KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đem Chúa Đến Cho Người Khác (Lm FX Nguyễn Văn Tuyết)
Để có thể đem Chúa cho người khác, chính mình phải có một cảm nghiệm về Thiên Chúa. Nghĩa là biết tìm kiếm chính mình trong mối liên hệ với Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống để có thể yêu thương và đồng hành, tha thứ và hoà giải, chấp nhận và tìm kiếm; để có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa trong mọi sự và trong mọi lúc

Những cảm nghiệm hàng ngày về sự hiện diện của Chúa, cách này hay cách khác, giúp chúng ta nhìn lại chính mình, và nhận ra con người thật của chính mình với những khả năng và giới hạn của mình. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta nhìn thấy qua ba hình ảnh: Isaiah, Phaolô và Phêrô. Cả ba đều cảm tạ vì được Chúa chọn và cả ba đã thực hiện nhiều cố gắng để đáp lại ơn gọi tùy theo khả năng của họ. Họ không phải là những người hoàn hảo. Tiên tri Isaiah tự nhận mình là một người tội lỗi, không xứng để đại diện Thiên Chúa. Tuy nhiên việc này không làm cho ông lìa xa Thiên Chúa. Trái lại, ông mở rộng tâm hồn với lòng Chúa Thương xót, và Chúa đã chọn ông để rao truyền sứ điệp rằng Chúa luôn cho con người một cơ hội mới để ăn năn sám hối.

Phaolô bắt đầu sứ vụ trong một đường lối sai lạc qua việc bách hại các Kitô hữu. Không thể quên được điều này, và để vượt qua nó, ngài đã nổ lực tập trung vào ân sủng của Chúa đang làm việc trong ngài. Và ngài được sai đi để loan báo sứ điệp rằng đức tin Kitô giáo ám chỉ một cấp độ sâu xa của việc phó thác vào Thiên Chúa và hoàn toàn lệ thuộc vào Người. Rằng một đức tin đích thực không chỉ chấp nhận nội dung sứ điệp nhưng còn phải hoàn toàn trao chính mình cho Chúa để Người hoạt động trong chúng ta. Đối với những ai bị cám dỗ để quên đi ơn gọi kitô hữu này, chỉ biết sống trong hiện tại mà quên đi tương lai của mình. Ngài nhắc rằng căn nhà đích thực của một Kitô hữu là thiên đàng và hạnh phúc đích thực bao gồm việc yêu Chúa và tha nhân.  

Tương tự như vậy, đứng trước quyền năng của Chúa, Phêrô cũng xin Chúa hãy tránh xa ngài vì ngài tội lỗi. Nhưng ngài vượt qua lo sợ này bằng hành động phó thác. Phêrô và các bạn chài của ông là những người chuyên môn về đánh cá. Họ biết họ phải làm gì. Sau một đêm vất vả họ không bắt được một mảnh cá nào. Vì thế, khi nghe Chúa đề nghị, “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá” (Lc 5:5). Nơi họ, có một sự miễn cưỡng và nghi ngờ, tuy nhiên, với sự hạ mình, Phêrô không làm theo suy nghĩ của ông nhưng thay vào đó làm theo những gì Chúa bảo và Chúa đã trao cho ngài một công việc mới:“chinh phục người ta” (Lc 5:11). 

Cả ba đều yếu đuối. Cả ba đều phạm lỗi. Nhưng cả ba đều có chung một tâm hồn chân thành và vượt qua những yếu đuối của họ bằng cách hoàn toàn phó thác vào Chúa. Tuy mỗi người đáp trả một cách khác nhau nhưng cả ba đều có một cảm nghiệm chung rằng ân sủng của Chúa đang hoạt động trong cuộc sống của họ; Rằng Chúa mời gọi mỗi người làm một công việc khác nhau nhưng có chung một sứ vụ: Làm chứng cho tình yêu của Chúa trong thế giới.

Toàn thể giáo hội được mời gọi để thi hành nhiệm vụ này. Là chi thể của Giáo hội, mỗi người chúng ta cũng được gọi để xây dựng cuộc sống của Giáo hội - Đem Chúa đến cho người khác. 

Để có thể đem Chúa cho người khác, chính mình phải có một cảm nghiệm về Thiên Chúa. Nghĩa là biết tìm kiếm chính mình trong mối liên hệ với Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống để có thể yêu thương và đồng hành,  tha thứ và hoà giải, chấp nhận và tìm kiếm; để có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa trong mọi sự và trong mọi lúc. Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta sự hoàn hảo hoặc vô tội để phục vụ. Người cần nơi chúng ta một tâm hồn phó thác, dâng hiến, họp tác tích cực với ân sủng trong cuộc sống.  

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết.