KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Việc Rước lễ của Người Phối Ngẫu Tin Lành trong Giáo Hội.
Thời gian qua con có nghe nói Hội Đồng Giám Mục Đức xin Tòa Thánh cho phép các người tin lành có người phối ngẫu là công giáo được phép rước lễ. Cha có thể cho con biết rõ hơn về việc này?

 Để trả lời cho câu hỏi này tôi xin dùng câu trả lời mà ĐHY Walter Brandmuller, cựu chủ tịch uỷ ban toà thánh về khoa học lịch sử, người Đức, đã đưa ra đối với những quyết định của các giám mục Đức, ngài gọi những trường hợp cá nhân mà các giám mục Đức ám chỉ là “sách lượt của Satan” và một “thủ đoạn hoàn toàn không thành thật.” Ngài cũng nói về mối nguy hiểm của việc “dùng luật dành cho những hoàn cảnh nguy cấp và áp dụng chúng cho nhữhng người có cuộc sống bình thường.” Ngài gọi một sách lượt như vậy là một “thủ đoạn tội lỗi.”

ĐHY Brandmuller nói rằng, thật là quan trọng để suy nghĩ về việc đâu là ý nghĩa khi chúng ta nói về “Giáo Hội.” Giáo hội có phải là “một công ty giúp làm cho thế giới được tốt hơn” hay không? hay một cơ quan phi chính phủ để giúp con người trong cuộc sống? Ngài tự trả lời rằng “Giáo hội là một thực thể” mà không thể nào được phép hiểu theo từ ngữ này. “Giáo hội là công việc của Chúa, giáo hội hữu hình, trải nghiệm hình thức mà trong đó Chúa Kitô Phục sinh tiếp tục công việc cứu độ của Người trong thế giới.” Sau khi định nghĩa từ ngữ Giáo hội, ĐHY tiếp tục định nghĩa từ ngữ “Tiệc Ly” hoặc rước lễ như sau: một số người có thể nghĩ về một bữa ăn, hoặc một sự mến khách hoặc nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, “bí tích thánh thể, việc Rước lễ trong giáo hội Công giáo và Chính Thống Giáo có một ý nghĩa hoàn toàn khác.” Ngài nhắc lại cho chúng ta về việc bánh và rượu trở thành thân thể và máu Chúa Kitô. Ngài giải thích đó là “sự hiện diện thực sự của Chúa qua hình thức hữu hình của bánh và rượu.”

Vì thế, Bí Tích Thánh Thể trong ý nghĩa này có nghĩa rằng: “con người được cứu chuộc hiệp nhất chính họ với Chúa Kitô đang hiện diện trong mầu nhiệm này.” Vì thế thật là quan trọng để nhớ đến lời của thánh Phaolô cảnh giác rằng đừng ăn và uống Mình và máu Chúa Kitô khi đang trong tình trạng tội lỗi. Điều này phải được nhớ khi nói về tuỳ từng trường hợp để cho phép được rước lễ.

ĐHY Brandmuller nói rất rõ về những gì ngài nghĩ về tài liệu mới của các giám mục Đức giải thích tiến trình mới của họ về việc rước lễ dành cho những người phối ngẫu tin lành. Ngài nói: Nếu bây giờ tài liệu của các giám mục nói về những trường hợp cá nhân mà trong đó điều này là một khả thể, thì điều này tự nó là một sách lượt hướng đến một sự rước lễ liên tôn chung với những người không công gíao. Điều này chúng ta có thể gọi đề nghị đó là sách lượt satan. Và nó là một thủ đoạn không thành thật.

Ngài cũng phản đối một số giám mục Đức cho rằng những người phối ngẫu tin lành phải được phép rước lễ vì họ đang đói Thánh Thể. Ngài nói rằng một kitô hữu thực sự khao khát Mình Thánh Chúa và biết rằng không có bí tích thánh thể nếu không có giáo hội và không có giáo hội nếu không có bí tích thánh thể, họ sẽ xin gia nhập vào giáo hội công giáo. Bất cứ điều gì khác là không thành thật. Ngài nói thêm, giáo hội không phải là “tiệm thực phẩm tự phục vụ,” một nơi mà một người có thể lấy và chọn tuỳ theo ước muốn của họ. Ngài công bố: ở đây, hoặc là có tất cả hoặc không có gì cả!”

Ngài cũng nói về việc các giám mục đưa ra giáo luật số 844.3 và 4 nói về những hợp khẩn cấp mà trong đó một người công giáo Chính thống hoặc một kitô hữu thuộc các giáo phái khác có thể nhận lấy các bí tích của giáo hội Công giáo khi đang ở trong trường hợp nguy tử hoặc ở trong hoàn cảnh tù đày, và chỉ trong trường hợp mà cá nhân Kitô hữu “được chuẩn bị một cách đúng đắn,” nghĩa là “không phạm tội trọng và có một ước muốn thành thật để nhận lấy bí tích.” Ngài lập lại câu hỏi của ngài là tại sao một người hội đủ những điều kiện đó, và những người không ở trong trường hợp nguy tử như vậy, lại không xin để được gia nhập vào giáo hội.”

Theo giáo luật những người công giáo khi mắc tội trọng không được phép rước lễ muốn rước lễ họ phải đi Xưng tội. Trong khi người Tin lành, chưa được rửa tội theo công giáo, cũng không xưng tội, lại được rước lễ phải chăng điều này các giám mục Đức đã xem các bí tích mà Chúa Giêsu đã để lại cho Giáo hội không còn quan trọng và cần thiết trong giáo hội? Vấn đề được nêu lên là nếu giáo hội công giáo không còn tôn trọng các Bí tích thì có còn là công giáo nữa hay không?

Lm Nguyễn Văn Tuyết