jn 1:29, 36).

Lần đầu tiên khi gặp Chúa tại sông Jordan, Gioan đã kêu lên: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấgn xóa tội trần gian (Jn 1:29). Vời những lời này, Gioan nhận ra Chúa Giêsu là Tôi Tớ Đau Khổ vĩ đại đã được tiên tri Isaiah tiên báo rằng: Một ngày gần đây Thiên Chúa sẽ sai một người đến giải thoát Isreal ra khỏi tội lỗi, và ngài sẽ làm điều đó qua đau khổ giống như con chiên bị đưa đi sát tế (Is 53:7). Thêm vào đó, tôi tớ của Thiên Chúa này sẽ mang lấy tội lỗi của con người và làm giá chuộc tội (Is 53:10-11). Và sự tự hiến của ngài có sức mạnh cứu chuộc. Qua sự hiến tế của ngài, nhiều người sẽ trở thành công chính (Is 53:11). Việc nhắc đến con chiên được sát tế giúp chúng ta nhớ đến chiên Vượt Qua.

Khi Gioan Tẩy giả gọi Giêsu là Con Chiên Đấng xóa tội trần gian, ngài xác tín Chúa Giêsu không chỉ là Chiên Vượt Qua, nhưng còn là Tôi Tớ Đau Khổ mà từ lâu con người hằng mong đợi của tiên tri Isaiah - con chiên hiến dâng mạng sống của mình như là hy lễ đền tội chúng ta (Is 53:11). Vì thế, thật là thích hợp để chúng ta đọc lời nguyện Lạy Chiên Thiên Chúa tại thời điểm này của thánh lễ.

Trong lúc linh mục bẻ bánh, chúng ta tham gia với Gioan Tẩy Giả trong việc nhìn nhận Chúa Giêsu chính là Tôi Tớ đau khổ, là con chiên được dẫn đến để sát tế của tiên tri Isaiah, Đấng dâng hiến mạng sống mình vì tội lỗi con người. Chính Người là đấng hiến tế để làm cho nhiều người trở nên công chính. Lời cầu nguyện này lập lại ba lần. Điều này âm vang những lời cầu nguyện khác cũng lập lại ba lần.

Trong kinh ăn năn tội, chúng ta thú nhận tội lỗi của chúng ta ba lần: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Trong kinh thương xót chúng ta cũng nài xin ba lần: Xin Chúa thương xót chúng con. Chúng ta cũng tung hô ba lần Thánh Thánh Thánh và trước khi rước lễ, chúng ta cũng cầu xin lòng thương xót và bình an từ Đấng duy nhất đã hiến mạng sống để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi.

Kinh Chiên Thiên Chúa trong khi cầu xin lòng thương xót cũng bao gồm lời cầu xin bình an trong lời thỉnh cầu cuối cùng: Lạy Chiên thiên Chúa đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con. Lời cầu xin bình an này được nối kết với dấu hiệu bình an mà chúng ta trao cho nhau biểu lộ sự hiệp nhất trước khi nhận lấy Mình Thánh Chúa.

Khi đọc lời nguyện này chúng ta nhìn nhận rằng Chúa chính là Chiên Vượt qua của Cựu ước mà qua sự chết của Người, Chúa đã xoá tội chúng ta. Đây cũng chính là Đấng mà linh mục chủ tế sau đó cầm Mình Thánh đưa lên cao và xác tín với lời công bố rằng: Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng xóa tội trần gian: Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Trước khi trao Đấng ấy cho chúng ta qua hình thức bánh và rượu.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết