Văn kiện Gestis verbisque, hay Cử chỉ và Lời nói, được Bộ Giáo lý Đức tin ban hành dưới dạng một ghi chú vào ngày 2 tháng 2 năm 2024. Văn kiện này đã được các hồng y và giám mục, các thành viên của bộ, những người có mặt tại phiên họp toàn thể, đều đồng ý thông qua. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chấp thuận văn bản ghi chú và cho phép công bố.
Văn kiện này không đi sâu vào chi tiết của bất kỳ bí tích nào, nhưng đưa ra tiêu chuẩn hữu ích về việc cử hành các bí tích nói chung. Trong phần trình bày ở phần đầu của tài liệu, Đức Hồng y Victor Fernández, Tổng trưởng Thánh bộ, giải thích rằng đã có sự gia tăng về số lượng các bối cảnh sai trái mà qua đó có những trường hợp nghiêm trọng khiến giáo hội phải tuyên bố sự vô hiệu của một số bí tích đã cử hành, do các thừa tác viên đã tự ý thay đổi công thức các bí tích, một việc đã dẫn đến việc một số người phải được rửa tội hoặc thêm sức lại.
Điều này đặc biệt đúng đối với những thay đổi về công thức rửa tội. Đức Hồng y giải thích rằng một số thay đổi này đã ảnh hưởng đến tính hợp lệ của phép rửa tội ngay cả đối với một số người đã chịu chức linh mục, những vị này sau đã phát hiện ra sự vô hiệu của việc truyền chức của họ và các bí tích khác mà họ đã cử hành cho đến thời điểm đó bởi vì họ đã được rửa tội không theo công thức của Giáo hội.
Cụ thể tại Mỹ có một linh mục sau khi chịu chức xem lại video rửa tội của mình, và nhận ra ngài đã được rửa tội sai công thức và vì thế bí tích rửa tội mà ngài đã lãnh nhận là vô hiệu quả, nói cách khác ngài vẫn chưa được rửa tội. Người rửa tội cho ngài là một phó tế vĩnh viễn, thay vì dùng công thức: Ta rửa tội cho con Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần thì đã dùng công thức như sau: “Chúng tôi” rửa tội cho con: Nhân danh Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hoá.” Sau khi biết được điều này, vị linh mục đó đã đến trình với Đức Giám Mục đã truyền chức cho cha và Đức giám mục đã phải rửa tội, ban bí tích thêm sức, truyền chức phó tế và linh mục lại cho cha.
Một trong những nguyên tắc chung mà ghi chú nhấn mạnh là các bí tích thuộc về Giáo hội, thực ra là thuộc về chính Chúa Kitô, chứ không phải thuộc về cá nhân của một linh mục. Trong bài trình bày của mình, Đức Hồng y Fernández viết: “Do đó, chúng ta, những thừa tác viên, được yêu cầu phải có sức mạnh để vượt qua cám dỗ rằng chúng ta là chủ sở hữu của Giáo hội. Ngược lại, chúng ta phải tiếp nhận một món quà đi trước chúng ta: không chỉ là món quà sự sống hay ân sủng, mà còn là kho tàng các bí tích đã được Mẹ Giáo hội trao phó cho chúng ta. Chúng không phải của chúng ta! Và ngược lại, các tín hữu có quyền tiếp nhận chúng theo cách Giáo hội sắp xếp; theo cách này, việc cử hành các bí tích tương ứng với ý định của Chúa Giêsu và làm cho sự kiện Phục sinh trở nên có liên quan và hiệu quả.”
Ngay cả bản thân Giáo hội cũng bị ràng buộc bởi những gì Chúa Kitô đã thiết lập trong các bí tích. Ghi chú nói rằng Giáo hội là thừa tác viên của các bí tích, chứ không phải là chủ của chúng, cũng giống như Giáo hội là thừa tác viên của Thánh kinh mà Giáo hội lắng nghe, bảo vệ và giải thích một cách trung thành (xem số 11).
Thừa tác viên các bí tích phải đặc biệt trung thành với những gì Chúa Kitô và Giáo hội đã thiết lập liên quan đến chất liệu và công thức của chúng. Chúa Kitô hành động thông qua chất liệu, có thể là một yếu tố chất liệu như nước, bánh, rượu hoặc dầu, hoặc có thể là một cử chỉ, chẳng hạn như dấu thánh giá, việc đặt tay hoặc xức dầu. Công thức được cấu thành bởi các từ ngữ, mang lại ý nghĩa siêu việt cho nội dung. Công thức lấy cảm hứng từ Thánh kinh và Truyền thống, và được Giáo hội định rõ một cách có thẩm quyền. Nội dung và hình thức không phụ thuộc vào ý muốn của từng thừa tác viên hoặc cộng đồng, và chúng phải được tuân thủ cẩn thận (xem số 13-15).
Đối với tất cả các bí tích, việc tuân thủ chất liệu và công thức, mà không thêm, bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì, luôn được đòi hỏi để việc cử hành bí tích được thành sự (số 17). Liên quan đến chất liệu và công thức, các thừa tác viên phải luôn luôn thi hành ít nhất là những gì mà Giáo hội đang làm, và đó cũng là những gì Chúa Kitô làm. Với nguyên tắc thống nhất của chất liệu và công thức, biến bí tích thành dấu chỉ thiêng liêng mà qua đó ân sủng được ban tặng (xem số 18).
Tóm lại, ghi chú nói rằng “việc tự ý sửa đổi công thức cử hành bí tích không chỉ đơn thuần là một sự lạm dụng phụng vụ, giống như sự vi phạm một chuẩn mực tích cực, mà là một vết thương gây ra cho sự hiệp thông của Giáo hội và khả năng nhận dạng hành động của Chúa Kitô, và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất làm cho chính bí tích trở nên vô hiệu" (số 22).