KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đau Khổ và Vinh Quang (Lm Paul Chu Văn Chi)
Có lẽ chúng ta không thể nào tránh được khổ đau phiền muộn nhưng chúng ta vẫn có thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay vì chết chóc, nhờ đó chúng ta trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.

Trong Bài Đọc thứ nhất trích sách Tiên Tri Isaia, nói về Người Tôi Tớ Giavê vô tội nhưng phải chịu rất nhiều đau khổ vì tội loài người. Trong Bài đọc thứ hai, Thánh Giacôbê  nói về đức tin và hành động. Cả hai đều cần thiết và phải đi đôi với nhau: "Ðức tin mà không có hành động là đức tin chết".

Bài Tin Mừng Marcô hôm nay, Chúa mời gọi: "Ai muốn iheo Ta, thì hãy quên mình, vác thập giá mình rồi theo Ta". Nói cách khác, khổ đau sầu muộn có thể ví như những cơn bão táp, lụt lội xảy đến. Chúng ta là một phần cuộc sống mà chúng ta không thể nào tránh né được. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại tiếp tục biểu lộ một điều kỳ diệu khi Ngài nói: "Ai muốn cứu lấy mạng sống mình thì sẽ bị mất nó, nhưng ai liều mất mạng  sống vì ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó". Nói cách khác, đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng trong cuộc sống không phải là nỗi phiền muộn hay đớn đau xảy đến trên chúng ta mà chính là thái độ chúng ta đáp ứng chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Có lẽ chúng ta không thể nào tránh được khổ đau phiền muộn nhưng chúng ta vẫn có thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay vì chết chóc, nhờ đó chúng ta trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.

Eugene Oneill khi tuổi 25, ông vẫn còn là một người thất bại, cuộc sống thì hầu như không mục đích, không qui củ, không định hướng. Thế rồi một hôm, ông lâm trọng bệnh và được đem vào bệnh viện. Nhờ thời gian nằm viện, ông đã có dịp may làm được điều trước đó ông chưa bao giờ làm được; ông suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Nhờ đó ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông. Sau cùng Eugene O'Neill bình phục, ông chọn nghề viết kịch và bắt đầu trở thành người canh tân nền kịch nghệ Hoa Kỳ. Tất cả điều này xảy ra chính là do ông đã biết biến đổi phiền muộn khổ đau thành phương cách xây dựng tích cực, đã biến chúng thành sức sống cho ông.

Oscar Wilde sau khi ở tù ra, ông không còn chấp nhận viết những vở hài kịch phù phiếm nữa, không dành trí tưởng tượng cho ba chuyện lăng nhăng lít nhít nữa. Ông đã sáng tác những câu thơ tuyệt vời như: "Đau khổ chính là mảnh đất thánh", hay: "Đức Kitô đâu có thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã vỡ nát". Oscar Wilde đã dùng Kinh nghiệm đau thương thập giá của mình để tăng triển tốt đẹp hơn. Giống như tinh thần bài Phúc Âm hôm nay ông đã biết biến đổi kinh nghiệm đau thương ấy thành nguồn ban sức sống chứ không để nó thành nguồn chết chóc huỷ diệt.

Chúng ta hãy cảm tạ Đức Kitô đã dạy chúng ta: Qua phiền muộn và khổ đau thập giá cuộc đời, có thể biến thành nguồn sống giá trị. Thiên Chúa thường dùng khổ đau phiền muộn để biến đổi chúng ta thành người tốt hơn và biết thông cảm với tha nhân hơn. Khổ đau và phiền muộn có thể mở mắt cho chúng ta để chúng ta thấy được cuộc sống phong phú tốt đẹp.

Linh Mục Paul Chu Văn Chi.