KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Những vấn đề thường xuyên của chủ nghĩa giáo quyền.
Câu hỏi: con dự lễ tại nhiều nhà thờ, con thấy có cha dâng lễ theo nghi thức nửa cũ nửa mới,trong khi dâng lễ theo nghi thức mới sau công đồng Vatican II nhưng đôi khi cũng thêm vào những nghi thức trước công đồng Vatican II. Và cũng có cha theo nghi thức mới nhưng lại quá mới giống như một thức talk show. Xin cha cho con biết ý nghĩa thực sự về phụng vụ thánh lễ và Đâu là những vấn đề căn bản trong phụng vụ ngày nay của giáo hội?

Trả lời: Câu trả lời đơn giản là chủ nghĩa giáo quyền. Chủ nghĩa giáo quyền không có nghĩa là sự hiện hữu của chức linh mục trong giáo hội. Khi nói đến chủ nghĩa giáo quyền, chúng ta cần hiểu theo khuynh hướng cua chữ “chủ nghĩa”, một sự biến dạng về một việc tốt và cần thiết đối với cuộc sống của giáo hội: tác vụ phụng vụ của những người chịu chức thánh.

Chủ nghĩa Phụng vụ giáo quyền xảy ra khi vai trò của người chịu chức thánh lấn quyền các nghi thức phụng vụ của giáo hội và không cho phép giáo dân tham gia một cách tích cực và hoàn toàn vào phụng vụ mà công đồng Vatican II mời gọi.

Hiện nay có hai loại chủ nghĩa phụng vụ giáo quyền này – thứ nhất phụng vụ theo lối cũ – nghĩa là theo nghi thức tiền công đồng vatican II và thứ hai theo nghi thức mới – các nghi thức hậu công đồng Vatican II.

Trong nghi thức cũ, linh mục làm mọi việc từ đọc sách, đọc lời nguyện giáo dân hoặc gíup lễ, nghi thức chúc bình an cũng bị loại bỏ, giáo dân không được phép cầm chén thánh và đặc biệt phụ nữ không được phép vào phòng thánh.

Hiện nay, nghi thức cũ này có vẻ như được hồi phục, khi mà nhiều linh mục trẻ muốn dâng lễ bằng tiếng La tinh thay vì tiếng địa phương. Một thái độ có vẻ như không để ý nhiều đến sự thật rằng nhiều giáo dân không hiểu tiếng La tinh.

Loại thứ hai của chủ nghĩa phụng vụ giáo sĩ – theo nghi thức kiểu mới – phần lớn là sản phẩm của thời hậu công đồng vatican II, và việc cử hành theo kiểu mới này thường được tìm thấy giữa các linh mục thuộc thế hệ lớn hơn. Loại này thường ám chỉ như là hình thức “talk show” khi cử hành bí tích thánh thể - cũng giống như loại cũ, loại này thường tập trung một cách quá đáng đến vai trò của linh mục và tước đi quyền tham dự của giáo dân, là những người có quyền tham dự tích cực trong các nghi thức phụng vụ của giáo hội trong sự toàn vẹn của nó.

Chiều hướng của các linh mục thuộc truyền thống này tập trung quá nhiều đến cá nhân, và việc không thể đoán trước được khi các ngài cử hành bản văn và nghi thức thử nghiệm có ảnh hưởng đến việc tổn hại mục đích của phụng vụ và có nguy cơ biến việc thờ phượng thành việc trình diễn có tính cá nhân.

Đặc tính của cuộc sống phụng vụ của một giáo xứ và cộng đồng một cách căn bản, dù thích hay không thích, đều lệ thuộc vào sự lãnh đạo của linh mục chính xứ. Một linh mục lãnh đạo khôn ngoan thường tôn kính, phó thác và trung thành đối với những nghi thức chính thức của gíao hội, nhìn nhận chúng như là môi trường truyền đạt ân sủng của Chúa, và tôn trọng chân giá trị bí tích rửa tội của người giáo dân đang thờ phượng xuyên qua các nghi thức đó. Thế nhưng làm sao để có thể thực hiện được việc này?

Các linh mục thích những nghi thức cũ cần phải nhìn nhận các giá trị của thánh lễ được công đồng Vatican II chấp nhận, thí dụ như phải được cử hành theo tiếng địa phương và cho phép giáo dân tham dự một cách tích cực.

Các linh mục theo lối mới cũng cần phải học hỏi tính quan trọng của việc tôn trọng mục đích của phụng vụ. Để ý đến sự thật rằng họ là những người phục vụ của phụng vụ chứ không phải là chủ của phụng vụ; và sự cần thiết để việc tránh bất cứ điều gì có thể gây sự ngộ nhận hoặc xúc phạm đến cộng đoàn đang tham dự. Và nhất là biết nhìn nhận những giá trị của tiền công đồng Vatican, đặc biệt trong lãnh vực âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc, cũng những cách thờ kính nghiêm trang của nó.

Những điều này nhắm tới việc huấn luyện tại các chủng việc trong vai trò lãnh đạo phụng vụ, việc huấn luyện thường xuyên các linh mục sau khi đã chịu chức về những vấn đề phụng vụ, và sự lưu tâm đến cuộc sống phụng vụ tại các giáo xứ của các giám mục.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết