KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ai Là Láng Giềng Của Tôi? (Lm F.X Nguyễn Văn Tuyết)
Ơn gọi Kitô hữu không đặt chúng ta lên trên hoặc chia cách chúng ta ra khỏi người khác nhưng giúp chúng ta nhận ra rằng đường của Chúa là con đường liên kết mọi người với nhau không phân biệt nguồn gốc.

Tin mừng cho chúng ta thấy người thông luật đưa ra hai câu hỏi để thử Chúa. Câu hỏi thứ nhất là “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lk 10: 25) và  “Ai là người láng giềng của tôi?” (Lk 10: 29).

Để trả lời cho hai câu hỏi này Chúa trả lời bằng một dụ ngôn với bốn hình ảnh khác nhau. Hình ảnh thứ nhất – thầy tư tế - đại diện cho những người có niềm xác tín tôn giáo sâu xa; thứ hai là người luật sĩ đại diện cho những người hiểu biết về lề luật. Thứ ba là một người Samaritanô, chúng ta không biết ông thuộc tôn giáo nào. Thứ tư là nạn nhân bị thương đang nằm bên lề đường. Chúng ta không ai biết nạn nhân là ai - Do thái hay Samaritanô. Nhưng mặc cho ông là ai đi nữa thì vấn đề chính mà Tin Mừng muốn nhấn mạnh đó là đứng trước một nạn nhân đang cần giúp đỡ thì đâu là thái độ của chúng ta? (Lk 10: 36).

Thầy tư tế và trợ sĩ đi ngang qua nhưng không ai đụng đến nạn nhân vì sợ rằng nếu đụng đến nạn nhân, thì theo luật, họ không được phép phục vụ trong đền thờ. Nhãn quan thờ phượng của họ không được thúc đẩy bởi tình yêu tha nhân nhưng bởi bổn phận tôn giáo. Họ chỉ dựa vào văn bản của lề luật nhưng lại không dựa vào luật Chúa khắc ghi trong tâm hồn vì thế đã bỏ mặt nạn nhân nằm bên đường. Trong khi đó người Samaritanô mở rộng tâm hồn, nhận ra người láng giềng và đem ông đi chữa trị. Người Samaritanô không dựa vào văn bản của lề luật nhưng dựa vào luật tình yêu được ghi chép trong tâm hồn để hành động. Tuy là người Samaritanô nhưng ông hiểu lề luật rõ ràng hơn thầy tư tế và luật sĩ. Ông làm những gì mà một người yêu Chúa phải làm: chăm sóc người đang cần chăm sóc. Lòng thương xót của ông phát xuất từ tâm hồn. Lòng thương xót này không phải là sự thương hại nhưng là tình cảm sâu xa của tình anh em. Một loại tình cảm giúp chúng ta có thể bước vào sự đau khổ của người khác và cùng chia sẻ với họ. ĐTC Gioan Phaolô II đã diễn tả lòng thương xót này như sau: “tình yêu không phải là để thoả mãn chính mình qua việc sử dụng người khác nhưng là trao chính mình cho người khác, vì quyền lợi của người khác và nhận lấy người khác như quà tặng từ Thiên Chúa.” Theo nghĩa này thi người láng giềng không chỉ là người đang được giúp đỡ nhưng còn là người biểu lộ lòng thương xót cho một người hoàn toàn xa lạ đang cần giúp đỡ. 

Tình yêu đích thật đòi hỏi chúng ta phải nhạy cảm nhận ra những nhu cầu của người khác và sẵn lòng giúp đỡ trong một cách thức mà chúng ta có thể. Ơn gọi Kitô hữu không đặt chúng ta lên trên hoặc chia cách chúng ta ra khỏi người khác nhưng giúp chúng ta nhận ra rằng đường của Chúa là con đường liên kết mọi người với nhau không phân biệt nguồn gốc. Mến Chúa phải được diễn tả trong tình yêu đối với tha nhân.  Chúng ta đến với người khác bởi vì qua họ chúng ta đến gần với Chúa hơn.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết.