KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Cầu Nguyện và Sự Công Chính.(Lm F.X. Nguyễn văn Tuyết)
Tin mừng hôm nay trình bày hai thái độ tương phản của cầu nguyện, một người cúi đầu và một người huênh hoang ngẩng cao đầu

 Cầu Nguyện và Sự Công Chính.
Tin mừng hôm nay trình bày hai thái độ tương phản của cầu nguyện, một người cúi đầu và một người huênh hoang ngẩng cao đầu. Thái độ của người biệt phái là những người “tự hào mình là người công chính” và của người thu thuế là những kẻ bị “khinh bỉ” (Lk 18:9). Đại diện của hai nhóm này vào đền thờ cầu nguyện. Trong khi lời cầu nguyện của biệt phái là một bài điếu văn tự nâng mình lên:“Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác... tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi” (Lk 18:11-12). Ông hài lòng với lối suy nghĩ rằng ông không giống những người khác, đặc biệt với những người “tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia” (Lk 18:11). Lời cầu nguyện này cho thấy ông cầu nguyện với chính ông hơn là cầu nguyện với Thiên Chúa.
Trong khi đó người thu thuế đứng cuối đền thờ với tấm hồn khiêm nhường “không dám ngước mặt lên trời, đấm ngực” (Lk 18:13) để nói lên khát vọng của ông. Ông tự nhìn nhận rằng ông là một người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Ông không làm được gì, và không có gì để dâng lên Chúa ngoại trừ sự tội lỗi: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội” (Lk 18:13). Với tâm hồn chân thành phát xuất từ đáy lòng. Ông dâng lên Chúa chính ông như một người tội lỗi cần lòng thương xót vì thế Chúa đã công chính hoá cho ông.
Người biệt phái thay vì tin vào việc được công chính nhờ ân sủng thì lại tin rằng ông được công chính là nhờ vào những việc mà ông đã làm, địa vị ông có, điều này đưa ông đến một lỗi lầm nghiêm trọng của tội kiêu ngạo. Có lẽ không ai nghi ngờ về việc ông đã làm nhiều việc tốt mang ý nghĩa thực sự của công chính nhưng thay vì xem những việc này như là phương tiện để nên công chính ông lại xem chúng như là mục đích cho sự công chính. Ông không nhận ra rằng một người có thể làm nhiều việc tốt nhưng nếu chủ ý đàng sau những việc làm này không ngay thẳng thì những việc làm đó lại trở nên không tốt. Vì thế ông đã không được công chính hoá. Ông không hiểu rằng Chúa chúc phúc việc làm của ông chỉ khi nào chủ ý đàng sau những việc làm đó ngay thẳng.
Tấm lòng chân thành của người thu thuế đã giúp ông kết hiệp với Chúa Kitô. Thay vì xấu hổ, tủi thẹn ông đã được công chính hoá. Ông nhận được những gì mà những người tự cho là công chính không thể nhận được. Ông được công chính là vì đã tự xét lương tâm một cách xứng hợp, ông xác nhận rằng ông là người tội lỗi và cầu xin lòng Chúa thương xót trong khi người biệt phái thay vì xét lương lâm của chính mình ông lại xét lương tâm của người khác cho nên đã bị xét đoán.
Tự xét lương tâm là xem xét câu chuyện của cuộc đời để khám phá những bước chân lặng lẽ của Chúa Giêsu, những hồng ân mà Người gieo trong cuộc đời chúng ta để rồi tại một giây phút nào đó chúng ta có thể đối diện với sự thật rằng mặc dầu chúng ta đã làm một vài điều tốt nhưng đây không phải là điều để chúng ta kể công nhưng để cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi,” khi đối diện với Người.
FX Nguyễn Văn Tuyết.