KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Vai Trò của Cha Chủ Tế và Đồng Tế.
Câu hỏi: Trong nhiều thánh lễ con thấy có nhiều cha đồng tế xin cha cho chúng biết đâu là sự khác nhau giữa vị chủ tế và đồng tế. Chẳng hạn như các cha phải mặc lễ phục như thế nào khi dâng lễ hoặc đồng tế thánh lễ hoặc những quy luật về việc rước lễ của các cha chủ tế cũng như đồng tế. Cảm ơn cha.

 Trả lời: Trước hết, về lễ phục của các linh mục chủ tế và đồng tế, huấn thị Redemptionis Sacramentum nói như sau:


Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách Lễ Rôma cho phép các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ “khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây stola trên áo alba,” với lý do chính đáng như sau: nếu số các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Tuy nhiên nếu người tổ chức có thể tiên liệu được trường hợp này, họ phải cố gắng chuẩn bị cho có đủ lễ phục cụ thể như báo trước để các cha có thể đem theo áo lễ riêng của các ngài. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế khi cần, cũng có thể, mặc áo lễ màu trắng. Các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác theo sách phụng vụ (no. 124).


Huấn thị cũng nhấn mạnh rằng cần phải dứt khoát bài trừ sự lạm dụng sau đây: dù chỉ có một người tham dự, các thừa tác viên có chức thánh không được phép cử hành Thánh Lễ mà không mặc lễ phục phụng vụ, hay chỉ mang dây stola trên áo thụng của tu viện, hay trên áo tu sĩ thường, hoặc trên áo thường. Các Đấng Bản Quyền phải chỉnh sửa trong thời gian ngắn nhất về những lạm dụng này, và các ngài phải theo dõi cung cấp cho tất cả các nhà thờ và các nhà nguyện thuộc quyền tài phán của mình, một số lễ phục phụng vụ, may đúng quy tắc (no. 126). (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).


Tuy nhiên, mặc dù đây là một qui định nghiêm ngặt, Tòa Thánh cũng có quyền ban phép miễn chuẩn nếu có lý do chính đáng. Chẳng hạn nếu các linh mục cao tuổi di động hạn chế gặp khó khăn khi mang áo alba, Bề trên có thể xin phép chuẩn từ Tòa Thánh cho phép một linh mục đồng tế chỉ mang dây stola hay dây các phép, và nếu có thể, áo lễ mỏng nhẹ bên ngoài áo Dòng.


Một điều quan trọng nữa đó là theo sách phụng vụ thánh lễ, có bốn Kinh nguyện Thánh Thể. Ba kinh nguyện Thánh Thể đầu tiên có thể được sử dụng trong bất kỳ ngày nào, còn Kinh nguyện thứ tư được dùng với mức độ hạn chế, và các lời nguyện hòa giải chỉ đọc khi thích hợp, chẳng hạn trong Mùa Chay hoặc trong một Thánh Lễ có chủ đề thống hối.


Khi Thánh Lễ được nhiều linh mục đồng tế, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc bằng ngôn ngữ mà tất cả các linh mục và các tín hữu hiện diện trong buổi cử hành đều hiểu (no. 113).


Trong thánh lễ có những phần mà các vị đồng tế buộc phải cùng đọc như các lời truyền phép, nhưng khi đọc thì phải đọc nhỏ tiếng, để cho giọng của vị chủ tế được nghe rõ ràng (no.218).


Về việc rước lễ, Huấn thị Redemptionis Sacramentumcũng nói rất rõ rằng:


Mỗi khi linh mục cử hành Thánh Lễ, ngài phải rước lễ tại bàn thờ. Các vị đồng tế phải rước lễ trước khi đi trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân. Linh mục chủ tế hay đồng tế không được phép cho các tín hữu rước lễ trước rồi sau đó mới rước lễ (no. 97).


Các ngài phải rước bánh lễ được truyền phép ngay trong Thánh Lễ đó chứ không phải bánh lễ đã được truyền phép từ một thánh lễ trước và lấy từ nhà tạm ra; và phải rước lễ dưới hai hình. Một điều cần lưu ý rằng khi linh mục trao mình thánh hay chén thánh cho các vị đồng tế, hay phó tế, ngài không nói gì, nghĩa là không có đọc những lời như “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô.” (no. 98).


Nếu trong thánh lễ có phó tế, khi linh mục tung hô: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng Xóa tội trần gian phúc cho ai được mời tham dự bàn tiệc Chúa, thì tất cả các phó tế quỳ và không cầm Mình Thánh Chúa như các linh mục đồng tế, các linh mục sẽ trao Mình và Máu Thánh cho các phó tế đang giúp lễ.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết