KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Tại Sao Đọc Kinh Lạy Cha Trước Khi Rước Lễ?
Câu hỏi: Trước khi rước lễ, thường linh mục chủ tế mời gọi mọi người đọc Kinh Lạy Cha. Cha có thể cho chúng con biết ý nghĩa và lý do khi phải đọc Kinh Lạy Cha trong thánh lễ.

Trả Lời: Đến phần này, bánh và rượu đã được truyền phép. Thiên Chúa thực sự hiện diện giữa chúng ta. Chỉ trong một vài phút nữa chúng ta sẽ nhận lấy Mình và Máu Chúa Kitô.

Trong phần kế tiếp của thánh lễ bao gồm Kinh Lạy Cha, nghi thức ban bình an, kinh Chiên Thiên Chúa, và những nghi thức chuẩn bị khác – là các phương tiện đưa dân Chúa đến điểm thánh thiêng nhất của hiệp lễ và giúp bảo đảm rằng họ được chuẩn bị đầy đủ để nhận lấy Mình Máu Thánh Chúa. Kinh Lạy Cha được Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ (Mt 6:9-13; Lk 11:1-4) và được đọc trong thánh lễ trong nhiều thế kỷ.

Đối với một số người, đây có thể là một lời cầu nguyện bình thường mà chúng ta học khi còn bé và giờ đây chỉ lập lại trong thánh lễ mà không hiểu rằng nó còn có một ý nghĩa quan trọng hơn bởi sự nhấn mạnh của linh mục qua lời mời gọi trước khi đọc kinh lạy cha: Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy chúng ta dám nguyện rằng. 

Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất của Kinh Lạy Cha là kinh này hướng chúng ta đến việc gọi Chúa là Cha. Người Do Thái cổ xưa chắc chắn đã nhìn nhận Thiên Chúa là Cha của dân Israel, nhưng để một cá nhân gọi Thiên Chúa là Cha đối với họ là một điều không bình thường. Thế nhưng chính Chúa Giêsu đã dạy điều này cho chúng ta. Abba - Lạy Cha (Mk 14:36; Rom 8:15; Gal 4:4-6).

Từ ngữ này nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết mà chúng ta đang có với Thiên Chúa vì công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu. Qua sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Giêsu. Chúng ta trở thành con trong Chúa Con. Thiên Chúa Đấng ngự trên trời trở thành Cha chúng ta được nhắc đến trong lời mở đầu của Kinh Lạy Cha.

Đại danh từ “Chúng Con” trong Kinh Lạy Cha còn có ý nghĩa rất quan trọng. Nó điểm tới sự hiệp nhất sâu xa mà chúng ta có với nhau và với Chúa Cha trên thiên đàng. Tất cả chúng ta hiệp nhất trong Chúa Kitô thực sự là anh chị em trong Người. Trong Chúa Kitô, Cha của Chúa Giêsu trở thành Cha của chúng ta và tất cả chúng ta là con cái của Cha trong gia đình giao ước của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha được chia thành bảy lời thỉnh cầu với ba lời đầu tập trung vào Chúa Cha – Danh Cha cả sáng, Nước Cha ngự đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời và bốn lời sau tập trung vào nhu cầu của chúng ta, cho chúng con lương thực hằng ngày, tha nợ chúng con, chớ để chúng con sa chước cám dỗ và cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Danh Cha cả sáng (St 32:28-29; Ex 3:14-15; Is 52:6). Lời này cầu xin danh Chúa được cả sáng: rằng Thiên Chúa và tên của Người có thể được nhận ra và được nhìn nhật là thánh thiêng.

Nước Cha trị đến (Is 40:9-11; 52:7-10; Zec 14:9, 16-17) là lời cầu xin Nước Chúa sẽ được chấp nhận trong toàn thế giới, trong mọi tâm hồn, bắt đầu từ chính chúng ta.

Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời: Trên thiên đàng Ý Cha được vâng lời một cách hoàn toàn bởi các thiên thần và các thánh. Và bây giờ chúng ta cũng cầu nguyện rằng trên trái đất này, chúng ta cũng thờ phượng và vâng lời Chúa giống như vậy.

Xin cho chúng con lương thực hàng ngày: Trong Kinh Thánh, bánh là lương thực căn bản và được xem như là cần thiết để sống còn. Bánh không chỉ đem đến cho chúng ta ý nghĩa về thức ăn và nuôi dưỡng, nó cũng là biểu tượng cho việc trợ giúp cuộc sống. Lương thực hàng ngày mà Kinh Lạy Cha nói tới ám chỉ đến nhu cầu hàng ngày của chúng ta. Nó nhắc đến của ăn mana được ban cho dân Do Thái khi còn trong sa mạc (Ex 16:16-22). Giống như Chúa ban cho mỗi người phần lương thực đủ cho cuộc sống hằng ngày thì Người cũng tiếp tục cung cấp các nhu cầu cần thiết của chúng ta. Cuối cùng, thỉnh cầu này cũng ám chỉ đến bí tích Thánh Thể, Bánh sự sống chúng ta đang sắp lãnh nhận trong phần hiệp lễ.

Tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nỡ chúng con. Trước khi nhận lấy Mình Thánh Chúa, chúng ta cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi để chúng ta được thanh tẩy, để qua đó tâm hồn chúng ta có thể trở thành nhà tạm thánh thiêng để Chúa Giêsu ngự vào. Tuy nhiên Lòng thương xót của Chúa không thể thấm nhập vào tâm hồn nếu chúng ta không thể tha thứ những người có lỗi với mình (CCC 2840). Chúa dạy phúc cho ai có lòng thương xót thì sẽ được xót thương (Mt 6:14-15; 18:23-35). Tương tự như vậy, trước khi bước đến bàn thánh để nhận lấy Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng được mời gọi để tha thứ những người có lỗi với mình và để được hoà giải với anh chị em chúng ta.

Đừng để con sa chước cám dỗ: lời thỉnh cầu này không phải là lời cầu nguyện để tránh tất cả những thử thách và cám dỗ trong cuộc sống. Kinh thánh diễn tả diễn tả điều này như sau Chúa không cho phép chúng ta bước vào cám dỗ trong ý nghĩa của việc nhượng bộ hoặc chịu thua đối với nó. Lời cầu nguyện có ý nghĩa rằng Chúa sẽ thêm sức để chúng ta vượt qua những cám dỗ chúng ta đối diện. Đức thánh cha Bênêđíctô 16 dạy rằng “lời thỉnh cầu này, diễn tả cách mà chúng ta thưa với Chúa rằng con biết con cần thử thách để bản tính của con được tinh tuyền. Khi Chúa quyết định gởi đến con những thử thách này thì xin nhớ rằng sức con có giới hạn. Đừng đánh giá khả năng con quá cao. Đừng tạo ra một ranh giới quá rộng khiến con bị cám dỗ, nhưng hãy ở gần con với bàn tay bảo vệ của Chúa và khi cám dỗ trở nên quá sức đối với con.” (1)

Xin Cứu con khỏi mọi sự dữ: Lời thỉnh cầu này nhắc rằng sự dữ không phải là một điều gì đó trừu tượng. Nó không phải là một sự việc xấu xảy ra bất ngờ trong thế giới nhưng ám chỉ đến một cá nhân – Satan, một thiên thần sa ngã chống đối Thiên Chúa và lãnh đạo những thiên thần khác tham gia vào cuộc nổi loạn của nó (CCC 2851-4). Vì thế, trong lời thỉnh cầu cuối cùng này chúng ta xin Chúa cứu chúng ta ra khỏi Satan, ra khỏi tất cả những sự dối trá, việc làm, và những lừa đảo của nó.

Đó là ý nghĩa của Kinh Lạy Cha trong thánh lễ. Để hiểu rõ hơn chúng ta sẽ bàn thêm về lời nguyện sau Kinh Lạy Cha mà linh mục sẽ đọc. Lời nguyện đó bổ túc nhiều cho ý nghĩa của bốn lời thỉnh cầu cuối cùng của Kinh Lạy Cha.

LM FX Nguyễn Văn Tuyết