KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đây là Con Ta rất yêu dấu!
Mỗi chúng ta, cách riêng trong hành trình Mùa Chay, được mời gọi tiếp cận hai khía cạnh, hai yếu tố khắn khít như hai mặt của một đồng tiền: những thách đố và dằn vặt; đớn đau và đổ vỡ trong thân phận con người bên cạnh những hoan lạc và thiện hảo, tươi đẹp và vinh quang thuộc về phần linh thánh Chúa vốn đặt sẵn trong cốt lõi của mỗi chúng ta.

Tin mừng trân trọng ghi nhận hai biến cố rất ý nghĩa và tương kết với nhau trong cuộc đời của Chúa Giê-su.  Cả hai đều diễn ra trên núi cao trong thời khắc ban tối (một xảy ra trên núi Ô-liu, một xảy ra trên núi Tabor).  Cả hai đều được 3 môn đệ thân tình, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an mục kích.  Các môn đệ này những khi ấy đều như đang ngái ngủ nhưng Chúa Giê-su thì tỉnh thức và đắm chìm trong kinh nguyện với Chúa Cha. 

Trên núi Ô-liu, các môn đệ được “nhìn xem” Chúa Giê-su trong khoảng khắc đau buồn tê tái đến “đổ mồ hôi máu”, nhìn thấy Ngài đương đầu với thách đố và sợ hãi theo thân phận con người, trong chiều kích thuộc về nhân tính của Ngài.  Ngược lại, trong biến cố trên núi Tabor, các môn đệ được dẫn vào một khoảng khắc ngất ngây đậm sâu, được hé mở cho thấy “chân dung” và ánh vinh quang huyền diệu thuộc về thần tính vốn ẩn chứa nơi Chúa Giê-su (Biến cố này thường được gọi là Chúa “biến hình” nhưng có lẽ đúng hơn nên gọi là Chúa “Hiển Dung”, Chúa tỏ lộ dung nhan và căn tính đích thực của Ngài). 

Cách riêng đối với Chúa Giê-su và các môn đệ lúc ấy, sự cảm nghiệm sâu xa theo lời Chúa Cha công bố và xác minh: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”. là một động lực và sức mạnh củng cố các Ngài trong hành trình gian khó trước mắt.  Đấy là hành trình “xuống núi” hướng về Giê-ru-sa-lem, nơi các tiên tri đích danh đều đối diện với kết điểm đời họ, với hiến thân sau cùng trong đớn đau nhục nhằn nhất.  Hẳn nhiên đối các môn đệ, thì ý nghĩa tròn đầy của biến cố Tabor, cũng như sứ mạng của Chúa Giê-su, Đấng hoàn tất mọi hứa hẹn của các tiên tri và lề luật (tiêu biểu qua sự hiện diện của Êlia và Mai-sen) chỉ được nhận biết thật sự dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su (x. Mk 15:39; 16:19-20 

Không lạ gì, biến cố “Hiển Dung” luôn được trân trọng là phần lâu đời nhất trong truyền thống và trình thuật về  các biến cố “Hiển Linh” (bao gồm các biến cố “Chúa Chịu Phép Rửa”, “Các nhà Đạo Sĩ”)   Không lạ gì, Tin Mừng thuật lại biến cố này luôn luôn được công bố trong Phụng vụ của Chủ Nhật 2 Mùa Chay hằng năm (năm nay Mk 9: 1-9).  Mỗi chúng ta, cách riêng trong hành trình Mùa Chay, được mời gọi tiếp cận hai khía cạnh, hai yếu tố khắn khít như hai mặt của một đồng tiền: những thách đố và dằn vặt; đớn đau và đổ vỡ trong thân phận con người bên cạnh những hoan lạc và thiện hảo, tươi đẹp và vinh quang thuộc về phần linh thánh Chúa vốn đặt sẵn trong cốt lõi của mỗi chúng ta. 

Đặc biệt, chúng ta được mời gọi tái khám phá và thể hiện “chân dung” cùng giá trị căn rễ của mình - cái căn rễ hay căn tính mà trong Chúa Ki-tô, Chúa Cha cũng không ngừng tái tạo và minh xác với mỗi cá nhân chúng ta: “Đây là Con Ta rất yêu dấu …”.  Theo gương  Chúa Giê-su - “nghe Lời Người” - khi chúng ta cảm nghiệm và sống cái căn tính ấy để có thể tín thác và dấn thân giữa mọi thăng trầm của đời thường, chúng ta cũng sẽ đón nhận được hoa trái của sự sống, niềm vui và an bình vượt trên mọi ước mong

“Người …phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?” (bài đọc 2, Rom 8: 31b-34) 

Lm. Remy Bùi Sơn Lâm