KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đức Chúa Thánh Thần: Nguồn Suối Yêu Thương
Óc não chính trị, tìm kiếm chức quyền là những vật cản khiến các ông không nhận ra chân tướng và sứ vụ của Đức Giê-su. Thế rồi Chúa Thánh Thần ngự đến và các ông được biến đổi hoàn toàn.

Thánh Thần không chỉ là quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần mà thôi. Ngay từ thủa sơ khai, trong trình thuật tạo dựng, tác giả sách Sáng Thế đã mô tả sự hiện diện của thần khí Thiên Chúa bay lượn là đà trên mặt nước; rồi đến khi tạo dựng con người như hình ảnh của Thiên Chúa; tác giả một lần nữa, bằng một thể văn rất ấn tượng, ẩn chứa một ý nghĩa thật sâu sắc khi mô tả việc Thiên Chúa thổi sinh khí vào pho tượng mà ban cho con người sự sống. Chính Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn sự sống của nhân loại. 

Thánh Thần hoạt động liên lỉ trong dòng lịch sử của dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. Ngài hiện diện với mọi dân tộc. Ngài xuất hiện tựa làn gió, thổi sức mạnh và hơi ấm đến mọi người, mọi nơi và mọi chốn. Không một cá nhân hay tổ chức nào có thể cầm giữ và điều khiển được Ngài. Rồi đến lượt các Tông đồ, Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các ngài. Trước đó các ngài đã từng theo Chúa, đã từng nghe bao lời dạy dỗ của Chúa, đã từng chứng kiến bao điều cả thể của Chúa. Rồi chỉ vì sợ hãi nên sau lần hiện ra, với lời chúc bình an và qua việc Chúa thổi hơi trên các ông; thế mà các ông vẫn trốn chui trốn nhủi trong nhà. Thậm chí đến ngày Người gọi các ông đến chứng kiến cảnh tương Người đi về cùng Cha, thế mà các ông vẫn còn cho rằng đó là lúc Người khôi phục vuơng quyền Israel. Rồi thế nào mà các ông lại không đuợc chia sẻ ít chức quyền. Óc não chính trị. 

Tìm kiếm chức quyền là những vật cản khiến các ông không nhận ra chân tướng và sứ vụ của Đức Giê-su. Thế rồi Chúa Thánh Thần ngự đến và các ông được biến đổi hoàn toàn: nhiệt thành và can đảm rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã từng run sợ chối Chúa trước mặt những người đầy tớ, thế mà sau biến cố Thánh Thần ngự xuống, ông đã đứng trước một đám đông rao giảng hùng hồn về sự chết và sống lại của Đức Giê-su, khiến cho mấy ngàn người bị đánh đông và trở lại với niềm tin Phục Sinh. Như Phêrô, chúng ta đuợc mời gọi đóng góp công sức của mình. Nhưng chính Chúa Thánh Thần mới là nguồn động lực họat động nơi kẻ nói và người nghe; để ai nói sẽ nói Lời Chúa và kẻ nghe cũng sẽ đón nhận bằng một con tim bằng thịt mà tin và trở lại với sự thật là Tình Yêu của Chúa đã thể hiện qua sự chết và Phục sinh của Đức Giê-su. 

Cụ thể, trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe hôm nay. Sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, các Tông Đồ nói đuợc các thứ tiếng mà những người nghe đến từ các nơi đều hiểu các ngài muốn nói gì. Chúng ta có thể giải thích rất đơn giản là các ngài được ơn nói ngoại ngữ. Thật ra, dân chúng tập hợp tại Giê-ru-sa-lem vẫn còn giữ nguyên nền tảng cá biệt của dân tộc họ và ngôn ngữ riêng của họ. Nhưng quyền năng của Chúa Thánh Thần đã hoạt động để các ngài có thể diễn đạt sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người. Như vậy, tuy họ vẫn còn sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, chủng tộc hay mầu da; nhưng bằng Tình yêu con người có thể đón nhận và hiểu sứ điệp của Thiên Chúa muốn nói gì qua lời rao giảng của các Tông Đồ. 

Trong Tình yêu, dù vẫn còn khác nhau, nhưng trong sự khác nhau đó, con người vẫn đồng cảm, thông hiệp và yêu thương nhau hơn. Chỉ có ngôn ngữ của yêu thương mới giúp con người nối kết được với nhau. Tình Yêu là hoa quả mà Chúa Thánh Thần tác động và ban cho con người. Nói khác đi, Chúa Thánh Thần là nguồn suối, hoa quả của yêu thương mà Chúa Cha và Chúa Con trao ban cho những kẻ thuộc về Người. 

Lm. Joseph Mai Văn Thịnh DCCT