KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Những Lời Thưa - đáp Trước Kinh Nguyện Thánh Thể Có Y Nghĩa Gì?
Câu hỏi: Thưa cha trong phần kinh nguyện thánh thể chúng con thường thưa đáp những lời như khi cha chủ tế mời gọi như Chúa ở cùng anh chị em. Và ở cùng cha. Hãy nâng tâm hồn lên. Chúng con đang hướng về Chúa. Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Thật là chính đáng. Cha có thể cho chúng con biết ý nghĩa của những lời thưa này được không ạ?.

 

Trả Lời:

Kinh Nguyện Thánh Thể.

Kinh Nguyện Thánh Thể mở đầu bởi ba câu thưa đáp được đọc từ thế kỷ thứ ba, trong lời nguyện thánh thể của thánh Hippolyptus (năm 215).

Chúa ở cùng anh chị em.

Và ở cùng cha.

Hãy nâng tâm hồn lên.

Chúng con đang hướng về Chúa.

Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Thật là chính đáng.

Chúa ở cùng anh chị em.

Lời mở đầu này được dùng trong phần nhập lễ và trước khi đọc Phúc âm. Như đã giải thích trước đây, lời chào này được dùng cho những người được sai để thi hành những sứ vụ khó khăn vì thế họ cần Thiên Chúa ở với họ khi thi hành sứ vụ đã được giao phó. Lời chào này được lập lại ngay lúc chúng ta sắp bước vào phần thánh thiêng nhất của Thánh Lễ: Kinh Nguyện Thánh Thể. Cả linh mục và giáo dân cần Thiên Chúa ở với họ đang lúc tất cả bước vào mầu nhiệm thánh thể. Để có thể bước vào mầu nhiệm này một cách nghiêm chỉnh. Linh mục mời gọi mọi người hãy nâng tâm hồn lên.

Hãy nâng tâm hồn lên.

Trong kinh thánh, tâm hồn là tâm điểm ẩn dấu của một cá nhân nơi mà tư tưởng, cảm xúc, và việc làm phát xuất. Tất cả những chủ ý và xác tín đến từ tâm hồn của con người. Vì thế, khi mời gọi Hãy nâng tâm hồn lên, cha chủ tế mời gọi mọi người hãy tập trung sự chú ý đến những gì đang sắp được tỏ lộ. Đây là lời gọi thức giấc để bỏ qua những lo lắng và tập trung tâm trí, cảm xúc và ước muốn của tâm hồn vào mầu nhiệm siêu phàm đang xảy ra. Lời mời gọi này nhắc lại lời của thánh Phaolô cho tín hữu Colôsê: Lòng trí hãy hướng về những điều trên cao, đừng (hứng) về những điều dưới đất. Và như thánh Phaolô mời gọi hãy tìm kiếm những điều trên cao (Col 3:1-2), vì thế trong thánh lễ chúng ta cũng hướng về những việc trên thiên đàng nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.

Sự chú ý hoàn toàn của chúng ta.

Thánh Cyprian (258 A.D), giải thích cách mà lời mời gọi này giúp chúng ta không nên chia trí về những việc thế gian nhưng haỹ suy tư về gì sẽ đang xảy ra trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Ngài nói: Khi cầu nguyện, thưa anh em, chúng ta phải sốt sắng và chú ý với toàn thể tâm hồn vào lời cầu nguyện của mình. Hãy bỏ tất cả những ý tưởng xác thịt và thế gian, cũng đừng để linh hồn chúng ta tại thời điểm đó suy nghĩ về bất cứ điều gì nhưng chỉ trong cầu nguyệnVì lý do này mà các linh mục trước khi cầu nguyện, đã chuẩn bị tâm trí của anh em bằng lời mời gọi:

Hãy nâng tâm hồn lên, với lời thưa lại của anh chị em: chúng con đang hướng về Chúa, và cũng trong lời mời gọi này chính vị linh mục cũng được nhắc rằng chính ngài cũng không được nghĩ gì ngoại trừ Thiên Chúa. Bởi vì trong giây phút đặc biệt này tâm hồn chúng ta phải ở với Chúa.

Tạ Ơn Chúa. Trong lời trao đổi cuối cùng. Linh mục mời Hãy tạ ơn Chúa là thiên chúa chúng ta…Lời này lập lại lời tán tụng trong Kinh Vinh Danh và trong lời đáp sau các bài đọc – tạ ơn Chúa.

Tạ ơn là lời thưa rất thông dụng trong kinh thánh đối với lòng nhân lành của Chúa và đối với công cuộc cứu độ của Người trong cuộc sống chúng ta. Trong thánh vịnh (Tv 136:1-3; 107:8, 15, 21, 31), trong truyền thống Do Thái, tạ ơn là một việc chúng ta làm để dâng lên Chúa. Thánh Phaolô cũng dạy rằng cuộc sống Kitô hữu phải được đánh dấu bởi cầu nguyện và tạ ơn (Col 2:7). Tạ ơn Chúa trong tất cả những việc chúng ta làm (Col 3:17) và trong mọi trường họp (1 Thess 5:18) đặc biệt trong thờ phượng ( 1 Cor 14:16-19; Eph 5:19-20; Col 3:16). Theo truyền thông Kinh Thánh này, mà linh mục mời gọi chúng ta hãy tạ ơn Chúa tại thời điểm quan trọng này của thánh lễ. Giống như người Do Thái cổ xưa tạ ơn Chúa vì đã giải thoát họ khỏi tay kẻ thù, chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì đã gởi Con Một của Người xuống thế để chuộc tội chúng ta. Và giờ đây hành động cứu chuộc của Chúa lại sắp được diễn ra trong phụng vụ, và vì thế chúng ta khiêm nhường biểu lộ lòng biết ơn của chúng ta.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì phép lạ sẳp xảy. Khi bánh và rượu trên bàn thờ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong bí tích thánh thể. Đây là lý do chúng ta thưa Thật là chính đáng để biểu lộ sự biết ơn của mình.

Sau lời mời gọi tạ ơn, linh mục chủ tế cầu nguyện với Chúa trong Kinh tiền tụng. Trong kinh tiền tụng này linh mục không cầu nguyện cho chính ngài nhưng cống hiến lời cầu nguyện này nhân danh chúng ta là những người vừa mới biểu lộ ước muốn tham dự với linh mục chủ tế trong việc tạ ơn khi thưa rằng Thật là chính đáng. Đây chính là ý nghĩa của lời nguyện mà linh mục đọc trong kinh nguyện thánh thể: Chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Như vậy xin Chúa ở cùng chúng ta khi tham dự thánh lễ, tập trung tâm trí và một tâm tình cảm tạ là thái độ cần thiết khi chúng ta tham dự mầu nhiệm thánh. Đó là ý nghĩa của những lời thưa đáp trên.

Lm FX Nguyễn VănTuyết