KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Tại sao chúng ta phải đọc kinh ăn năn tội trước thánh lễ?
Giống như dân Do Thái phải tắm rửa và giặt dũ quần áo của họ trước khi đến gần Chúa tại núi Sinai thì chúng ta cũng cần rửa sạch tâm hồn trước khi đến gần Chúa trong Thánh lễ.

Câu hỏi: tại sao phải đọc Kinh Ăn Năn tội hay còn gọi là Kinh Cáo Mình mà lại không là một kinh nào các kinh khác trước thánh lễ?

Tóm tắt: chúng ta được mời gọi để chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ thánh thiêng với Thiên Chúa khi tham dự thánh lễ. Chúng ta không thực sự xứng đáng để tham dự vào những việc này. Tội lỗi đã khiến chúng ta bất xứng để làm bất cứ việc gì trong thánh lễ. Và vì thế linh mục mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị chính mình để cử hành các mầu nhiệm thánh bằng cách khiêm nhượng thú nhận tội lỗi của mình một cách công khai trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Giống như dân Do Thái phải tắm rửa và giặc dũ quần áo của họ trước khi đến gần Chúa tại núi Sinai thì chúng ta cũng cần rửa sạch tâm hồn trước khi đến gần Chúa trong Thánh lễ.

Giải thích: Xuyên suốt Cựu ước, khi tỏ lộ lộ sự hiện diện cho dân chúng, Chúa thường tỏ hiện trong những trường họp bất ngờ. Và dân chúng thường đáp trả với một sự sợ hãi, được biểu lộ qua việc nằm xuống đất, hoặc che mặt để diễn tả sự bất xứng của họ khi đứng trước mặt thiên Chúa (Gen 17:2; 28:17; Ex 3:6; 19:16). Tương tự như vậy trong Tân ước, thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng có những hành động như vậy khi đột nhiên nhìn thấy sự vinh quang của Chúa được tỏ hiện trong biến cố hiển dung (Mt 17:6), và ngay cả thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền, khi bất ngờ nhìn thấy sự vinh quang của Chúa trong thị kiến về thiên đàng (Rev 1:17).

Tuy nhiên nếu được báo cho biết trước việc ngự đến của Thiên Chúa ở giữa họ, dân chúng sẽ có thời gian để chuẩn bị một cách cẩn thận cho cuộc gặp gỡ thánh thiêng này. Tại núi Sinai, dân Israel có ba ngày để chuẩn bị gặp Chúa, Đấng sẽ đến với họ trong cơn sấm chớp, trong đám mây và trực tiếp nói với họ về giao ước hay còn gọi là 10 giới răn. Trong những ngày chuẩn bị này, họ được hướng dẫn để thánh hiến chính họ cho Chúa và giặc dũ quần áo (Ex 19:9-19). Do đó họ không còn sợ hãi nhưng với một tinh thần chờ đợi.

Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ thánh thiêng với Thiên Chúa khi tham dự thánh lễ. Việc gặp Chúa của chúng ta mật thiết hơn so với dân Do Thái ngày xưa. Vì trong phụng vụ thánh, chúng ta ở gần Chúa, Đấng không chỉ hiện diện trong đám mây nhưng trong thân thể và máu của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Và chúng ta nhận lấy Chúa vào lòng qua mầu nhiệm hiệp thông của Bí Tích Thánh Thể.

Chúng ta không thực sự xứng đáng để tham dự vào những việc này. Tội lỗi đã khiến chúng ta bất xứng để làm bất cứ việc gì trong thánh lễ. Và vì thế linh mục mời gọi chúng ta hãy chuẩn bị chính mình để cử hành các mầu nhiệm thánh bằng cách khiêm nhượng thú nhận tội lỗi của mình một cách công khai trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Giống như dân Do Thái phải tắm rửa và giặc dũ quần áo của họ trước khi đến gần Chúa tại núi Sinai thì chúng ta cũng cần rửa sạch tâm hồn trước khi đến gần Chúa trong Thánh lễ. Giặc dũ là hình ảnh kinh thánh nói về việc trút bỏ tội lỗi (Tv 51:2:7).

Tôi thú nhận Cùng Thiên Chúa Cha Toàn Năng và Cùng Anh Chị Em

Lời cầu nguyện này có sự liên kết với truyền thống lâu đời trong kinh thánh về việc thú nhận tội lỗi của một cá nhân.  Thú nhận tội lỗi được khuyến khích trong các sách khôn ngoan của Kinh Thánh (Prv 28:13; Sir 4:26), và luật Cựu ước. Việc thú nhận tội lỗi của một cá nhân được tiếp tục trong Tân Ước, bắt đầu khi một nhóm đông theo Gioan Tẩy Giả và thú nhận tội lỗi trong bí tích thống hối của Gioan (Mt 3:6; Mk 1:5). Thánh Gioan dạy rằng chúng ta phải thú nhận tội lỗi của mình với niềm tin rằng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta. Thánh Gioan nói: Nếu thú tội của mình, Chúa là đấng tín trung và ngay thẳng, và sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và làm cho chúng ta được sạch từ những sự bất chính (1Jn 1:9). Thánh Giacôbê cũng cổ võ chúng ta hãy thú nhận tội lỗi của mình với người khác, mời gọi người khác cầu nguyện cho mình để nhờ đó mà được tha thứ (Jas 5:16).

Bởi vì thú nhận tội lỗi là một việc làm thông thường trong thời đại cổ xưa của dân Do Thái và trong thời tân ước, do đó không có gì phải ngạc nhiên rằng các kitô hữu tiên khởi đã thú nhận tội lỗi của họ trước khi tham dự bí tích Thánh Thể.

Tự Xét Lương Tâm

Trong Kinh Cáo Mình, chúng ta thú nhận tội lỗi không chỉ cùng Thiên Chúa Toàn Năng nhưng còn với Anh Chị Em. Lời kinh vì thế dựa theo lời mời gọi của thánh Giacôbê hãy thú nhận tội lỗi với nhau (Jas 5:16). Lời kinh này nhấn mạnh đến ảnh hưởng xã hội về tội lỗi. Nghĩa là tội của chúng ta ảnh hưởng đến mối liên hệ của mình với Chúa và với nhau.

Kinh Cáo Mình cũng thách thức chúng ta hãy tự xét nghiêm chỉnh bốn khía cạnh mà trong đó chúng ta có thể phạm tội: trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu xót. Bốn điểm này được xem như là một sự xét mình hoàn hảo.

Đầu tiên, trong tư tưởng: thánh Phaolô hô hào chúng ta hãy gìn giữ những ý tưởng của mình, giữ chúng chỉ tập trung vào những điều tốt, ngài nói: Kỳ dư, hỡi anh em, phàm những gì là chân thật, những gì là khả kính, những gì là công minh, những gì là tinh tuyền, những gì là khả aí, những gì là danh thơm tiếng tốt, và nếu có nhân đức nào, nếu có điều đáng khen nào, anh em hãy chú trọng đến tất cả (Phil 4:8). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra nhiều lời cảnh cáo về cách mà chúng ta có thể phạm tội trong tư tưởng. Thí dụ, không cần phải gây thương tích thể lý cho người khác, chúng ta cũng có thể phạm tội qua việc giận dữ với người khác (Mt 5:22). Không cần chạm vào người khác phái, chúng ta cũng có thể phạm tội ngoại tình xuyên qua những ý nghĩ dục vọng (Mt 5:27-28). Phán xét người khác (Mt 7:1), lo sợ về tương lai, hoặc rơi vào nỗi thất vọng là những cách có thể khiến chúng ta phạm tội về tư tưởng (Mt 6:25-34).

