KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Tại Sao Ngày Của Chúa Là Ngày Chúa Nhật?
Câu hỏi: Tại sao ngày của Chúa được cử hành vào Chúa Nhật? Hay nói cách khác khi nào và tại sao các Kitô hữu đầu tiên thay đổi ngày thờ phượng từ thứ Bảy sang Chúa Nhật?

Trả lời: Câu hỏi này đưa đến giới răn thứ ba: Giữ ngày Sabath hoặc giữ sự thánh thiêng Ngày của Chúa.

Ngày Sabath của người do thái là ngày thứ bảy trong tuần. Thứ Bảy, cũng là ngày nghỉ lễ của người Do Thái. Trong sách Xuất hành Chúa giải thích cho Môisen như sau: Sáu ngày người ta sẽ làm việc, vào ngày thứ bảy: tức là Hưu lễ, đại hưu, ngày thánh dâng Yavê (Ex 31:15).

Để hiểu điều này, chúng ta cần quay lại tường thuật về công trình sáng tạo của Chúa: Ngày thứ Bảy Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người làm. Và ngày thứ bảy Người đã nghỉ mọi công việc Người làm và Thiên Chúa chúc phúc cho ngày thứ Bảy (Gen 2:2-3). Như vậy, vấn đề được nêu lên ở đây là khi nào các Kitô hữu đổi ngày nghỉ và thờ phượng vào Chúa Nhật?

Thưa rằng điều này xảy ra hầu như ngay lập tức sau khi Chúa Phục Sinh. Sách Công vụ tông đồ nói: Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi hội lại để bẻ bánh, thì Phaolô đã giảng giải cho họ (CVTĐ 20:7). Ngày thứ nhất trong tuần là Chúa Nhật và việc bẻ bánh là việc cử hành bí tích thánh thể hoặc thánh lễ. Tương tự trong didache, được viết vào thế kỷ thứ nhất, rằng “vào mọi ngày của Chúa các anh em tụ họp nhau, bẻ bánh, và tạ ơn (14:1a).

Ở đây, chúng ta ghi nhận ở đây cụm từ “Ngày của Chúa” được dành cho Chúa Nhật. Các Kitô hữu đầu tiên đã tụ họp vào ngày Chúa Nhật để cử hành bí tích thánh thể. Tuy nhiên trong thời gian đầu tiên, nhiều Kitô hữu tiên khởi cũng tiếp tục tham dự ngày hưu lễ tại đền thờ Do Thái vào ngày thứ Bảy. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong tông thư Dies Domini (1998), giải thích việc này như sau: các tông đồ, và đặc biệt thánh Phaolô, tiếp tục đến dự các ngày hưu lễ tại các đền thờ để ở đó họ có thể công bố Chúa Giêsu, và giải thích “lời của các tiên tri được đọc trong ngày Sabath” (CVTĐ 13:27).

Một số cộng đồng tiên khởi trong khi giữ ngày Sabath thì cũng cử hành ngày Chúa Nhật. Lý do khiến các Kitô hữu nguyên gốc do thái cử hành ngày thứ bảy là để duy trì bổn phận đối với luật cũ của họ (DD 23). Ngoài ra lý do chủ yếu cho việc tụ họp ngày Chúa nhật và gọi đó là ngày của Chúa là việc Chúa Giêsu phục sinh vào ngày đó, ngày đầu tuần (x. Jn 20:1). Thêm vào đó, việc ngự đến của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ ngũ tuần cũng xảy ra vào Chúa Nhật. Các kitô hữu đầu tiên còn đi xa hơn nữa khi kết hiệp ngày thứ nhất trong tuần với ngày thứ nhất của công trình sáng tạo.

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II viết rằng tư tuởng tự phát này của các Kitô hữu tiên khởi liên kết giữa việc Sống lại, “xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần,” với ngày thứ nhất của tuần lễ sáng tạo (x. St 1:1-2:4). Theo khuôn khổ câu chuyện sáng tạo thì ngày thứ nhất là ngày Chúa tạo dựng ánh sáng (x St 1:3-5). Sự liên kết này mời gọi một sự hiểu biết về sự Phục Sinh như là khởi đầu của một sự sáng tạo mới, hoa quả đầu mùa là sự vinh quang của Chúa Kitô, “trưởng tử giữa mọi thụ sinh” (Col 1:15) và “là trưởng tử giữa những kẻ chết” (Col 1:18; DD 24). Điều này ám chỉ rằng giống như ánh sáng được tạo dựng vào ngày thứ nhất, vì thế Chúa Giêsu là “ánh sáng của thế gian(Jn 8:12).

Giữa thế kỷ thứ hai, thánh Justin dùng chủ đề này, để giải thích tính quan trọng của ngày thứ nhất trong tuần vốn được đặt tên là mặt trời: chúng ta tất cả tụ họp nhau vào ngày mặt trời, vì đó là ngày thứ nhất (sau ngày Sabath nhưng cũng là ngày thứ nhất) khi Thiên Chúa, tách rời ánh sáng với tối tăm, tạo dựng thế giới, và trong cũng ngày này, Chúa Giêsu Đấng cứu độ cũng sống lại từ cõi chết (1 Apol. 67). Các Kitô hữu đầu tiên cũng ám chỉ Chúa Kitô là “Mặt Trời Công Chính” và vì thế điều này phù hợp với việc họ tôn vinh Thiên Chúa vào ngày này hơn là thờ phượng mặt trời như những người ngoại giáo đã làm.

Thánh Gioan Phaolô II, trích lời của thánh Basil, giải thích thêm “Chúa Nhật biểu trưng rằng ngày đó sẽ luôn hiện tại, một ngày không có kết thúc, một ngày được biết đến như không có buổi tối và buổi sáng. Chúa Nhật không ngừng nói trước về sự sống bất diệt vốn canh tân niềm hy vọng Kitô hữu và khích lệ họ trên đường đi” (On the Holy Spirit, 27, 66;DD 26).

Chúa nhật cũng là ngày thứ 8 và vì thế nó nhắc đến ngày không bao giờ chấm dứt là cuộc sống vĩnh cửu, nghĩ ngơi đời đời, với Thiên Chúa. Thánh Augustinô cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta “sự bình an của thinh lặng, bình an của Sabath, sự bình an không có bóng tối (Conf. 13, 50). Vì thế Chúa Nhật là ngày cử hành hàng tuần của Phục sinh, “Ngày của các ngày, và nó phải có một sự quan trọng trong cuộc sống của tất cả.”

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết