KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ý Nghĩa Của Lời Nguyện Giáo Dân
Câu hỏi: Thưa cha, trong thánh lễ chúng ta có nhiều lời nguyện, đặc biệt lời nguyện thánh thể, như vậy tại sao giáo hội lại đưa thêm lời nguyện giáo dân vào trong thánh lễ? Và khi đọc lời nguyện giáo dân, người đọc đang thi hành chức vụ gì trong ba chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế mà một tín hữu có được khi lãnh nhận bí tích rửa tội?

Lời Nguyện Giáo Dân.

Phần phụng vụ lời Chúa được tiếp nối với Lời Nguyện Giáo Dân. Phần này đã có từ lâu đời, được thánh Justin Martyr chứng nhận vào năm 155. Trong thư gởi cho hoàng đế Rôma để giải thích về những việc mà các Kitô hữu làm trong thánh lễ, thánh Justin nói như sau: Chúng tôi đứng lên và dâng lời cầu nguyện cho chúng tôi…và cho tất cả, để chúng tôi có thể tìm được sự ngay lành do cuộc sống và việc làm chúng tôi, và trung thành với giới răn, để qua đó nhận ơn cứu độ đời đời. 

Lời nguyện mà thánh Justin nói trên chính là Lời Nguyện Giáo Dân mà chúng ta có trong thánh lễ ngày nay.

Mặc dầu truyền thống cầu nguyện này có từ thế kỷ thứ hai nhưng việc thực hành này đã có trước đó trong lịch sử Giáo hội. Khi thánh Phêrô bị hoàng đế Hêrôđê bắt giam, giáo hội tại Giêrusalem đã dâng lời cầu nguyện cho ngài và đêm hôm đó, thiên thần đến tháo xiềng xích ra khỏi ngài (CVTĐ 12:1-7).

Khi thánh Phaolô trao cho Timôtê các chỉ thị, ngài dặn Timôthê hãy ký thác cho tất cả mọi người: Vậy phần anh, hãy dựa vào ân sủng của Ðức Giêsu Kitô. Và các điều anh đã nghe tôi dạy, có nhiều người làm chứng, anh hãy ký thác cho những người tín cẩn, những kẻ sẽ có khả năng dạy lại cho kẻ khác. Anh hãy chung phần cam khổ như một tinh binh của Ðức Giêsu Kitô. Ðã tùng chinh, thì không ai còn dính líu việc vàn sinh nhai, hầu mong làm hài lòng người đã mộ mình (Tim 2:1-4).  Chính thánh Phaolô cũng cầu nguyên liên lỉ cho nhu cầu của cộng đoàn ngài (2 Cor 1:11). Ngài luôn mời gọi mọi tín hữu hãy cầu nguyện cho sứ vụ của ngài. Với truyền thống cầu nguyện này, thật là thích họp để Giáo hội đưa lời cầu nguyện này vào thánh lễ.

Lời cầu nguyện tư tế.

Những lời cầu nguyện này được đưa vào thánh lễ tại một thời điểm quan trọng. Tại thời điểm này, mọi người sau khi nghe Lời Chúa, được giải thích qua bài giảng và tuyên xưng đức tin của mình trong Kinh Tin Kính. Giờ đây, họ đáp trả với cả tâm hồn và trí khôn với Chúa Giêsu bằng cách cầu nguyện cho những nhu cầu của hội thánh và thế giới, cũng như của chính họ.

Sách cẩm nang lễ Roma ghi chú rằng trong những lời cầu nguyện này, người tín hữu thi hành chức vụ tư tế của họ. Một chức vụ mà tất cả Dân Chúa - linh mục, tu sĩ và giáo dân – đã được trao khi lãnh nhận bí tích rửa tội như thánh Phêrô xác nhận trong thư của ngài: Tất cả chúng ta là dân tộc được tuyển chọn vào hàng tư tế vương giả (1 Pet 2:9), và được sách Khải Huyền giải thích thêm rằng bởi vì chính Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trở thành một vương quốc tư tế (Kh 1:6).

Điều này nói lên rằng một trong những cách mà chúng ta thi hành chức vụ tư tế là lời cầu nguyện giáo dân. Bởi vì khi đọc lời nguyện giáo dân cũng là lúc mà chúng ta tham dự vào lời cầu nguyện tư tế của Chúa Kitô cho toàn thể nhân loại. Như thánh Phaolô dạy: Người có thể cứu độ những kẻ nhờ Người mà lại gần Thiên Chúa, sống luôn mãi để chuyển cầu cho họ (Heb 7:25). Cho nên, lúc đọc lời nguyện giáo dân, cũng là chúng ta tham dự vào sự chuyển cầu của Chúa Kitô trong một cách thức cụ thể trong thánh lễ.

Thêm vào đó sách giáo lý Công Giáo dạy rằng lời nguyện giáo dân là “đặc tính của một tâm hồn hoà nhịp vào lòng thương xót của Chúa.” Nếu chúng ta thực sự hoà nhịp với trái tim của Chúa, một cách tự nhiên, chúng ta cầu nguyện cho người khác.

Nếu để ý chúng ta sẽ nhận ra lời cầu nguyện này rất phổ quát, cầu cho các nhà lãnh đạo, cho nhu cầu của mọi người, cho những người đang đau khổ, và cho ơn cứu độ của mọi người vì thế lời nguyện giáo dân hướng đến không chỉ cho những ý muốn riêng tư nhưng còn cho ý chỉ của người khác (Phil 2:4).

Có người hỏi rằng trong những dịp đặc biệt, đức giám giáo phận có được phép thêm lời cầu vào Kinh Nguyện Thánh Thể hay không?

Thưa rằng các Giám Mục giáo phận không được chèn thêm lời nguyện vào Kinh Nguyện Thánh Thể, tuy nhiên các ngài có thể đưa một lời nguyện đặc biệt vào trong Lời Nguyện giáo dân.

Các Giám Mục Anh và xứ Wales đưa ra các gợi ý rõ ràng sau đây cho việc đưa ý cầu nguyện đặc biệt trong Thánh Lễ:" Vào chính Ngày Cầu Nguyện Đặc Biệt, và nhất là vào các ngày Chúa Nhật, thật là thích hợp đưa ý cầu nguyện đặc biệt này vào trong phần Lời Nguyện giáo dân. Điều này cho thấy vị trí đặc biệt của lời nguyện giáo dân trong thánh lễ. Lời nguyện giáo dân kết thúc phần phụng vụ lời Chúa và chúng ta bước vào phần hai của thánh lễ - Phụng Vụ Thánh Thể.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết