KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đức Tin của Tôma (Lm. Antôn Trần Bạch Hổ, SVD)
Sự cứng lòng tin của Tôma nên được coi như một đức tính cần thiết, để sự phán đoán và lời nói của mình có giá trị và đáng tin. Sự đáng tin không chỉ đòi hỏi đức tính chân thật, mà còn đòi hỏi sự phán đoán chính xác và chắc chắn.

Khi nghe tin Chúa Giêsu sống lại, các tông đồ đều vui mừng hoan hỉ.  Nhưng riêng Tôma, ông không tin một cách dễ dàng như thế, vì ông chưa đích thực gặp lại thân xác đã sống lại của Chúa Giêsu. Hơn nữa, từ trước tới giờ, ông chưa hề nghe nói có một ai tự mình sống lại từ cõi chết bao giờ!

Chúa Giêsu đã không phiền trách gì về sự nghi ngờ và cứng lòng của Tôma.  Ngài chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng, để bổ túc cho sự cứng tin ấy: “Vì đã thấy Thầy, nên con tin, nhưng phúc thay những ai không thấy mà tin.”  Và Chúa Giêsu đã cho phép Tôma được chạm tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài.  Có lẽ chính nhờ thế mà Thôma đã tin vào sự sống lại của Ngài hơn ai hết.  

Người cứng tin mà một khi đã tin thì tin rất vững vàng.  Còn có lẽ những người quá dễ tin, thì cũng sẽ dễ dàng mất niềm tin, hoặc cũng sẽ dễ dàng tin những điều khác dù chưa đủ nền tảng để tin.

Ngày nay, con người đã bước vào thời đại của khoa học kỹ thuật, nên chịu ảnh hưởng của tinh thần khoa học thực nghiệm.  Đó là ‘chỉ tin sau khi đã chứng minh’.  Và tinh thần nầy được thể hiện thành chủ trương ‘nghi ngờ có phương pháp’.  Đó là nghi ngờ để tìm tòi, hầu đi đến một kết luận chắc chắn.  Tinh thần khoa học thực nghiệm này đòi hỏi con người trước khi đi đến một kết luận, cần phải trải qua 3 giai đoạn: 1. Nhận xét; 2. Đưa ra giả thuyết; 3. Thí nghiệm kiểm chứng.

Tinh thần này chính là tinh thần của Tôma.  Chính vì thế, các nhà khoa học Công giáo đã nhận thánh Tôma làm bổn mạng của các nhà khoa học.  Vậy mà khi nghe bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay, người ta thường hay chê trách thái độ cứng lòng của Tôma.  Riêng tôi, tôi rất thích sự cứng lòng của Tôma, vì ông là con người có lý luận thực tiễn và có nhiệt tình quả cảm.  Khi Chúa Giêsu nói về con đường Ngài đi, và sau đó các tông đồ cũng sẽ đi, Tôma đã thưa: “Nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu, thì làm sao biết được đường lối Thầy?” (Ga 14: 5).  Và khi thấy Chúa Giêsu dứt khoát lên Giêrusalem không kể hiểm nguy, Tôma đã bảo anh em: “Nào cả chúng ta cùng đi để chịu chết với Ngài.” (Ga 11: 16).  Một con người như thế chỉ đáng khen chứ nào đáng chê.  

Sự cứng lòng tin của Tôma nên được coi như một đức tính cần thiết, để sự phán đoán và lời nói của mình có giá trị và đáng tin.  Sự đáng tin không chỉ đòi hỏi đức tính chân thật, mà còn đòi hỏi sự phán đoán chính xác và chắc chắn.  Một người hết sức thật thà và không bao giờ muốn lừa dối ai, thì thường hay dễ tin và hay bị lường gạt.  Và như thế, thì sự phán đoán và lời nói của họ sẽ không còn đáng tin nữa. 

Thời trước, người ta dễ tin những ai có uy tín, như giám mục, linh mục, các nhà tu hành...  Chẳng hạn như khi đang tranh luận một vấn đề gì, mà có người bảo: “Cha sở bảo như thế đấy”, thì người ta tin ngay, và không còn đặt vấn đề gì nữa.  Nhưng thời nay, người ta không dễ tin như vậy.  Họ thường đòi hỏi: “Nói có sách, mách có chứng.”  Muốn họ tin thì phải có bằng chứng.  Nếu không chứng minh được bằng sự kiện, thì ít nhất phải chứng minh được sự khả tín của điều mình nói.  Vì thế, việc rao giảng Phúc Âm không thể theo phương cách cũ mang nặng tính cách giáo điều.  Cho nên, những người rao giảng Phúc Âm cũng phải có một tinh thần khoa học thực nghiệm trong cách rao giảng, cần chú trọng đến những bằng chứng xác thực và những lý luận chặt chẽ, mặc dù đức tin không xuất phát từ những lập luận này.  Nhưng nếu không chú trọng đến khía cạnh này, lời rao giảng sẽ bị từ chối ngay từ đầu!

Vì tinh thần khoa học thực nghiệm của con người thời đại đòi hỏi những dấu chứng cụ thể, nên những xác quyết trong rao giảng cần được chứng tỏ bằng những sự kiện thực tế trong đời sống.  

Thiết tưởng đã tới lúc chúng ta, những người Công giáo, cần đặt lại vấn đề sống đạo một cách nghiêm túc hơn, và hãy thành thật với chính lòng mình.  Nếu ta cảm thấy Kitô giáo trong thực tế đã không đem lại một thứ hạnh phúc nào cho chúng ta, không tạo được một động lực đủ mạnh để thúc đẩy ta sống tốt đẹp hơn, mà ta cứ hãnh diện bảo rằng Kitô giáo là tôn giáo tốt nhất, đúng nhất và hữu hiệu nhất, thì sự rao giảng của chúng ta đúng là một sự lừa dối!  Nếu như thế chúng ta phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về sự lừa dối này?  Chúng ta tưởng mình có đức tin, nhưng trong thực tế, đức tin ấy đã chết đi từ lâu, mà ta cứ tưởng là ta vẫn còn đức tin!  Vì đức tin không phải là một chấp nhận suông, hay chỉ là lời nói tuyên xưng ngoài miệng, nhưng đức tin phải là cốt lõi của đời sống thiêng liêng, khiến ta thay đổi lối suy nghĩ, cách hành động nên tốt đẹp hơn, và sống thánh thiện hơn theo đường lối của Phúc Âm

Lm. Antôn Trần Bạch Hổ, SVD