KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Những Mâu Thuẫn Trong Cuộc Sống Kitô Hữu (Linh mục F.X. Nguyễn Văn Tuyết)
chúng ta phải chọn Thiên Chúa, chọn thái độ của Tin Mừng

 Những Mâu Thuẫn Trong Cuộc Sống Kitô Hữu.
Thầy đến để đem chia rẽ chứ không phải bình an. Lời này của Chúa khiến chúng ta phải ngạc nhiên vì có vẻ mâu thuẫn với những gì chúng ta suy nghĩ và tin tưởng đó là giáo hội rao giảng sự bình an. Vì thế chúng ta tự hỏi lời này có ý nghĩa gì?
Vào một ngày cuối hè nọ, một chàng thanh niên mời cả gia đình ăn cơm để báo cho họ biết một quyết định quan trọng liên quan đến tương lại của anh. Anh vừa mới hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp trung học với kết quả điểm thi anh có thể học bất cứ ngành nào tại đại học. Mọi người trong gia đình đều nghĩ rằng anh sẽ có một tương lai rất thành công. Cha anh ta là một bác sĩ và luôn nghĩ anh sẽ nối nghiệp ông. Đối với ông thì đây là một điều không thể bàn thảo hay thương lượng. Ông nghĩ nếu chuyện nối nghiệp cha là điều chắc chắn thì có gì quan trọng hơn mà anh muốn cho gia đình biết?
Khi mọi người có mặt đông đủ anh ta nói lên ý muốn của anh, một ý muốn mà cả gia đình cho là điên rồ. Anh muốn trở thành linh mục. Và anh sẽ nhập chủng viện đầu năm học đó. Nghe vậy, một sự thinh lặng nặng nề bao phủ mọi người. Người cha đánh tan sự thinh lặng đó với câu tuyên bố: “không một đứa con nào của ông được phép trở thành linh mục. Nếu ai trở thành linh mục, người đó không còn là con ông.” Nói xong, ông bước ra khỏi phòng. Người mẹ trách anh phá hoại hạnh phúc gia đình. Hoàn cảnh này đưa anh đến sự chọn lựa. Chọn lựa giữa ước muốn gia đình, và ước muốn trở thành linh mục.
Có lẽ trong cuộc sống chúng ta có thể chưa bị đặt vào hoàn cảnh mà bất cứ quyết định nào chúng ta thực hiện kết quả vẫn là chia rẽ và bất đồng ý kiến. Các bài đọc hôm nay làm nổi bật đến việc “theo” hay “chống” khi đối diện những hoàn cảnh như vậy.
Qua bài đọc Một, giống như các tiên tri khác, tiên tri Giêrêmia bị nhà vua và các quần thần ngược đãi. Vì thế ngài bị đặt giữa hai ý tưởng mâu thuẫn nhau: sợ hãi đối với bổn phận phục vụ Thiên Chúa và chạy trốn ơn gọi tiên tri để được yên thân. Ngài luôn chiến đấu để vượt thắng hai ý tưởng mâu thuẫn này bằng cách phục tùng Thiên Chúa trong tâm tình vâng phục và phó thác. Thánh Phaolô diễn tả sự mâu thuẫn nội tâm này như sau “Tôi làm gì tôi không hiểu. Bởi vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rom 7:15:19).
Tin mừng đưa ra cách giải quyết khi nhấn mạnh tính cấp bách trong sứ điệp của Chúa, Đấng không tán dương hoặc ủng hộ việc chia rẽ trong gia đình. Nhưng dạy rằng mặc cho những mối dây liên hệ gia đình có thân thiết đến đâu đi nữa, chúng cũng không thể là lý do để chúng ta cho phép chúng can thiệp vào những việc quan trọng trong cuộc sống tâm linh.
Không ai có một công thức kỳ diệu nào để làm cân bằng giữa đòi hỏi gia đình và đòi hỏi đức tin. Bình thường nếu được, chúng ta chu toàn bổn phận của cả hai. Chúng ta hiểu rằng không ai có thể dùng Thiên Chúa để viện cớ cho việc chối bỏ trách nhiệm đối với người phối ngẫu, với con cái cũng như cha mẹ và ngược lại. Tuy nhiên khi bị buộc để phải có quyết định, chúng ta phải chọn Thiên Chúa, chọn thái độ của Tin Mừng (cc 51-53). Một thái độ không được thỏa hiệp với thế gian mà bỏ qua Lời Chúa, một thái độ trung kiên giữ vững đức tin và tôn trọng sự thật. Đây là thái độ ngôn sứ được trao khi chúng ta nhận lấy bí tích Rửa tội.
Trong cuộc sống chúng ta luôn mong muốn để có một sự hiệp thông với Chúa. Tuy nhiên, sự lo sợ bị loại bỏ hoặc bị từ chối khiến cho sự tìm kiếm sự hiệp thông này bị thay thế bởi một khát vọng khác, và khi những khát vọng này đến theo cách mà chúng ta nghĩ, chúng ta bắt đầu mất đi niềm tin vào những gì chúng ta thực sự tin tưởng trước đó. Khi mất đi niềm tin cũng là lúc mà chúng ta đang làm nguội lạnh ngọn lửa Chúa Thánh Thần (1 Thes 5:19) mà Chúa đã gieo vào tâm hồn và mong muốn nó được bùng cháy trong cuộc sống.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết