KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Kinh Mân Côi Trong Giáo Hội
Trong năm kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, hàng triệu người trên thế giới lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho hoà bình thế giới và bình an trong gia đình, thế nhưng chúng ta có thể tự hỏi xem Kinh Mân côi có còn thích hợp cho thời đại hôm nay hay không?

Ngày 17.10.2002, nhật báo The USA Today đã đăng một bài báo hướng dẫn cách lần hạt Mân Côi. Điều đáng ngạc nhiên là hướng dẫn này lại được đăng trên một tờ báo đời được nhiều người đọc nhất của Hoa Kỳ. Thế nhưng đâu là lý do cho việc bất bình thường này?

Trước đó một ngày, bắt đầu năm thứ 25 triều giáo hoàng, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã dâng hiến triều đại của ngài cho Mẹ Maria bằng cách công bố năm Mân Côi. Trong tông thư “Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria,” ngài mời gọi mọi người Công giáo hãy tái canh tân lòng sùng kính đối với sự cầu nguyện truyền thống này, và cũng trong dịp này, ngài giới thiệu cho toàn thể giáo hội thêm một mầu nhiệm mới: Mầu Nhiệm Sự Sáng.

Mầu Nhiệm Sự Sáng tạo nên một sự nối kết giữa cuộc sống thơ ấu của Chúa trong Mùa Vui, về sự thương khó và tử nạn của Chúa qua Mùa Thương, và sự sống lại của Chúa trong Mùa Mừng.

Trong những tháng ngày tiếp đó, nhiều người tự hỏi tại sao ĐTC Gioan Phaolô II lại cống hiến năm thứ 25 của Ngài như là năm Mân Côi? Tại sao ngài lại quá quan tâm về việc người Công giáo hãy đào sâu xác tín của họ vào lòng sùng kính này? Và trên hết, tại sao ngài lại thêm mầu nhiệm sự sáng vào Chuỗi Mân Côi? Ngài đã đưa ra ít nhất là ba lý do cho điều này (1) Khủng hoảng Kinh Mân Côi trong Giáo hội; (2) Khủng hoàng về nền hoà bình thế giới; và (3) khủng hoảng về cuộc sống gia đình.

Khủng hoảng Kinh Mân Côi trong giáo hội.

Trong Tông thư, ĐTC JP II chỉ ra rằng sự sùng kính truyền thống này đang bị hiểu sai, bị bỏ quên trong thời đại chúng ta. Ngài nói: Ngày nay Kinh Mân Côi có thể bị giảm giá trị một cách sai lầm và vì thế không ai dạy kinh này cho các thế hệ trẻ (1).

Một câu chuyện kể rằng một người đàn ông, trong giờ ăn trưa đã đến một nhà thờ ở Michigan lần hạt. Đang lúc lần hạt, một bà cụ bước vào nhìn thấy ông ta quỳ đang lần hạt. Bà có vẻ quan tâm và tò mò về việc ông đang làm. Sau khi đọc vài kinh, ông cảm thấy không được thoải mái vì cách mà bà ta nhìn ông.

Cuối cùng bà đến và hỏi: Có phải ông đang lần hạt không?

Ông trả lời phải,

Bà nói: Ồ! có lẽ ông là một người ít học!

Ông không hiểu ý của bà tuy nhiên cũng cảm thấy một chút gì đó như bị làm nhục, vì thế đã  hỏi: bà nói như vậy có ý gì?.

Một cách miễn cưỡng bà trả lời: Tôi luôn lần hạt. Hôm qua tại đây, lúc đang lần hạt, một linh mục bước vào và hỏi tại sao tôi lần hạt, và nói rằng Kinh Mân Côi chỉ dành cho những người ít học, và rằng những người trí thức không cần lần hạt. Một chút ngượng ngùng, bà nói thêm: tôi nghĩ tôi là người ít học so với những người khác…cho nên tôi vẫn còn lần hạt. Còn ông, trông ông không phải là người ít học nên tôi ngạc nhiên khi thấy ông lần hạt.

Người đàn ông thương cảm cho người đàn bà thánh thiện và ngoan đạo này, một người đã bị chế nhạo vì việc lần hạt của bà. Nhưng có lẽ còn hơn nữa, ông cảm thấy tội nghiệp cho vị linh mục đã đưa ra những lời bình phẩm đáng tiếc này.

Câu chuyện cho chúng ta thấy cách mà kinh Mân Côi đang bị nhiều người xem là không còn quan trọng hay cần thiết nữa, không chỉ giáo dân nhưng ngay còn cả các linh mục, tu sĩ. Và sự thiếu ý thức này mang theo nó một ảnh hưởng tai hại của nó.

Theo cuộc thăm dò bởi trung tâm nghiên cứu Mục Vụ tại Đại học Georgetown, Hoa kỳ vào năm 2001 cho thấy phần lớn người công Giáo Mỹ không còn lần hạt thường xuyên. Chỉ có 27% cho biết họ lần hạt nhiều lần trong tháng. Khoảng 33% vài lần trong năm, và 39% chưa bao giờ lần hạt mân côi (2). Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng kinh Mân Côi chỉ được đọc cho những người đã qua đời. Đối với các em, đây là kinh cầu hồn trong gia đình. Nhiều em khác cho rằng kinh này chỉ dành cho những người cao niên đến nhà thờ sớm vào Chúa Nhật để đọc trước khi thánh lễ bắt đầu.

Đây có lẽ điều mà thánh giáo hoàng JP II diễn tả là khủng hoảng kinh Mân Côi. Vì thế đã mời gọi chúng ta hãy tái khám phá gia sản của lòng sùng kính này.

Khủng hoảng thế giới.

Sự đe doạ cho nền hoà bình thế giới tại thời điểm khởi đầu của ngàn năm thứ ba là lý do thứ hai mà ĐTC JP II mời gọi hãy tái khám phá lòng sùng kính Kinh Mân Côi. Trong tông thư Kinh Mân Côi, ngài đề cập đến cuộc tấn công khủng bố tại toà tháp đôi của Mỹ ngày 11.9.2001 cũng như các cuộc bạo động và đổ máu khác đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Đứng trước tình trạng thế giới có thể đang ở bên bờ của việc tàn phá lớn lao. Ngài mời gọi chúng ta hãy quay lại với sức mạnh nhiệm mầu kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hoà bình. Theo ngài, Kinh Mân Côi là kinh thích hợp nhất cho việc cầu nguyện hoà bình bởi vì kinh này dẫn chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô, hoàng tử của bình an.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể tự hỏi: Làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm mầu nhiệm về Hài Nhi Bethlehem, trong mầu nhiệm mùa Vui, mà lại không cảm nghiệm ước muốn chào đón, bảo vệ thai nhi, cổ võ sự sống và gánh vác những nhọc nhằn của những em bé đang đau khổ trên toàn thế giới? Làm sao chúng ta có thể bước theo chân Chúa Cứu Thế trong mầu nhiệm Sự Sáng mà không quyết tâm để làm chứng các nhân đức của Người trong cuộc sống hằng ngày? Làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm việc Chúa vác thánh giá và tử nạn mà lại không cảm nhận một sự cần thiết để trở thành một Simon thành Cyrene cho anh chị em mình những người đang bị đau khổ và thất vọng? Và làm sao chúng ta có thể chiêm ngắm sự vinh quang phục sinh của Chúa mà lại không khao khát để làm cho thế giới này được tốt đẹp hơn, công chính hơn, và gần gũi với chương trình của Chúa hơn?

Khủng hoảng gia đình.

Gia đình là cơ chế căn bản và quan trọng nhất của xã hội, đang bị tấn công dữ dội nhất từ trước đến nay, và điều này có những hậu quả bi thảm của nó - Hôn nhân đổ vỡ và gia đình tan nát dẫn đến những tâm hồn đổ vở và những cuộc sống tan nát. Trong khi, nền văn hoá càng lúc càng ít nâng đỡ hôn nhân và cuộc sống gia đình truyền thống, những trào lưu ý thức hệ đẩy mạnh việc tái định nghĩa những gì mà hôn nhân thực sự phải là.

Trong xã hội hiện nay có thể ai cũng có thể cảm nghiệm được điều này: chúng ta thường quá bận rộn để làm nhiều việc khác đến nổi nhiều gia đình đã không có thời gian để thực sự nói chuyện với nhau, nhìn vào mắt nhau, bước vào cuộc sống của nhau, và tìm hiểu tâm hồn của nhau. Ngay cả trong những gia đình công giáo tốt, cha mẹ làm việc về nhà rất trễ, và con cái thường có những sinh hoạt khác của riêng các em. Một số thành viên gia đình mặc dầu ở ngay trong nhà nhưng lại thường bận rộn với những việc làm riêng của họ, người này lên Internet, người kia chơi computer game, người nọ nói chuyện điện thoại, và vì thế đã ít tìm cách để có những cuộc nói chuyện thân tình với nhau (3).

Đứng trước trình trạng này, có lẽ chúng ta cần lấp đầy cuộc sống bằng những hình ảnh mầu nhiệm ơn cứu độ: hình ảnh của Đấng cứu thế, của mẹ Maria thay vì những hình ảnh của tài tử điện ảnh, ca sĩ qua việc lần hạt chung trong gia đình. Có hình ảnh nào tốt để giới thiệu cho con cái hơn là hình ảnh của Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong các mầu nhiệm cứu độ?

Trong cái nhìn này chắc chắn kinh mân côi là một "trợ giúp tâm linh thâm sâu mà chúng ta không thể coi thường được" (4). Bởi vì khi hướng về Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong kinh mân côi, chúng ta lấy lại khả năng để nhìn vào nhau để hiệp thông, để đoàn kết, để tha thứ và để nhận ra giao ước tình yêu liên đới của chúng ta được canh tân trong Thánh Thần của Thiên Chúa (5).

Ngày nay, trong khi nền hoà bình thế giới có thể đang bị đe doạ nặng nề và cuộc sống gia đình có thể bị đau khổ trầm trọng, chúng ta hãy hiệp thông cuộc sống của mình nhiều hơn nữa với Chúa Giêsu bằng cách suy niệm những mầu nhiệm cứu độ trong lời kinh nguyện này như lời Mẹ nhắn nhủ năm xưa.

Qua biến cố hiện ra tại Fatima cho chúng ta một sự khích lệ và an ủi rằng Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta không bỏ rơi nhân loại. Mẹ luôn hiện diện, và theo dõi nhân loại như là một phát ngôn viên và bảo chứng cho lòng Chúa Thương Xót dành riêng mỗi người. Mẹ không bỏ chúng ta nếu chúng ta thực hiện lời Mẹ mà Mẹ đã bảo cho những người giúp việc trong tiệc cưới Cana - hãy làm những gì Chúa bảo.

FX Nguyễn Văn Tuyết

Footnotes:

 1. John Paul II, Rosarium Virginis Mariae (RVM), 4.

2. C. Grossman, “Pope Revamps Rosary for a New Generation,” in USA Today (Oct 17,2002), Section D, 11.

3. RVM, 41.

4. RVM, 42

5. RVM, 41