KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Đừng Sợ Nhưng Hãy Tin (Lm Fx Nguyễn Văn Tuyết)
Trong đại dịch corona hiện nay, trong khi chính phủ Ý ra lệnh người dân phải “ở trong nhà” thì Đức Thánh Cha, một người đã 83 tuổi, mặc dầu chân đi không vững, vẫn hy sinh “bước ra khỏi nhà” đi bộ đến đền thờ Đức Bà Cả nơi có đặt một bức ảnh Đức Bà Cứu Dân Thành Rôma để cầu nguyện cho việc chấm dứt dịch bệnh với Đức Mẹ.

Thánh Gioan, trong Tin mừng hôm nay, dùng biểu tượng thể lý để dẫn đến ý nghĩa sâu xa hơn ảnh hưởng đến chiều sâu của tâm linh. Ngài dùng hình ảnh mù loà thể lý để ám chỉ đến sự mù loà tâm linh: “chữa lành cặp mắt thể xác cho người mù để anh nhìn thấy con người, và chữa lành cặp mắt đức tin để anh nhìn thấy Thiên Chúa.” Để giải thích rõ hơn ý nghĩa này, Thánh Gioan đưa ra bốn cái nhìn khác nhau. Khi đối diện với người mù, các môn đệ chỉ thấy đây là một kẻ có tội nên bị phạt; người Pharisêu tìm đủ mọi ngõ ngách để khỏi phải nhìn nhận sự thật về việc người mù được Chúa chữa lành; dân chúng thì không thể tin nổi sự việc mà họ vừa nhìn thấy. Còn Chúa Giêsu, Người nhìn thấu tâm hồn của mọi người. Chúa không nhìn người mù bằng ánh mắt bàng quang nhưng nhìn với lòng thương xót. Cái nhìn của Chúa không bị che mờ bởi những thành kiến như các môn đệ; bởi những hoài nghi như dân chúng; bởi những đố kị như Pharisêu; hay bởi những định chế xã hội xếp loại giai cấp con người nhưng là một cái nhìn phát sinh hiệu quả: “Chúa nhìn người mù và làm cho anh được thấy.” Với cái nhìn đức tin anh quỳ xuống và tuyên xưng “Lạy Chúa, con tin” (Jn 9:38).  Lời tuyên xưng này giúp anh bước ra khỏi đền thờ cũ để bước vào đền thờ mới là Chúa Giêsu.

Người mù, với ánh sáng đức tin, đã biểu lộ đức tin bằng hành động cụ thể khi quỳ xuống và thưa, “Lạy Chúa, con tin.” Cũng vậy đức tin kitô hữu không chỉ tin vào một việc chung chung rằng Chúa hiện hữu nhưng còn phải biểu lộ bằng hành động tin vào Thiên Chúa (Jn 14:1). Tin vào Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta có bổn phận phải từ bỏ những việc làm của bóng tối và bước vào ánh sáng Chúa Kitô; phải suy nghĩ chính chắn trước khi làm bất cứ việc gì, nghĩa là phải biết “xem xét điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa, và đừng thông phần vào những việc vô ích của con cái bóng tối” (Eph 5:10-11) 

Trong đại dịch corona hiện nay, trong khi chính phủ Ý ra lệnh người dân phải “ở trong nhà” thì Đức Thánh Cha, một người đã 83 tuổi, mặc dầu chân đi không vững, vẫn hy sinh “bước ra khỏi nhà” đi bộ đến đền thờ Đức Bà Cả nơi có đặt một bức ảnh Đức Bà Cứu Dân Thành Rôma để cầu nguyện cho việc chấm dứt dịch bệnh với Đức Mẹ. Và tại nhà thờ San Marcello nơi đặt một tượng chịu nạn mà vào năm 1522 đã được rước đi khắp các vùng lân cận của thành phố để cầu nguyện cho “Đại dịch” được chấm dứt ở Rôma. Ngài muốn nói rằng trong khi cần phòng tránh sự lây nhiễm của dịch bệnh, cần thuốc men và an toàn, thì chúng ta cũng cần phó thác và gần gũi với Thiên Chúa nữa như thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy: “hãy thức giấc, vùng dậy ra khỏi bóng tối của sự chết và mặc lấy ánh sáng của Chúa Kitô” (Eph 5:14).

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con “đừng sợ nhưng hãy tin,” Xin ban cho chúng con thêm lòng tin và lòng phó thác.  Xin giúp chúng con nhìn thấy được ý nghĩa đích thực của việc thờ phượng, của việc dự lễ, ăn chay, bố thí cũng như giúp đỡ người khác. 

Lm Fx Nguyễn Văn Tuyết