PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Suy Niệm
“Đây là Con Ta rất yêu dấu!” (Lm. Remy Bui Son Lam)
“Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”

 
“Đây là Con Ta rất yêu dấu!”

Trong hành trình Mùa Chay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai biến cố rất ý nghĩa và tương kết với nhau trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Cả hai đều diễn ra trên núi cao trong thời khắc ban tối; đều được 3 môn đệ thân tình, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an mục kích. Các môn đệ này những khi ấy đều như đang ngái ngủ, ngất trí nhưng Chúa Giê-su thì tỉnh thức và đắm chìm trong kinh nguyện với Chúa Cha.

Trên núi Ô-liu, các môn đệ được “nhìn xem” Chúa Giê-su trong khoảng khắc đau buồn tê tái đến “đổ mồ hôi máu”, nhìn thấy Ngài đương đầu với thách đố và sợ hãi theo thân phận và chiều kích thuộc về nhân tính của Ngài. Ngược lại, trong biến cố trên núi Tabor, các môn đệ được dẫn vào một khoảng khắc ngất ngây đậm sâu, được hé mở cho thấy “chân dung” đích thực và ánh vinh quang huyền diệu thuộc về thần tính vốn ẩn chứa nơi Chúa Giê-su. (Biến cố này thường được gọi là Chúa “biến hình” nhưng có lẽ đúng hơn nên gọi là Chúa “Hiển Dung”!)
Cách riêng đối với Chúa Giê-su và các môn đệ lúc ấy, lời Chúa Cha công bố và xác minh: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người” đã trở nên động lực và sức mạnh củng cố các Ngài trong hành trình gian khó trước mắt. Đấy là hành trình “xuống núi” hướng về Giê-ru-sa-lem, nơi các tiên tri đích danh đều đối diện với kết điểm đời họ; với cuộc hiến thân sau cùng trong đớn đau nhục nhằn nhất. Hẳn nhiên đối các môn đệ, thì ý nghĩa tròn đầy của biến cố Tabor, cũng như sứ mạng của Chúa Giê-su - Đấng hoàn tất mọi hứa hẹn của các tiên tri và lề luật (tiêu biểu qua sự hiện diện và đàm đạo của Êlia và Mai-sen với Ngài) - chỉ được nhận biết tròn đầy nhất dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su (x. Mk 15:39; 16:19-20; 2 Pet 1:16-18)

Không lạ gì, biến cố “Hiển Dung” luôn được trân trọng là phần lâu đời nhất trong truyền thống và trình thuật về các biến cố “Hiển Linh”. Cũng không lạ gì, Tin Mừng thuật lại biến cố này luôn luôn được công bố trong Phụng vụ của Chúa Nhật 2 Mùa Chay hằng năm (Chúa Nhật này, năm nay theo Phúc Âm Mt 17:1-9). Theo đấy, mỗi chúng ta trong hành trình Mùa Chay, được mời gọi tiếp cận hai khía cạnh, hai yếu tố khắn khít như hai mặt của một đồng tiền: một mặt là những thách đố và dằn vặt; đớn đau, sa đổ và tội lỗi trong thân phận con người; mặt khác lại là những hoan lạc và thiện hảo đậm sâu, những tươi đẹp và vinh quang tột bực thuộc về phần linh thánh Chúa vốn đặt sẵn trong cốt lõi của mỗi chúng ta. Qua những thao luyện thiêng liêng tiêu biểu như ăn chay, hãm mình, cầu nguyện và làm việc bố thí, cách riêng qua những ngày Tĩnh Tâm Cộng Đồng tuần sắp tới và những ngày lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, chúng ta được mời gọi tái khám phá và thể hiện “chân dung” cùng giá trị căn rễ của mình - cái căn rễ hay căn tính mà trong Đức Kitô Thương Khó và Phục Sinh, Chúa Cha đã không ngừng minh xác và tái tạo cho mỗi cá nhân chúng ta: “Đây là Con Ta rất yêu dấu!”. Chúa Cha nhìn xem mỗi chúng ta cách đấy từng ngày. (cf. Bài Đọc 2: 2Tim 1:8-10; Rom 8: 31b-34)

Theo gương Chúa Giêsu - “nghe Lời Người” - khi chúng ta cảm nghiệm và sống cái căn tính ấy để có thể tín thác và dấn thân giữa mọi thăng trầm của đời thường; hăng hái sám hối và cải thiện đời sống theo tinh thần Tin Mừng, thì chúng ta cũng sẽ đón nhận được hoa trái của sự sống, niềm vui, ánh sáng và an bình vượt trên mọi ước mong. Đấy mới là “Mùa Xuân” thật và “đất hứa” vĩnh cửu! (x. Bài Đọc 1: St 12:1-4)

Lạy Chúa Giê-su xin tỏa sáng trên con. Giúp con nhìn thấy mình như chính Chúa nhìn thấy con. Xin ban Thần Khí của Chúa để con can đảm thay đổi đời sống như chính Chúa muốn con đổi thay.

Lm. Remy Bùi Sơn Lâm