Bình An của Chúa Phục Sinh.
Một cô giáo tiểu học hỏi một em học sinh rằng sau khi học xong em sẽ làm gì? Em trả lời: “em sẽ lên trung học. Sau đó sẽ học đại học, sẽ có công ăn việc làm, kiếm thật nhiều tiền, mua một ngôi nhà thật lớn, lập gia đình, và sau khi có tuổi sẽ về hưu, nghỉ ngơi.” Cô giáo hỏi tiếp: “Thế sau khi về hưu em sẽ làm gì?” Em trả lời em không biết. Cô giáo lại hỏi: “Em có nghĩ rằng em sẽ phải chết không?” Em trả lời: “Vâng! Em cũng sẽ chết.”
Giống như em học sinh, nhiều lúc chúng ta quá bận rộn làm việc để đạt lấy những điều mình mong muốn mà quên đi ý nghĩa của cuộc sống là chuẩn bị để gặp gỡ Thiên Chúa. Biến cố Chúa Giêsu Lên Trời nhắc rằng chúng ta chỉ là khách lữ hành đang bước đi trong cuộc hành trình trần thế. Trong cuộc hành trình này chúng ta ra đi với lòng tự tin do lời hứa “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Đây là lời hứa mà Chúa dùng để an ủi tâm trạng lo sợ của các Tông đồ khi một lần nữa lại nghe Chúa nói là sẽ rời xa họ.
Cảm giác cô đơn lo sợ là một thực thể hiển nhiên trong cuộc sống con người. Ngay cả với một người mẹ mặc dầu đang sống trong một gia đình với những đứa con ngoan ngoãn và với một người chồng luôn yêu thương lo lắng, nhiều khi cũng cảm thấy cô đơn và lo sợ khi nhìn vào đàn con và nghĩ về tương lai của chúng. Cũng vậy một người cha luôn chu toàn bổn phận gia đình, nhiều khi cũng cảm thấy lo sợ và cô đơn khi nghĩ đến trách nhiệm nặng nề đối với gia đình trong hiện tại cũng như trong tương lai. Nhiều lần chúng ta nhìn thấy một em bé 4 hay 5 tuổi leo lên giường của ba mẹ bởi vì em không thể chịu nổi cảm giác sống một mình. Trong cuộc sống biết bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy một em bé muốn đi phố với ba mẹ để trốn tránh sự cô đơn khi phải ở nhà một mình.
Nhìn một người cao niên ngày đêm luôn đọc kinh cầu nguyện chúng ta nghĩ rằng đức tin của họ thật vững mạnh nhưng lại không cảm nhận được rằng họ đang lo sợ cho cái chết sẽ đến với họ trong một tương lai thật gần và rằng họ cũng đang lo sợ để nghĩ về quá khứ khi mà hầu hết những người mà họ quen biết đều đã ra đi. Những điều này nói lên sự thật rằng không ai biết được cảm giảc cô đơn và lo sợ đang xâm chiếm tâm hồn của bất cứ ai ngay cả những người rất thân trong cùng một gia đình, rằng cuộc sống dù ngày càng văn minh tiến bộ, nhưng không vì thế mà chúng ta tránh được những bất an, lo lắng khiến chúng ta không tận hưởng được hạnh phúc đang ở trong tầm tay của mình.
Biến cố Chúa lên trời dạy rằng Chúa không lên trời để bỏ rơi chúng ta nhưng là tiến vào chiều kích tâm linh để chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiện hữu của Người trong tâm hồn. Sự hiện diện này không phải là một việc có thể được hiểu được bằng trí óc nhưng là vấn đề của đức tin và con tim. Để nhìn “thấy Chúa” chúng ta phải hồi tâm, cầu nguyện và bước vào trái tim của chính mình nếu muốn kết hiệp chính mình với Chúa Giêsu Đấng đang sống trong chúng ta.
Tâm hồn chúng ta là một vực sâu của đau khổ và tội lỗi nhưng Chúa ở trong chiều sâu đó. Dầu cho chúng ta có thể không nhận ra nhưng Chúa vẫn luôn “ở đó,” và “ở đó” tại một thời điểm nào đó – chính Chúa sẽ giúp chúng ta thấy và nhận ra lòng thương xót của Người. Điều này mời gọi chúng ta hãy bước vào những nơi tăm tối đó và ở đó chúng ta đáp trả một cách mạnh dạn về việc tôi là ai và ai là người chúng ta chọn để trở thành, nếu không, chúng ta khó có thể nhận ra Chúa.
Kiên nhẫn cầu nguyện chúng ta sẽ nhận ra và hiểu được lời hứa bình an của Đấng Phục Sinh.
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết.