PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Hỏi Đáp
Đâu là lịch sử của lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời? và đâu là địa điểm Đức Mẹ lên trời? (Tuyết Nguyễn)
Vào năm 1950 Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Như chúng ta biết, có nhiều chân lý người Công giáo mà chúng ta tin nhưng lại không nêu rõ trong Kinh thánh, tuy nhiên những chân lý này là một phần trong truyền thống của Giáo hội từ những thế kỷ đầu tiên. Trong số đó có niềm tin vào Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Vào năm 1950 Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chúng ta có thể nói rằng khi một chân lý được tuyên bố là một tín điều về đức tin, thì đó là vì Giáo hội hoàn toàn chắc chắn rằng nó là sự thật. Các Giáo hoàng không "phát minh" ra các tín điều. Các ngài tìm thấy chúng trong niềm tin kiên định và vững chắc của Giáo hội.

Truyền thống về Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có từ những thế kỷ đầu tiên. Tài liệu sớm nhất được biết đến là Sách về sự an nghỉ của Đức Mẹ (Liber Requiei Mariae), có lẽ được biên soạn vào thế kỷ thứ 4, nhưng cũng có thể sớm hơn vào thế kỷ thứ 3. Tài liệu này được xem là một tác phẩm ngụy thư, nghĩa là không được Giáo hội chính thức chấp thuận, nhưng sách tường thuật về biến cố Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là niềm tin của nhiều người vào thời điểm đó.

Thánh Giáo phụ đầu tiên của Giáo hội ở Tây phương làm chứng cho truyền thống Lễ Đức Mẹ Lên Trời là Thánh Gregory thành Tours, qua đời vào năm 594 sau Công nguyên, viết rằng:

“Cuối cùng, Đức Maria diễm phúc, sau khi hoàn tất cuộc sống trần thế của mình, khi sắp được gọi khỏi thế gian này, tất cả các tông đồ, về từ các vùng khác nhau, đã tụ họp tại nhà của Mẹ. Khi nghe tin Mẹ sắp được đưa ra khỏi thế gian, họ cùng nhau canh thức với Mẹ. Và kìa, Chúa Giêsu đến cùng với các thiên thần của Người, đón lấy linh hồn Mẹ, trao cho tổng lãnh thiên thần Michael và rút lui. Vào lúc rạng đông, các tông đồ đã nâng thi thể của Mẹ lên một tấm chiếu, đặt vào trong một ngôi mộ, và một lần nữa Chúa đã hiện ra với họ và ra lệnh rằng thi thể thánh của Mẹ sẽ được đưa lên thiên đàng. Bây giờ Mẹ ở đó, một lần nữa được kết hợp với linh hồn của mình; Mẹ hân hoan với những người được tuyển chọn, vui mừng trong những phước lành vĩnh cửu sẽ không bao giờ kết thúc” (L. Gambero, Mary and the Fathers of the Church, Ignatius 1999, tr. 353).

Một Giáo phụ Đông phương cũng làm chứng cho truyền thống này là Thánh Gioan Đamascene, qua đời năm 749. Ngài viết trong một lời cầu nguyện với Đức Mẹ Maria:

“Các tông đồ đã mang Mẹ, Hòm Bia đích thực của Chúa, như các linh mục đã mang hòm bia tượng trưng, trên vai. Họ đặt Mẹ vào trong ngôi mộ, xuyên qua đó, như thể qua sông Jordan, họ sẽ đưa Mẹ đến miền đất hứa, tức là Giêrusalem trên cao, Mẹ của tất cả các tín hữu, mà kiến trúc sư và nhà xây dựng là Thiên Chúa. Linh hồn Mẹ không xuống địa ngục, xác thịt Mẹ cũng không bị hư nát. Thân xác trinh nguyên và không tì vết của Mẹ không bị bỏ lại trên trái đất, nhưng được chuyển đến nơi ở của hoàng gia trên thiên đàng, Mẹ, Nữ hoàng, đấng tối cao, Đức Bà, Mẹ Thiên Chúa, đấng cưu mang Thiên Chúa đích thực…” (Bài giảng 1 về Lễ Đức Mẹ nằm xuống 12-13).

Ngay từ thế kỷ thứ 6, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã bắt đầu được cử hành vào ngày 15 tháng 8 tại cả Jerusalem và Rome. Đến thế kỷ thứ 16, truyền thống Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã được đưa vào lời cầu nguyện của Giáo hội. Vì vậy, với truyền thống liên tục này có từ thời Giáo hội sơ khai, cho nên không thể có sự nghi ngờ gì về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, mặc dù điều này không được nêu lên trong Kinh thánh.

Đâu là nơi mà Đức Mẹ Lên Trời?

Có hai truyền thống về vấn đề này. Một truyền thống cổ xưa nói rằng Đức Mẹ được đưa lên trời ở Jerusalem và một truyền thống trễ hơn sau đó cho là ở Ephesus. Tuy nhiên truyền thống cổ xưa, có độ tin cậy cao hơn.

Ngày nay có hai nhà thờ ở Jerusalem tưởng nhớ sự kiện này. Vương cung thánh đường Đức Mẹ Ngủ, nơi Đức Mẹ được cho là qua đời, nằm cạnh Nhà Tiệc Ly trên Núi Zion, một ngọn đồi nằm ở rìa phía tây nam của Jerusalem, ngay bên ngoài các bức tường của thành phố cổ. Vào nửa sau của thế kỷ thứ tư, một vương cung thánh đường được xây dựng ở đó có tên là Nhà Thờ Thánh Zion, và được coi là mẹ của tất cả các nhà thờ. Nó bao gồm Nhà Tiệc Ly và cũng là nơi "Đức Mẹ di chuyển".

Vương cung thánh đường đã bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần trong những thế kỷ sau đó, cho đến khi chỉ còn lại Nhà Tiệc Ly, vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Vương cung thánh đường Đức Mẹ ngủ hiện tại được xây dựng bên cạnh Nhà Tiệc Ly, được khởi đầu từ năm 1910, bởi Hoàng đế Wilhelm II của nước Đức, cũng là người xây tu viện Benedictine bên cạnh nó.

Nhà thờ khác, nơi người ta tin rằng thi hài của Đức Mẹ đã được đặt trước khi lên trời, là Vương cung thánh đường Mộ Đức Mẹ, nằm ngay phía bắc Vườn Gethsemane, nằm bên kia Thung lũng Kidron từ Jerusalem. Nhà thờ này cách Nhà Tiệc Ly khoảng 25 phút đi bộ.

Ngôi mộ trong vương cung thánh đường này nằm phía dưới mặt đường hiện tại với hai cầu thang dài. Các cuộc khai quật khảo cổ học vào những năm 1970 đã tiết lộ rằng ngôi mộ nơi thi hài của Đức Mẹ được đặt là một phần của nơi chôn cất vào thế kỷ thứ nhất. Trung tâm của vương cung thánh đường là một nhà nguyện nhỏ nằm trên nơi mà theo truyền thống, ngôi mộ của Đức Mẹ được đục từ vách đá.