KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Tại Sao Không Nên Hợp Pháp Hoá Trợ Tử (Euthanasia)
Câu hỏi: Thưa cha con muốn viết thư lên dân biểu đại diện vùng của con để nói lên cái nhìn của con về trợ tử trước quốc hội tiểu bang. Xin cha giúp cho con một vài ý kiến về điều này?

Trả lời: Thật là quan trọng làm mọi việc có thể để tránh việc hợp pháp hoá trợ tử hoặc giúp tự tử. Tôi có thể đưa ra 6 lý do cho việc này:

Thứ nhất, dự luật đang được đưa ra quốc hội tiểu bang New South Wales cũng như Victoria nhắm cho phép bất cứ những ai trên 25 tuổi đang đau đớn có thể được trợ giúp để chấm dứt cuộc sống của họ nếu có hai bác sĩ xác định rằng người đó đang bị bệnh hoặc điều kiện sức khoẻ đang có của họ sẽ bị chết trong vòng một năm. Dự luật này cho phép các bác sĩ ra toa cho các bệnh nhân một loại thuốc để giết chính họ, và giúp bệnh nhân nếu được họ yêu cầu. Bệnh nhân cũng có thể đề nghị một người khác giúp họ làm việc này.

Trong chúng ta, nhiều người có lẽ đã có kinh nghiệm được bạn bè tâm sự rằng họ đã được bác sĩ cho biết chỉ còn sống được vài tháng thế nhưng họ lại sống lâu hơn là điều mà bác sĩ cho biết, thậm chí có người đã được bình phục. Trong trường hợp này nếu chọn để chấm dứt cuộc sống đang lúc bị bệnh, thì đây là một điều mất mát lớn lao cho họ và gia đình của họ! Phán đoán sai lầm có thể xảy ra trong cuộc sống vì thế hợp pháp hoá trợ tử sẽ làm tăng thêm những nguy cơ sai lầm này.

Thứ hai, cho phép trợ tử đưa ra một tiêu chuẩn hai mặt về cách mà một xã hội đánh giá cuộc sống. Một mặt chúng ta xót xa đau khổ khi biết một người đã chấm dứt cuộc sống của họ qua việc tự tử, đặc biệt khi việc này xảy ra nơi một người trẻ, và chúng ta cố gắng làm mọi cách để ngăn cản việc tự tử này. Thế nhưng mặc khác, chúng ta lại hợp pháp hoá trợ tử để chúng ta có thể giúp người khác chấm dứt mạng sống của họ qua cái gọi là trợ tử hay giúp người tự tử. Như vậy thì đâu là sứ điệp mà chúng ta muốn nói với những người đang có ý định tự tử?

Thứ ba, hợp pháp hoá giúp người tự tử có thể dẫn đến việc gia tăng tỉ lệ tự tử. Một khi việc giúp tự tử được đón nhận như là một việc được xã hội chấp nhận thông qua việc hợp pháp hoá trợ tử, nó có thể dẫn đến những việc như những người không bị đau đớn vì những căn bệnh bất trị cũng có thể chấm dứt cuộc sống của họ. Điều này đã xảy ra tại Oregon, tiểu bang đầu tiên hợp pháp hoá trợ tử, nơi có tỉ lệ tự tử cao hơn 40% so với tỉ lệ trung bình tại Mỹ. Thử tự hỏi xem, chúng ta có muốn điều này xảy ra trên đất nước chúng ta hay không?

Thứ tư, khi mở cửa cho việc hợp pháp hoá trợ tử và giúp người tự tử, việc giết người sẽ mở rộng ra nhiều trường hợp hơn. Thí dụ, tại sao chỉ có người 25 tuổi đang bị đau đớn vì ung thư mới có thể để bác sĩ giúp họ chấm dứt cuộc sống trong khi một người 25 tuổi khác bị đau đớn vì những căn bệnh khác lại không thể được? Sự đau đớn của người bị bệnh ung thư có thể chỉ kéo dài trong vòng một năm trong khi đó người bị những căn bệnh khác có thể kéo dài đau đớn của họ trong nhiều năm. Như vậy ai đau đớn nhiều hơn. Luật pháp trong trường hợp này rõ ràng kỳ thị. Vì thế chúng ta không nên mở rộng điều này.

Thứ năm, trợ tử không phải là thương xót. Đây không phải là cách giải quyết đối với sự đau đớn. Thánh Gioan Phaolô 2 viết trong Evangelium vitae rằng “trợ tử phải được gọi là một sự thương xót sai lầm, và thực sự đó là một sự xuyên tạc về lòng thương xót. Lòng thương xót đích thực dẫn đến việc chia sẻ sự đau đớn của người khác chứ không phải giết người đang đau đớn vì chúng ta không thể chịu đựng được. Thêm vào đó, hành động trợ tử sẽ trở nên nguy hại hơn nếu nó được thực hiện bởi thân nhân, những người đáng ra phải đối xử với thành viên gia đình với sự kiên nhẫn và yêu thương, hoặc bởi những người, như các bác sĩ, là những người mà theo đạo đức nghề nghiệp phải chăm sóc bệnh nhân ngay cả đang trong những giai đoạn đau đớn cuối cùng "(EV 66).

Thứ sáu, các nhà chuyên nghiệp y khoa được huấn luyện để chữa lành và bảo vệ sự sống chứ không phải để chấm dứt sự sống. Trong lời tuyên thệ của các bác sĩ có từ thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm trước Chúa Giáng sinh chứa đựng những lời như sau: Tôi sẽ dùng việc chữa lành để giúp bệnh nhân theo khả năng và phán đoán của tôi, nhưng không bao giờ với cái nhìn gây nguy hại cho bệnh nhân.

Ông Donnelly, dân biểu thuộc đảng Lao động NSW, một người chống lại dự luật này cho biết Dự luật này sẽ mở cửa cho một sự chuyển đổi mới trong mối liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Hiện nay hệ thống y tế của Úc không cho phép giết người. Đây là lý do để nói rằng dự luật nà là một sự chuyển đổi nguy hiểm. Chúng ta giúp bệnh nhân cho đến cuối đời. Chúng ta không thể giết họ. Ông cũng cho biết thêm trong một tường trình của uỷ ban cải tổ luật pháp Commonwealth mới đây đã khám phá nhiều thí dụ gây nhiều sửng sốt về những người lớn tuổi yếu đuối bị ép buộc bởi các thành viên trong gia đình vì động cơ tài chánh. Ông nói: Chúng ta có thể tưởng tượng động cơ này sẽ cao như thế nào nếu luật trợ tử hiện hữu?.

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô 2 trong tông thư Evangelium vitae về trợ tử nói rằng: hiện nay chúng ta đang đối diện với một trong nhiều triệu chứng của “nền văn hoá sự chết,” đang gia tăng trong các xã hội giàu có được đánh dấu bởi thái độ đề cao quá mức về tính hiệu quả cho và xem việc gia tăng số người cao niên và tàn tật như là một điều gì đó quá quắt và gánh quá nặng của xã hội" (EV 64).

Trợ tử tạo ra một sự tổn hại to lớn. Nó đi ngược lại với lập trường và lương tâm bác sĩ. Chúng ta không thể kỳ vọng rằng một bác sĩ lại dùng khả năng để chấm dứt mạng sống bệnh nhân của họ. Trong cái nhìn này chúng ta phải làm mọi cách để ngăn cản việc hợp pháp hoá việc trợ tử hoặc giúp tự tử. Hiện nay Lãnh đạo các mạng lưới chăm sóc sức khỏe Công Giáo tại Úc cam kết sẽ không tạo dễ dàng cho hình thức trợ tử tại các cơ sở của họ cho dù nếu dự luật trợ tử được nghị viện thông qua. Họ sẽ tuân hành nghiêm chỉnh nguyên tắc là “không gây hại.”

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết