KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Nguồn cội và cứu cánh của chúng ta
Những ngày gần đây, các chuyên gia ngành Nhân Chủng Học đang rất náo nức với một khám phá mới. Dựa trên những cuộc khảo nghiệm về các mẫu xương người hóa thạch tại vùng Jebel Irhoud, Morocco, họ công bố rằng thủy tổ của con người đã xuất hiện trên lục địa Phi Châu từ hơn 300.000 năm rồi, không phải chỉ khoảng 200.000 năm như đã ước tính trước đây!

Việc tiến hóa của nòi giống con người cũng đa dạng và phức tạp hơn chúng ta vẫn tưởng. Có những dấu hiệu cho thấy các nhóm người nguyên thủy sinh sống ở nhiều vùng khác nhau mà cũng vẫn có những tương tác, giao lưu với nhau về thể lý cũng như hiểu biết. (Sydney Morning Herald, 8/6/2017)

Các ngành khoa học chủ ý tim hiểu về tiến trình thành hình dài lâu của giòng dõi con người trên mặt đất, về gốc gác, môi sinh, dáng vóc cũng như kỹ năng khác nhau của các nòi giống thủy tổ. Nhưng thật ra, các câu hỏi căn rễ thật sự về nguồn cội, định mệnh và cứu cánh của con người thì lại không nằm trong phạm trù khoa học thực nghiệm. Những câu hỏi ấy phải được học biết qua lăng kính tôn giáo và niềm tin.
Mầu nhiệm “Thiên Chúa Ba Ngôi” mà chúng ta long trọng tôn thờ hôm nay, cũng như vẫn tuyên xưng lại trong mỗi Chúa Nhật và Lễ Trọng không chỉ liên quan đến niềm tin về Thiên Chúa vô hình mà vốn đã gắn liền với vấn để về chính cội nguồn và cùng đich của nhân loại.

Trước hết, chính Chúa Giêsu và chỉ có Chúa Giêsu mới hé mở và dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Người tỏ bày cho chúng ta về bản thể thần linh của Thiên Chúa cũng như về ý nghĩa của bản thể ấy đối với phần rỗi của chúng ta và tạo vật. Thí dụ như Chúa Giêsu vốn dạy rằng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.. Ai thấy Thầy là thấy Cha… Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.. (Gioan 14: 6.9-10; cf. 17: 10,20-26). “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy…Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy…Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy..(Gioan 14: 6.9-10, 23-24,26) “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi… Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy (Gioan 14:16)

Dựa vào mặc khải của Chúa Giêsu, toàn thể Kitô giáo long trọng tuyên xưng niềm tin vào mầu nhiệm cốt lõi: Một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi; Ba Ngôi phân biệt (Cha, Con, Thánh Thần) nhưng hoàn toàn nên một trong cùng một bản thể, cùng một vinh quang và quyền năng vĩnh cửu. Công thức tuyên tín này thường khi trừu tượng và khó hiểu nhưng đây thực ra là huyền nhiệm về tương quan tình yêu và sự sống thần linh bất tận nơi Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa – tình yêu và sự sống trọn hảo đến nỗi đạt được sự hiệp nhất tuyệt đối trong đa dạng bất tận. Huyền nhiệm này vì thế cũng rất gần gũi và thiết yếu đối với mọi Kitô hữu, là chính nguồn cội và cứu cánh của chúng ta: Chúa Ba Ngôi chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài qua công trình sáng tạo và cứu độ. Một Thiên Chúa toàn năng vô hình nhưng không xa vời lạnh cảm. Ngài “chậm bất bình và giàu thương xót…luôn tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi…và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.” (x. Bài đọc 1: Xh 34:4b-6.8-9) “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (x. Phúc Âm Jn 3:16-18) Huyền nhiệm Chúa Ba Ngôi cũng chính là mô thức cho sự vươn lớn, cho sứ mạng và hạnh phúc đích thực của chúng ta: chúng ta được mời gọi sống trong yêu thương nối kết mà lại không ngừng tỏa lan và trao ban; hiệp nhất trong đa dạng và đa dạng trong hiệp nhất. Khi chúng ta nỗ lực thực hiện mời gọi ấy nơi gia đinh, cộng đoàn và môi trường sống thường nhật thì chúng ta thật đã ở ngay trong cung lòng của Thiên Chúa, và đã đi vào trong chính huyền nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bây giờ và mãi mãi.

Xin cho lời chào nồng ấm của Thánh Phao lô dưới đây hằng được vang vọng và thể hiện bằng chính đời sống và hoạt động mỗi ngày của chúng ta:
“Cầu chúc toàn thể anh chị em được tràn đầy ân sủng của Chúa Giê su Ki-tô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần. Amen.” (x. Bài đọc 2: 2Cor 13:11-13)


Lm. Remy Bùi Sơn Lâm