Thứ hai: trong tư tưởng: Thư thánh Giacôbê cảnh giác chúng ta rằng lưỡi của mình là ngọn lửa nóng. Lời nói có thể được dùng để chúc lành hay chúc dữ, và khi nó được dùng cho việc xấu nó sẽ gây ra sự rối loạn, ngài nói: lưỡi chỉ là phần mình cỏn con, mà vinh vang được nhiều điều vĩ đại. Tàn lửa nhỏ bé thế mà đốt cháy đám rừng lớn thế! (Giacôbê 3:5). Kinh thánh nói nhiều về lời nói được dùng để gây thiệt hại người khác. Thí dụ: tin đồn (2 Cor 12:20; 1 Tm 5:13; Rom 1:29), vu khống (Rom 1:30; 1 Tm 3:11), lăng mạ (Mt 5:22); nói láo (Col 3:9; Wis 1:11; Sir 7:12-13) và khoe khoang (Tv 5:5; 75:4; 1 Cor 5:6; Jas 4:16). Đây là những tội về ngôn ngữ mà chúng ta được thú nhận trong kinh Ăn Năn Tội.

Thứ ba: trong việc con làm; Khía cạnh này chứa đựng điều mà hầu hết mọi người nghĩ về tội lỗi – những hành động trực tiếp làm đau lòng người khác hoặc mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa. Song song điều này, 10 điều răn thường được dùng như là nền tảng cho việc tự xét lương tâm.

Thứ bốn: trong những điều thiếu xót: Đây là phần thách đố lớn nhất. Không chỉ chúng ta chịu trách nhiệm cho tính ích kỷ, kiêu ngạo, và những việc làm xấu của mình nhưng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc làm tốt mà chúng ta không làm! Như thánh Giacôbê nói bất cứ ai biết những gì đúng để làm mà không làm, đó là tội (Jas 4:17).

Phần này của kinh ăn năn tội nhắc rằng con đường Kitô giáo không chỉ là tránh những tư tưởng, lời nói, ước muốn và việc làm tội lỗi nhưng còn là sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Chúng ta phải mặc lấy Chúa Kitô và các nhân đức của Người. Chúa Giêsu không muốn chúng ta chỉ tránh tội lỗi nhưng còn muốn chúng ta hãy trưởng thành trong tình yêu tự hiến của Người.

Đây là lý do mà tội của chàng thanh niên trẻ giàu có là đáng thương. Mặc dầu anh giữ tất cả giới răn nhưng lại không muốn đáp trả lời mời gọi của Chúa. Anh không thể từ bỏ tất cả những gì anh có cho người nghèo, và theo Chúa. Mặc dầu anh có thể nhận được điểm tối đa 10/10 trong việc xét mình của kinh ăn năn tội nhưng lại thất bại để theo đuổi sự tốt lành hơn mà Chúa mời gọi và vì thế vẫn duy trì một khoảng cách với Nước Chúa (Mt 19:16-24).

Phần này của thánh lễ thách thức chúng ta tự hỏi liệu có một điều gì đó trong cuộc sống đang kiềm giữ tâm hồn ngăn cản chúng ta bước theo lời mời gọi của Chúa hay không. Chúng ta cầu xin lòng thương xót của Chúa nhưng có bao giờ để ý đến những lời van xin của người thân xin chúng ta hãy thương xót và tha thứ cho họ hay không?

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!

Việc lập lại này biểu lộ hoàn toàn sự hối lỗi về tội lỗi của mình. Khi phạm một lỗi nhỏ chúng ta có thể chỉ nói với người mà chúng ta đã xúc phạm rằng cho tôi xin lỗi. Nhưng nếu là một sự xúc phạm nghiêm trọng chúng ta cảm thấy rất hối tiếc về việc làm của mình, chúng ta đôi khi xin lỗi nhiều lần và trong nhiều cách khác nhau: tôi rất là hối tiếc…tôi thực sự hối tiếc vì đã làm việc đó…làm ơn tha lỗi cho tôi.” Trong phụng vụ, điều này giúp chúng ta nhận ra rằng tội lỗi phạm đến Chúa là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho bất cứ sai lầm mà chúng ta đã mắc phải, hoặc việc làm tốt đáng lý phải làm mà chúng ta không làm. Trong kinh ăn năn tội, chúng ta khiêm nhượng biểu lộ tận đáy lòng sự hối lỗi về những lỗi phạm của mình và dâng lên Chúa sự hối lỗi đó của mình.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết