KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Cách Cầu Nguyện (Lm F.X. Nguyễn văn Tuyết)
Khi có Chúa trong tâm hồn chúng ta có tất cả.

 Chúng ta ai mong muốn lời cầu nguyện của mình được Chúa đáp trả. Vì thế khi chưa nhận ra sự đáp trả thì nản chí và cho rằng vì mình cầu nguyện không đúng cách. Thế nhưng cầu nguyện như thế nào?. Một người đàn ông luôn mơ ước muốn để làm bất cứ điều gì miễn là điều đó làm cho Chúa vui lòng. Ông cầu nguyện cả ngày lẫn đêm và một lần kia trong giấc mơ ông nghe có tiếng bảo rằng: “Trước nhà con có một tảng đá. Ta muốn con ra đó và đẩy tảng đá lớn đó.” Ông thức dậy và một cách phấn khởi đến tảng đá và bắt đầu đẩy. Ngày qua ngày ông làm việc này không ngưng nghỉ. Cuối cùng cảm thấy mệt mỏi và ông không làm nữa. Đêm hôm đó, trong giấc mơ ông nghe có tiếng hỏi: “Tại sao con không đẩy nữa?.” Ông trả lời: “bởi vì không có gì xảy ra và tảng đá vẫn còn đó không di chuyển chút nào.” “Không có gì xảy ra? Con hãy tự nhìn lại chính mình xem. Con đã trở thành một người rất tập trung và khỏe mạnh. Thân thể con trở nên tráng kiện hơn. Hiện tại con đã là một người thay đổi. Việc đẩy tảng đá đã biến đổi con! Thêm vào đó, ta đâu có bảo con hãy dời tảng đá đó. Ta chỉ bảo con hãy đẩy nó mà thôi. Khi đến lúc, chính ta sẽ dời nó đi.”
Cầu nguyện là tiếp tục kiên trì đẩy cho đến khi một việc gì đó xảy ra.
Đây chính là điều mà Abraham đã làm khi xin Chúa đừng trừng phạt thành Sodoma khỏi bị tàn phá. Ông không trả giá với Chúa nhưng chỉ đưa ra một lời cầu xin trực tiếp và rõ ràng. Ông thưa rằng “dù con chỉ là tro bụi. Con đã bắt đầu nói, và con xin cùng Chúa” (St 18:25). Ông không cầu xin cho riêng ông nhưng cho người khác. Ông không chỉ cầu xin cho những người công chính nhưng còn cho người tội lỗi (St 18:23). Ông không thách thức nhưng cầu xin lòng thương xót của Người. Ông không đặt điều kiện với Chúa rằng nếu Chúa không tha cho thành Sodoma thì ông không tin vào lòng thương xót của Chúa nhưng ông trình bày quan điểm một cách rõ ràng: cứu những người thờ phượng Thiên Chúa và xin Chúa hãy tỏ lòng thương xót cho những người này! Ông lý luận: “Ðấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” (St 18:25). Ông để Chúa quyết định và kiên trì chờ đợi cho đến khi Chúa đồng ý với con số10 người công chính mà ông đề nghị (St 18:26-32).
Câu chuyện Abraham can thiệp cho thành Sodoma khỏi bị phạt không phải là một trò chơi về con số nhưng nói lên tính cách quan trọng của ơn cứu độ dành cho người công chính đang sống trong một cộng đoàn tội lỗi. Sự can thiệp của Abraham nhắm tới trọng tâm chủ đề đức tin: Nhân loại được cứu độ bởi cuộc sống của những người công chính – “Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành” (v.26). Abraham, cha của kẻ tin, người công chính, trở nên người đầu tiên biện hộ cho nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Lời cầu xin của ông đưa ra ba yếu tố chính yếu của việc cầu nguyện: (1) lời cầu xin phải rõ ràng. (2) được trình bày hợp lý và (3) người cầu xin phải luôn kiên trì.
Ý nghĩa cầu xin này được nối tiếp qua tin mừng khi Chúa dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Qua Kinh Lạy Cha, Chúa dạy rằng cầu nguyện là cuộc đối thoại yêu thương và thân mật như một người con thưa chuyện với cha – “Lạy Cha chúng con ở trên trời;” là cùng đồng hành để qua đó mối liên hệ giữa con với cha được mật thiết hơn. Khi cầu nguyện Chúa muốn chúng ta hãy thực tế và hãy từ bỏ những tham vọng cá nhân để đến với Chúa bằng chính con người thực của mình. Trong cầu nguyện, chỉ xin những gì thực sự cần: gia tăng lòng tin, hy vọng, và khả năng yêu thương tha nhân. Chỉ tìm những gì muốn kiếm: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?.” Và chỉ gõ khi chúng ta thực sự mở rộng tâm hồn để thông cảm những yếu đuối và lỗi lầm của người khác thì lúc đó “xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp, gõ thì sẽ mở cho” (Lk 11:10).
Cầu nguyện không phải là một điều gì đó chúng ta dùng để làm áp lực lên Chúa nhằm đạt lấy mục đích của mình nhưng là mở rộng tâm hồn hướng về Thiên Chúa để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Tinh thần cầu nguyện là sự khiêm tốn chứ không phải là đòi hỏi hay thương lượng như thể chúng ta có cái gì đó để trao đổi, bởi vì, mọi việc chúng ta đang có đều là của Chúa. Cầu nguyện không phải là để xin hoặc nhận một điều gì đó nhưng là xin Chúa đến và ngự vào tâm hồn của mình.
Khi có Chúa trong tâm hồn chúng ta có tất cả.
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết.